Phương pháp Hiệp hành của Đức Thánh Cha Phanxicô: Điều gì sẽ xảy ra nếu các chính trị gia cũng được truyền cảm hứng từ đây?

Thượng Hội đồng về việc cải cách Giáo hội nhằm mục đích trả lời các câu hỏi mà hầu hết các thể chế ngày nay đang phải đối mặt: về quản trị, tính hợp pháp của quyền lực, sự thống nhất trong khi tôn trọng sự khác biệt và sự tham gia. Và Thượng Hội đồng đang thực hiện điều đó bằng một phương pháp có thể truyền cảm hứng cho người khác.

Các tham dự viên tham gia phiên họp của Đại hội đồng Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI tại Hội trường Phaolô VI, Vatican, ngày 5 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: ANSA/ANGELO CARCONI/ ZUMA Press/ Maxppp)

Các tham dự viên tham gia phiên họp của Đại hội đồng Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI tại Hội trường Phaolô VI, Vatican, ngày 5 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: ANSA/ANGELO CARCONI/ ZUMA Press/ Maxppp)

Đối với một số người, Thượng Hội đồng về Hiệp hành tương đương với một Công đồng đại kết, trong khi những người khác coi đó là sự khởi đầu của một cuộc ly giáo không thể tránh khỏi. Dù thế nào đi nữa, các cuộc thảo luận khai mạc vào tuần này tại Vatican như một phần của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, một thuật ngữ có phần mơ hồ để chỉ một hội nghị về việc cải cách Giáo hội, đang được háo hức chờ đợi. Cuộc tranh luận rõ ràng liên quan đến Giáo hội, nhưng các vấn đề mà các thành viên Thượng Hội đồng sẽ phải thảo luận có thể tương tự như những vấn đề mà hầu hết các tổ chức lớn phải đối mặt, đặc biệt là các tổ chức chính trị.

Dựa trên các chủ đề Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ, tài liệu làm việc cho Thượng Hội đồng lần này phác họa những vấn đề chính đang bị đe dọa: làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo việc quản trị tốt hơn trong bối cảnh hiện tại? Làm thế nào chúng ta có thể khôi phục tính hợp pháp của các nhà lãnh đạo? Làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự thống nhất trong khi tôn trọng sự khác biệt? Làm thế nào chúng ta có thể tìm được không gian để có sự tham gia? Làm thế nào chúng ta có thể đưa tất cả mọi người, kể cả giáo dân (đặc biệt là phụ nữ), vào các hệ thống đưa ra quyết định? Đây chỉ là một số vấn đề, gần như từng chữ, mà chúng ta có thể áp dụng khi đề cập đến các nền dân chủ hiện tại của chúng ta.

Việc đặt lại vấn đề một cách sâu sắc

Giáo hội không hề xa rời thế giới, ngay cả khi đã quá lâu rồi Giáo hội đã giả cách như là một xã hội có những quy tắc riêng của mình. Công đồng Vatican II được khởi xướng bởi Đức Gioan XXIII, người nhận thức sâu sắc rằng quyền lực theo chiều dọc – với việc mọi thứ đều quy về Đức Giáo hoàng – không thể đáp ứng được bối cảnh của một thế giới đa nguyên và ngày càng dân chủ. Ngày nay, cuộc khủng hoảng này càng trở nên rõ ràng hơn và cấp bách hơn.

Giáo hội đang trải qua một cuộc thẩm vấn sâu sắc về mô hình quyền lực của mình, điều mà Đức Thánh Cha gọi là “chủ nghĩa giáo sĩ trị”. Việc giao phó quyền lực và thẩm quyền cho riêng các giáo sĩ không còn hiệu quả nữa. Theo nghĩa này, cuộc khủng hoảng lạm dụng đã bộc lộ những rối loạn chức năng rộng hơn nhiều. Nếu Thánh Phaolô có thể khẳng định rằng “quyền năng Chúa Kitô ban cho là để gây dựng chứ không phải để phá hủy”, thì điều tối thiểu chúng ta có thể nói là các trường hợp lạm dụng, tính dục hoặc tâm linh, đã bộc lộ những khiếm khuyết của một hệ thống mà đôi khi chính giáo dân vẫn tiếp tục duy trì.

Giống như các nền dân chủ của chúng ta, Giáo hội cũng phải đối mặt với thách thức của vấn đề toàn cầu hóa. Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng 1,2 tỷ người Công giáo trên thế giới được quản lý theo cách duy trì được sự thống nhất mà Đức Giáo Hoàng là người bảo đảm trong thế giới đa cực của chúng ta? Và trong những xã hội mà chủ nghĩa cá nhân ngày càng gia tăng dẫn đến nhiều biểu hiện của sự đối kháng hơn.

Một sự thay đổi văn hóa dựa trên thái độ lắng nghe

Giáo hội từ lâu đã nỗ lực thể hiện một hình ảnh về sự hiệp nhất và hiệp thông. Giờ đây, Giáo hội dường như đang bên bờ vực có thể bị nổ tung. Thử thách đối với quyền lực còn đi xa đến mức chứng kiến việc các Gồng y phản đối các quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô bằng việc xuất đệ trình các “dubia”! Đây là điều không thể tưởng tượng được cách đây 50 năm và nó cho thấy Giáo hội không tránh khỏi sự phân cực của các cuộc tranh luận ảnh hưởng đến xã hội chúng ta ngày nay.

Cuối cùng, để quyền lực được hợp pháp, nó phải được những người phục tùng nó chấp nhận. Nguyên tắc quản lý cơ bản này liên quan đến việc công nhận quyền tham gia của mọi người. Công đồng Vatican II đã khẳng định phẩm giá bình đẳng của tất cả những người đã được rửa tội. Nhưng theo một nghĩa nào đó, vẫn có những người “được rửa tội” nhiều hơn những người khác – đó là các Linh mục. Điều này thường đặt giáo dân, đặc biệt là phụ nữ, ra ngoài vòng tròn trách nhiệm. Họ không đơn độc. Tài liệu làm việc cũng đề cập đến những người khác bị loại trừ khỏi việc có tiếng nói hoặc nắm giữ các vị trí trách nhiệm – những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội và bị lãng quên.

Như chúng ta có thể thấy, dự án Hiệp hành đầy tham vọng mà Đức Thánh Cha đã phát động đòi hỏi một sự hoán cải thực sự và một sự thay đổi về văn hóa. Và nó có thể dẫn đến một số cuộc thảo luận sôi nổi. Nhưng phương pháp được lựa chọn cho cuộc tranh luận dựa trên sự lắng nghe được chia sẻ, trong đó mọi người được khuyến khích tạo không gian cho những sự bất bình của nhau. Đây có thể là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Phải thừa nhận rằng Giáo hội Công giáo không phải là một nền dân chủ. Nhưng trong thế giới rạn nứt của chúng ta, nơi đang bị đe dọa bởi các cuộc xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu, nỗ lực phục hồi nghệ thuật trò chuyện này chắc chắn không hề lãng phí thời gian.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube