Tòa Thánh kêu gọi tinh thần trách nhiệm chung trong việc bảo vệ những người tị nạn và di cư

Những người di cư xin tị nạn băng qua sông Rio Grande giữa Mexico và Mỹ

Những người di cư xin tị nạn đang băng qua sông Rio Grande giữa Mexico và Mỹ

Phái đoàn Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc kêu gọi tinh thần trách nhiệm chung trong việc bảo vệ những người tị nạn và những người xin tị nạn.

Khi tình trạng di cư cưỡng bức tiếp tục gia tăng đáng kể trên toàn thế giới, cần có các chính sách tái định cư rộng rãi hơn, cùng với “cam kết mạnh mẽ hơn đối với tinh thần trách nhiệm chung”, Tòa Thánh nhắc lại lời kêu gọi.

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), số người bị cưỡng bức phải di tản chạy trốn khỏi chiến tranh, bạo lực, các vụ vi phạm nhân quyền cũng như thiên tai, đã tăng lên tới 82,4 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2020.

Không chỉ là những con số

Trong một tuyên bố gửi tới Ủy ban thường trực thứ 81 của Ủy ban điều hành UNHCR hôm thứ Hai, Phái đoàn thường trực của Vatican tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã nhắc nhở rằng những người này không chỉ là những con số, mà còn là những “anh chị em” của chúng ta. Đây là lý do tại sao các quốc gia cần phải cam kết thực hiện tinh thần trách nhiệm chung để đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi.

Sự cần thiết của một giải pháp lâu dài

Phái đoàn thường trực của Vatican cho biết “thật đáng tiếc” khi đại dịch đã “trở thành một cuộc khủng hoảng về sự bảo vệ cũng như một nguyên nhân khác gây ra sự chậm trễ trong việc đạt được các giải pháp lâu dài”, đồng thời nhắc nhở rằng quyền xin tị nạn được ghi trong Công ước Geneva về Người tị nạn và “cuối cùng thừa nhận rằng chúng ta là một đại gia đình nhân loại”.

Phản ứng không đầy đủ đối với các vấn đề mà những người tị nạn và những người xin tị nạn phải đối mặt

Phái đoàn thường trực của Vatican bày tỏ mối quan ngại đặc biệt rằng trong một số trường hợp nhất định, đại dịch “đã thách thức các quy tắc nền tảng của luật về người tị nạn, đặc biệt là quyền xin tị nạn và nguyên tắc cốt yếu của Luật không gửi trả”. Tuyên bố lưu ý rằng, khi đại dịch tiếp tục, “những vấn đề mà những người tị nạn và những người xin tị nạn phải đối mặt hiện vẫn chưa có phản ứng thích hợp”, trong khi “cuộc tranh đấu của các cộng đồng chủ nhà vẫn chưa được giải đáp”. “Hạn ngạch tái định cư đã giảm xuống”, và “tác động đến việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục là rất lớn, với việc những người tị nạn thường không được tiếp cận với những hàng hóa cơ bản này”, tuyên bố cho biết.

Sự cần thiết đối với hợp tác và liên đới mạnh mẽ hơn

Do đó, Phái đoàn thường trực của Vatican kêu gọi một sự “hợp tác và liên đới mạnh mẽ hơn, với mục đích hỗ trợ hiệu quả những quốc gia tiếp đón số lượng lớn những người tị nạn”, đồng thời cũng nhận xét rằng những người tị nạn và những người phải di tản “không chỉ đơn thuần là những đối tượng cần được hỗ trợ”, mà còn là “ các chủ thể của quyền và nghĩa vụ” vốn có thể đóng góp tích cực cho các quốc gia tiếp đón họ.

Cân bằng giữa mối bận tâm về sức khỏe cộng đồng của các quốc gia và quyền được xin tị nạn

Trong khi thừa nhận và tôn trọng quyền độc quyền của các quốc gia trong việc quản lý biên giới của mình, Tòa Thánh cuối cùng tái khẳng định rằng “có thể cân bằng giữa các mối bận tâm về sức khỏe cộng đồng và việc tôn trọng nguyên tắc của Luật không gửi trả và quyền xin tị nạn”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube