Thượng hội đồng về Hiệp hành: Một tiến trình của sự biến đổi

Đức Tổng Giám mục Nelson Pérez Địa phận Philadelphia tham gia cùng với các bạn sinh viên đại học, những người trẻ tuổi khác và các nhà lãnh đạo mục vụ trong phiên lắng nghe của Thượng hội đồng vào ngày 4 tháng 4 tại Đại học La Salle (Ảnh: CNS / CatholicPhilly.com / Sarah Webb)

Đức Tổng Giám mục Nelson Pérez Địa phận Philadelphia tham gia cùng với các bạn sinh viên đại học, những người trẻ tuổi khác và các nhà lãnh đạo mục vụ trong phiên lắng nghe của Thượng hội đồng vào ngày 4 tháng 4 tại Đại học La Salle (Ảnh: CNS / CatholicPhilly.com / Sarah Webb)

Gần đây, Điều phối viên đồng nghị cho một Giáo phận Hoa Kỳ nói với tôi: “Với đội ngũ đồng nghị Giáo phận của chúng tôi, chúng tôi đã tổ chức các phiên lắng nghe tại tất cả các Giáo xứ của chúng tôi theo phương pháp được mô tả trong ‘vademecum’. Chúng tôi cũng đã làm điều đó ở nhiều nơi khác, như các trường học Công giáo, các cơ sở trú ẩn dành cho những người di cư và tị nạn, các nhóm bà mẹ đơn thân, v.v. Nó thực sự đang làm thay đổi anh chị em giáo dân và Giáo phận. Giờ đây, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi phải tiếp tục quá trình này và tập trung vào sự phân định”.

Trong nhiều báo cáo, chúng tôi đã bắt đầu nhận được tại Ban Thư ký chung của Thượng Hội đồng Giám mục, chúng tôi có thể đọc những nhận xét kiểu như vậy đến từ một Giáo xứ Hoa Kỳ: “Các tham dự viên rất biết ơn vì đã có cơ hội được chia sẻ niềm vui, hy vọng, mối quan tâm và khuyến nghị của họ trong phản ứng để xây dựng một Giáo hội tốt hơn. Các phiên họp tràn đầy sự cuốn hút và các cuộc trò chuyện diễn ra sôi nổi, đầy những suy tư, tràn đầy năng lượng và đôi khi được đặc trưng bởi những cảm xúc mạnh mẽ”.

Thật là ấn tượng khi được nghe từ rất nhiều nơi trên thế giới, nơi mọi người có cơ hội tham gia một cuộc tham vấn đồng nghị thực sự như thế này, cho phép họ cầu nguyện cùng với nhau, lắng nghe lẫn nhau, đối thoại về câu hỏi nền tảng của Thượng hội đồng và 10 chủ đề mà họ cảm nghiệm được sự vui mừng.

Nhiều người đã bày tỏ sự cảm kích của họ. “Đây là lần đầu tiên Giáo hội đề nghị được lắng nghe tiếng nói của tôi và điều đó khiến tôi nhận ra rằng chúng ta là một Giáo hội, chứ không chỉ riêng các linh mục và giám mục”.

Nhiều người cũng làm chứng rằng khi trải qua kiểu lắng nghe lẫn nhau này, họ nhận thức rằng sự thay đổi trong phong cách trở thành Giáo hội, ngay cả trước khi trở thành vấn đề mang tính Giáo lý hoặc cấu trúc, là một sự hoán cải cá nhân mà mỗi người và mọi người đã được rửa tội được kêu gọi.

Thượng hội đồng đã trổ sinh hoa trái và chúng ta có thể chiêm ngưỡng cách thức Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt Giáo hội hướng đến một cuộc hoán cải hiệp hành tại cơ sở trong các Giáo hội địa phương đốn nhận tính hiệp hành với sự sáng tạo.

Tất nhiên, đó không phải là một con đường dễ dàng, vì nó là lời kêu gọi thay đổi vốn tự nhiên làm nảy sinh những lo ngại hãi và sự phản kháng. Việc tìm những cách thức để thực sự bước đi cùng nhau với tư cách là dân Chúa với và thông qua những khác biệt về ơn gọi, chức vụ, tuổi tác và giới tính của chúng ta là một thách thức. Giáo hội Công giáo đang học hỏi lại tính hiệp hành vốn là phong cách của Giáo hội sơ khai như là thành quả của Công đồng Vatican II. Nhưng đó là một con đường rộng mở, không được viết trước.

Con đường Hiệp hành 2021-2023 là một quá trình học hỏi, một cuộc hành trình vượt qua hướng đến một “sự tái sinh mới”, một cuộc canh tân truyền giáo để đi vào một tầm nhìn mới về Giáo hội vốn là một Giáo hội có sự phân định, một Giáo hội có tương quan, một Giáo hội hòa nhập.

Tóm lại, đó là một Giáo hội năng động, tự nhận thức mình là một sự hiệp thông truyền giáo phản chiếu Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi – Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong lịch sử trên cuộc hành trình của nhân loại ngày nay.

“Vì vậy, việc thiết lập Thượng Hội đồng về Hiệp hành không có nghĩa là thực hiện theo một chủ đề giống như nhiều Thượng Hội đồng khác, nhưng dựa trên căn tính sâu xa hơn của Giáo hội là sự hiệp thông và sứ mạng vốn trở nên cụ thể, mang tính lịch sử sâu sắc khi có sự tham gia của tất cả mọi người. Giáo hội là như vậy, thật vậy, chỉ khi nó được tất cả mọi người mang trên vai và chia sẻ trong trái tim mình, để phục vụ anh chị em của mình, đặc biệt là bắt đầu từ những người rốt hết, những người bị loại bỏ và những người ở các khu vực ngoại vi hiện sinh và tâm linh của thời đại chúng ta”, Đức Ông Piero Coda, thành viên của Ủy ban Thần học của Thượng Hội đồng 2021-2023, chia sẻ.

Như nhiều thần học gia đã bày tỏ điều đó sau khi khai mạc Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2021, chúng ta đang sống “sự kiện quan trọng nhất của Giáo hội hậu Công đồng Vatican II”. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội khi một Thượng hội đồng được kêu gọi để có sự tham gia của toàn thể dân Chúa như được viết trong câu đầu tiên của văn kiện chuẩn bị: “Hội Thánh của Thiên Chúa được triệu tập trong Thượng hội đồng.” Vì vậy, tất cả mọi người đều được kêu gọi tham gia, để góp tiếng nói của mình, đặc biệt là những người nghèo, những người sống bên lề, những người không có tiếng nói.

Giai đoạn cấp Giáo phận của Thượng hội đồng gần như đã khép lại, nhưng việc chuyển đổi hướng đến tính Hiệp hành vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, chúng ta được mời gọi tiếp tục cuộc hành trình quan trọng này vì tương lai của giáo hội và tương lai của một thế giới khao khát hòa bình, hòa giải và thống nhất. Tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều có vai trò thúc đẩy và thực hiện tính hiệp hành ở mọi cấp độ của Giáo hội.

Và nếu chúng ta tin rằng “tính hiệp hành là cách thức để trở thành Giáo hội ngày nay theo thánh ý của Thiên Chúa, với động lực của sự phân định và cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần”, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố, chúng ta có thể tin tưởng rằng chúng ta sẽ được lãnh nhận ân sủng để đáp lại lời kêu gọi này của Thiên Chúa để trở nên một Giáo hội hiệp hành.

Nt. Nathalie Becquart

** Nữ tu Nathalie Becquart là một thành viên của Dòng các Nữ tu Xavière, Các Nhà Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô tại Pháp. Sơ Becquart là Phó Tổng Thư ký Thượng hội đồng Giám mục.

Minh Tuệ (theo GSR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube