Phải chăng Châu Âu đã từ bỏ cội nguồn Kitô giáo của mình?

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 21-04-2024 | 16:26:02

Các cuộc tranh luận chính trị về “nguồn gốc Kitô giáo” của Châu Âu đã xảy ra thường xuyên trong vài thập kỷ qua, gần đây nhất là vào tháng 12 năm 2021 khi Ủy ban Châu Âu kêu gọi người dân tìm một cụm từ mang tính bao quát hơn thay cho “Chúc mừng Giáng sinh”.

(Ảnh: pixabay.com)

(Ảnh: pixabay.com)

Cuộc tranh luận về việc liệu Châu Âu có nên ủng hộ chặt chẽ hơn nguồn gốc Kitô giáo của mình hay không đang nóng lên trở lại, đặc biệt là ở Pháp. Ông François-Xavier Bellamy, phó Chủ tịch hiện tại của một trong những đảng chính trị lớn của đất nước, đảng Cộng hòa, đã tố cáo từ cương lĩnh của Nghị viện Châu Âu là “sự căm ghét cội nguồn đã tạo nên Châu Âu”. Và bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu National Rally, cũng đã chỉ trích “những nhà kỹ trị (những người) đã thể hiện bộ mặt thật của họ: kẻ thù của bản sắc, của cội nguồn, truyền thống của chúng ta”.

Nguồn gốc của cuộc tranh luận này bắt nguồn từ đầu những năm 2000, trong quá trình soạn thảo Hiến pháp Châu Âu. Vào thời điểm đó, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Lionel Jospin đã từ chối đưa nội dung đề cập đến “nguồn gốc Kitô giáo” của châu Âu vào lời mở đầu của dự thảo, bất chấp áp lực từ Ba Lan, Ý và Đức. Sau nhiều tranh cãi, hai nhà lãnh đạo Jacques Chirac và Lionel Jospin đã thắng thế vào năm 2004. Quan niệm của họ về chủ nghĩa thế tục đã giản lược tôn giáo thành một vấn đề hoàn toàn cá nhân: thay vào đó, lời mở đầu đề cập đến “sự kế thừa về văn hóa, tôn giáo và chủ nghĩa nhân văn của Châu Âu”.

Một sự công cụ hóa tôn giáo?

Cuộc tranh luận về nguồn gốc Kitô giáo của châu Âu đặt ra hai câu hỏi: một câu hỏi về lịch sử, một câu hỏi khác về chính trị. Trong khi câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là hiển nhiên – với vai trò quan trọng của Giáo hội trong lịch sử Châu Âu từ thế kỷ thứ tư trở đi cho đến nguồn cảm hứng Kitô giáo về dự án Châu Âu sau Thế chiến II – câu trả lời thứ hai lại cởi mở hơn để tranh luận.

Ba lập luận chính được đưa ra để chống lại việc đề cập đến nguồn gốc Kitô giáo. Một số bác bỏ cụm từ này nhân danh chủ nghĩa thế tục. Vì các cơ quan công quyền không còn thực thi luật tôn giáo nữa nên việc đề cập đến Kitô giáo trong Hiến pháp, theo họ, là lỗi thời.

Những người khác coi đó là một sự đề cập “độc quyền” vốn phản đối ý tưởng của Pháp về một truyền thống “phổ quát”. “Tôi không tin vào nguồn gốc Kitô giáo của Châu Âu”, Pierre Moscovici, khi đó là thành viên của Ủy ban Châu Âu, cho biết. “Việc muốn thu hẹp châu Âu về những ‘cội rễ’ này thôi là nhằm che khuất một phần bản sắc của nó và loại trừ một bộ phận người châu Âu”.

Cuối cùng, những người khác coi đó là sự công cụ hóa tôn giáo mang tính chính trị của những người theo chủ nghĩa dân túy nhằm phản ứng lại sự xuất hiện của Hồi giáo ở châu Âu. Đáng chú ý đây là luận điểm của nhà khoa học chính trị Olivier Roy, một chuyên gia về Hồi giáo. “Những người muốn đề cao cội nguồn Kitô giáo tuyệt đối không rao giảng việc quay trở lại với đức tin”, mà nghịch lý thay là “đẩy nhanh quá trình phi Kitô hóa”, ông Roy viết trong một bài báo đăng trên La Croix vào năm 2019

Nắm giữ một di sản văn minh?

Nhưng việc không công nhận “cội rễ Kitô giáo” của châu Âu làm dấy lên những lập luận trái ngược nhau. Đối mặt với quyết định của hai nhà lãnh đạo Lionel Jospin và Jacques Chirac nhằm loại bỏ cụm từ “di sản tôn giáo” khỏi Hiến chương về các quyền cơ bản của Châu Âu năm 2000, nhà sử học người Pháp René Rémond đã tố cáo điều mà ông coi là “văn hóa khinh miệt” đối với Kitô giáo. Nhìn chung hơn, các nhân vật cánh hữu ở Pháp coi đó là sự phủ nhận các giá trị nền tảng của đất nước và sự từ bỏ bản sắc của họ, như đã thấy trong bình luận của Laurent Wauquiez vào năm 2014.

Triết gia người Pháp Rémi Brague tin rằng cần phải phân biệt những người tin vào Chúa Kitô với những “người Kitô hữu” bảo vệ Kitô giáo như một nền văn minh. Nhưng ông nói rằng việc tuyên bố chúng ta đến từ đâu cũng là điều bắt buộc để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập của các nhóm dân cư mới. Nhưng thay vì sử dụng thuật ngữ “cội rễ”, ông thích sử dụng từ “cội nguồn” hơn, điều này gợi ý sự cần thiết phải tích cực gắn kết với di sản.

Tương tự như vậy, nhà khoa học chính trị người Pháp Pierre Manent, nói rằng việc công nhận di sản Kitô giáo là điều cần thiết để “tạo ra điểm chung giữa chúng ta” và nguy cơ đến từ “sự nhầm lẫn giữa Kitô giáo với chủ nghĩa nhân đạo” thay vì những người theo chủ nghĩa dân túy lợi dụng tôn giáo để đạt được lợi ích chính trị. Tuy nhiên, theo Manent, việc tái khẳng định “nguồn gốc Kitô giáo” của chúng ta là không đủ cho một dự án chính trị. Thay vào đó, chúng ta muốn làm gì với những cội nguồn này?

Lời kêu gọi của các Đức Giáo hoàng nhằm tái khám phá cội nguồn của chúng ta

Đối với câu hỏi này, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một câu trả lời rõ ràng. “Cội rễ Kitô giáo của Châu Âu là sự bảo đảm chính cho tương lai của nó. Liệu một cái cây không có rễ có thể sinh trưởng và phát triển được không?”, Đức Gioan Phaolô II nói trong bài giảng ngày 28 tháng 6 năm 2003, cùng ngày ban hành Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng ‘Ecclesia in Europa’. Trên thực tế, Đức Gioan Phaolô II đã tiếp tục một chủ đề thường xuyên về ngoại giao của Vatican kể từ Đức Piô XII bằng cách sử dụng thuật ngữ chính – “cội rễ” – mà ngài đã sử dụng trong bài diễn văn năm 1982 tại thành phố Santiago de Compostela của Tây Ban Nha.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thúc đẩy ngôn ngữ về nguồn gốc Kitô giáo, đặc biệt là trước cuộc bầu cử châu Âu năm 2019. “Họ không muốn đề cập đến ‘cội rễ Kitô giáo’, nhưng Thiên Chúa đã phục thù”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói vào ngày 5 tháng 5 năm đó trong khi chào riêng các nhà báo đi cùng ngài đến Bulgaria. Theo Đức Phanxicô, chính vì châu Âu đã từ chối đón nhận di sản Kitô giáo của mình nên ngày nay châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc về bản sắc.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube