Tại sao Lebanon lại hết sức quan trọng đối với Tòa Thánh và thế giới?

Quang cảnh chung này được chụp ngày 11 tháng 5 năm 1997, từ một chiếc trực thăng ở Beirut cho thấy 250.000 người hành hương tại Thánh lễ ngoài trời do Giáo hoàng John Paul II cử hành trong chuyến thăm lịch sử của ngài tới Liban (ảnh: AL-SAFIR / AFP qua Getty Images)

Quang cảnh chung này được chụp ngày 11 tháng 5 năm 1997, từ một chiếc trực thăng ở Beirut cho thấy 250.000 người hành hương tại Thánh lễ ngoài trời do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử hành trong chuyến thăm lịch sử của Ngài tới Lebanon (ảnh: AL-SAFIR / AFP qua Getty Images)

“Lebanon không chỉ là một quốc gia – đó là một thông điệp về tự do và là một ví dụ về chủ nghĩa đa nguyên cho Đông phương và Tây phương” — Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Vào ngày 1 tháng 7, các nhà lãnh đạo của các Giáo hội Kitô giáo tại Lebanon – bao gồm những người đứng đầu các Giáo hội nghi lễ Maronite, Melkite, Chính thống giáo Hy Lạp, Chính thống giáo Syria, Chaldean, Công giáo Syria và các cộng đồng Tin lành – đã quy tụ tại Rome trong một ngày cầu nguyện và suy tư cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, để đáp lại cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tàn khốc ở Lebanon.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo này đã đưa ra lời kêu gọi đặc biệt để các công dân Lebanon không nản lòng và tuyệt vọng; để các nhà lãnh đạo chính trị tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay; để cộng đồng người Liban phục vụ quê hương; và để các thành viên của cộng đồng quốc tế thực hiện một nỗ lực chung để cứu lấy Lebanon.

Theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, mục đích của cuộc gặp gỡ đó là Lebanon “phải vẫn tiếp tục là một dự án hòa bình. Ơn gọi của nó là trở thành một vùng đất của tinh thần khoan dung và chủ nghĩa đa nguyên, một mảnh đất màu mỡ của tình huynh đệ, nơi các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau gặp gỡ, nơi các cộng đồng khác nhau cùng nhau chung sống, đặt công ích lên trước mọi lợi ích cá nhân của họ”.

Tại sao Lebanon là một thông điệp?

Hoàng tử Klemens von Metternich (1773-1859) là Bộ trưởng ngoại giao của Áo và là người sáng kiến xây dựng hệ thống “Hoà hợp quyền lực Châu Âu” (The Concert of Europe) khi đó – một hệ thống ngoại giao khả thi giữa các cường quốc châu Âu nhằm giữ cho châu Âu hòa bình trong gần một thế kỷ sau các cuộc chiến tranh của Napoléon.

Trước khi cử đại sứ của mình đến Constantinople, Hoàng tử Metternich đã đưa ra chỉ thị: “Hãy nói với Sultan, nếu như có chiến tranh ở Lebanon thì cũng sẽ có chiến tranh ở Levant, nếu như có hòa bình ở Lebanon thì cũng sẽ có hòa bình ở Levant”.

Chính khách và nhà ngoại giao người Áo đã biết cách giữ thế quân bình và cân bằng quyền lực để đảm bảo hòa bình và sự ổn định. Ông hiểu rằng một Lebanon hòa bình đã góp phần vào một khu vực hòa bình và ổn định, nhưng một khu vực bất ổn định sớm hay muộn cũng sẽ quay trở lại gây ra sự tác động đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Lebanon, sự hiện diện của Kitô giáo trong khu vực và sự chung sống giữa các cộng đồng tôn giáo của nó.

Lebanon đặc biệt đa dạng về nhân khẩu học tôn giáo. Theo thống kê năm 2020, tổng dân số của Lebanon là 5,5 triệu người, với 67,8% là người Hồi giáo (31,9% người Hồi giáo dòng Sunni, 31,2% người Hồi giáo dòng Shia, và một phần trăm nhỏ người Alawites và Ismailis). Mặc dù các Kitô hữu chỉ chiếm thiểu số (32,4%), nhưng họ đã đóng một vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh của lịch sử, chính trị và kinh tế của Lebanon.

Trong số các Kitô hữu, các tín hữu Công giáo Maronite là nhóm lớn nhất, tiếp theo là Chính thống giáo Hy Lạp. Công giáo Hy Lạp (Melkites), Chính thống giáo Armenia, Công giáo Armenia, Chính thống giáo Syriac, Công giáo Syriac, Assyria, Công giáo Chaldean, Coptic, Tin lành, Công giáo Latinh và Mormons là các nhóm Kitô giáo khác sống trong nước. 4,5% dân số là người Druze, và cũng có một số lượng nhỏ các tín đồ Do Thái, Baha’is, Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Điều đặc biệt giữa các cộng đồng tôn giáo này là một hệ thống đại diện và chia sẻ quyền lực bắt đầu vào năm 1860 với Hiệp định “Règlement Organique” giữa Đế quốc Ottoman và các cường quốc châu Âu, và tiếp tục với Thỏa thuận Ta’if năm 1989 khiến Lebanon, theo những lời của nhà sử học Kamal Salibi, một “ngôi nhà gồm nhiều dinh thự”, và mang lại thời kỳ hòa bình lâu dài. Các nhà lãnh đạo tôn giáo của Lebanon đã nỗ lực hướng tới việc thể chế hóa sự chung sống tôn giáo như một phương tiện xây dựng đất nước ngay từ đầu.

Cuộc khủng hoảng hiện tại của Lebanon không phải là mới. Cách đây 40 năm, vào ngày 2 tháng 10 năm 1979, năm đầu tiên trong cương vị Giáo hoàng, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 34, ưu tiên tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Đối với Đức Gioan Phaolô II, cách thức duy nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng và khôi phục an ninh và thịnh vượng cho các Kitô hữu tại Lebanon đó là cứu lấy sự toàn vẹn của chính Lebanon. Đức Gioan Phaolô II tin rằng Lebanon chỉ có thể được cứu vãn bằng sự cam kết chân thành của tất cả các cộng đồng tôn giáo đối với đối thoại và việc xây dựng hòa bình. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi Lebanon như là hình mẫu của mối quan hệ Kitô giáo – Hồi giáo, một điển hình cho chủ nghĩa đa nguyên và vấn đề an ninh cho các Kitô hữu tại Trung Đông.

Như Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh vào ngày 7 tháng 9 năm 1989, Lebanon “không chỉ là một quốc gia – đó là một thông điệp về tự do và là một ví dụ về chủ nghĩa đa nguyên cho Đông phương và Tây phương”.

Bài phát biểu của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại LHQ đặt ra ưu tiên đó là mang lại hòa bình cho Trung Đông dựa trên quyền của tất cả người và cho tất cả mọi người, đồng thời bảo tồn sự toàn vẹn của Lebanon ngay cả khi phải chống lại một số người Công giáo nghi lễ Maronite và các giáo sĩ Maronite ủng hộ việc bảo tồn Kitô giáo bằng cách đẩy mạnh bá quyền của Giáo hội Maronite hoặc chia đất nước thành các vùng tôn giáo. Các nhóm này cũng chống lại những người tị nạn Palestine, những người bị coi như là những kẻ xâm phạm.

Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II vẫn kiên định khi nhận thức rằng nếu như có được hòa bình ở Lebanon, thì cũng sẽ có được hòa bình ở Trung Đông. Ngài nói:

“Một nền hòa bình, nhất thiết phải dựa trên việc công nhận một cách công bằng các quyền của tất cả mọi người, không thể không bao gồm việc xem xét và giải quyết vấn đề Palestine. Liên hệ với câu hỏi này đó là sự yên ổn, độc lập và tính toàn vẹn lãnh thổ của Lebanon theo thể thức đã khiến nó trở thành một ví dụ về sự chung sống hòa bình và hiệu quả giữa các cộng đồng riêng biệt, cách thức mà tôi hy vọng, vì lợi ích chung, sẽ được duy trì, với những điều chỉnh theo yêu cầu của diễn biến của tình hình”.

Lời kêu gọi đối với tất cả các tín đồ Hồi giáo ủng hộ Lebanon của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là vô cùng quan trọng. Nó cho thấy một vị Giáo hoàng La Mã kêu gọi các tín đồ Hồi giáo lắng nghe tiếng nói của họ và đoàn kết với tất cả những người ủng hộ quyền của người dân Lebanon để được sống trong tự do, hòa bình và phẩm giá cũng như bảo tồn tự do tôn giáo. Mô hình mối quan hệ Kitô giáo-Hồi giáo của Tòa Thánh ở Lebanon đã nhận được sự ủng hộ của những người Hồi giáo dòng Sunni ở Lebanon. Bức thư năm 2012 của Grand Mufti Mohammed Rachid Qabbani gửi cho Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI giải thích mối quan hệ đặc quyền giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo tại Lebanon, mà theo nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni là “thông điệp của họ với thế giới”.

Lời kêu gọi cấp thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Lebanon sẽ được cộng đồng quốc tế xem xét một cách nghiêm túc, vì việc cứu lấy Lebanon đồng nghĩa với việc cứu lấy Trung Đông: “Hãy chấm dứt những hiềm khích, hãy gác lại những bất đồng, và làm cho Lebanon quay trở lại tỏa ra ánh sáng hòa bình”, như Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ khi kết thúc Ngày Thế giới suy tư và cầu nguyện cho Lebanon.

Ines Murzaku

** Tiến sĩ Ines Angeli Murzaku là Giáo sư Lịch sử Giáo hội, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Công giáo, và Chủ tịch Sáng lập Khoa Nghiên cứu Công giáo tại Đại học Seton Hall ở New Jersey. Tiến sĩ Murzaku lấy bằng tiến sĩ nghiên cứu tại Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Rome và đã từng giữ các vị trí thỉnh giảng tại các trường Đại học Bologna và Calabria ở Ý và Đại học Münster ở Đức. Nghiên cứu của Tiến sĩ Murzaku đã được xuất bản trong nhiều bài báo học thuật và tám cuốn sách, bao gồm “Mẹ Têrêsa, Vị Thánh của các khu vực ngoại vi” (Paulist Press 2021) và “Cuộc đời của Thánh Neilos of Rossano” (Harvard University Press 2018). Tiến sĩ Ines Angeli Murzaku là người thường xuyên đóng góp về các vấn đề tôn giáo cho các hãng truyền thông bao gồm Associated Press, CNN, Catholic World Report, Voice of America, Relevant Radio, The Catholic Thing, Crux, The Record, The Stream, Vatican Radio và EWTN.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube