Phỏng vấn Đức Giám mục Marcuzzo về Giáo hội tại Thánh Địa, một Giáo hội sống động và truyền giáo

Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, nguyên Giám mục phụ tá và là Đại diện Tòa Thượng phụ Công giáo Giêrusalem nghi lễ Latinh

Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, nguyên Giám mục phụ tá và là Đại diện Tòa Thượng phụ Công giáo Giêrusalem nghi lễ Latinh

Giêrusalem (AsiaNews) – Một khu vực đang trải nghiệm “những hy vọng và thất vọng xen kẽ” và một Giáo hội được mời gọi “giữ cho kinh nghiệm truyền giáo sống động”. Đây là cách mà Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, nguyên Giám mục phụ tá và là Đại diện Tòa Thượng phụ Công giáo Giêrusalem nghi lễ Latinh, đã nghỉ hưu vì giới hạn tuổi tác, nhưng vẫn tích cực trong công việc mục vụ, mô tả những căng thẳng giữa Israel và Palestine và một cộng đồng Kitô giáo đang “trên đà phát triển”.

Vào cuối tuần qua, vị Giám chức đã ban Bí tích Thêm Sức tại một Giáo xứ nhỏ ở biên giới giữa Jenin và Nazareth, bởi vì niềm vui của việc loan báo vượt qua “sự thất vọng trên bình diện chính trị về một nền hòa bình chưa bao giờ thành hiện thực”.

Đức Cha Giacinto Boulos Marcuzzo | © Mazur/catholicchurch.org.uk | Flickr

Đức Cha Giacinto Boulos Marcuzzo (Ảnh: Mazur/catholicchurch.org.uk | Flickr)

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Từ cuộc chiến chớp nhoáng ở Gaza đến cuối kỷ nguyên Netanyahu, những triển vọng nào đang mở ra trong khu vực?

Chúng tôi đang sống xen kẽ giữa niềm hy vọng và sự thất vọng, thất vọng và rồi hy vọng. Giờ đây chúng tôi có một chính phủ khác do Thủ tướng Naftali Bennett lãnh đạo, không có các yếu tố mới, nhưng vẫn là một yếu tố để thay đổi. Sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, Hoa Kỳ không có dấu hiệu tích cực nào, và ý tưởng về một vùng lãnh thổ cho hai quốc gia dường như không còn khả thi. Một trọng tài mạnh mẽ là hết sức cần thiết, nhưng LHQ lại yếu kém và Mỹ thì lại quá phiến diện [ngay cả với Tổng thống Biden]. Ở Gaza, tình hình vẫn giống như trước đây, người dân mệt mỏi vì chiến tranh, bạo lực, vì phải sống trong một nhà tù ngoài trời.

Các nhà lãnh đạo của Tòa Thượng Phụ đã đến thăm các Kitô hữu ở Dải GazaĐức Cha đã chứng kiến thực tế như thế nào?

Chúng tôi đã gặp gỡ 1.234 thành viên của cộng đồng, chúng tôi biết từng người trong số họ, và chúng tôi ngưỡng mộ sức mạnh và lòng can trường của họ. Họ rất giỏi trong việc chịu đựng, họ nói với chúng tôi rằng họ muốn rời bỏ khu vực nhưng lại không có khả năng, vì vậy họ tiếp tục ở lại, cố gắng trở nên “muối và ánh sáng cho thế giới”. May mắn thay, các Kitô hữu có thể làm việc, nhờ vào các trường học và các bệnh viện, trung tâm dành cho những người tàn tật và tổ chức Caritas, vốn đại diện cho một cơ sở chuyên môn nền tảng.

Trong những ngày gần đây, Đức Thượng phụ Pizzaballa đã đưa ra một loạt các cuộc bổ nhiệm, mà sau nhiệm kỳ làm Giám quản Tông Tòa, hiện nay ngài đang thực thi sứ vụ toàn diệnCác cuộc bổ nhiệm này hướng đến viễn tượng nào?

Tòa Thượng Phụ tiếp tục trên con đường ‘phát triển tuyệt vời’, bởi vì những thay đổi mang lại những yếu tố tích cực. Các Cha sở mới đã được bổ nhiệm cho Amman, Giêrusalem, để chăm sóc mục vụ cho những người di cư, cộng đồng Do Thái và Cyprus. Chúng tôi muốn đảm bảo tính liên tục cho sứ mạng nơi vùng đất của Chúa Kitô, truyền những yếu tố mới tiếp bước những ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô: đồng nghị tính, Năm Thánh Giuse, Thánh gia trên cuộc hành trình đến các quốc gia Ả Rập. Và một lần nữa, để tăng cường cam kết với những người di cư – người Philippines, người Sri Lanka, người Nigeria, người Ấn Độ – những người ngày càng trở nên đông đảo và những người mà chúng ta phải quan tâm.

 Các mục tiêu chính yếu là gì?

Trước hết, để cải thiện việc đào tạo thần học cho anh chị em giáo dân và các Chủng sinh, một khía cạnh mà Đức tân Thượng phụ nhấn mạnh cách đặc biệt. Sự thống nhất, bởi vì mặc dù Jordan, Gaza, Palestine, Cyprus và Israel rất khác nhau, nhưng chúng ta phải nỗ lực để tăng cường các mối quan hệ đồng thời bảo vệ các đặc điểm cụ thể của họ. Cuối cùng, sự gắn kết hơn giữa các Linh mục, đặc biệt là các Linh mục người địa phương, vốn làm nên Giáo hội Giêrusalem.

Sau cuộc phong tỏa do Covid, có triển vọng nào cho các cuộc hành hương, một nguồn lực kinh tế cơ bản cho các Kitô hữu tại Thánh Địa?

Chúng tôi đang chờ đợi tất cả các bạn! Cho đến nay không có tin tức nào to tát, một vài nhóm nhỏ đã đến, nhưng không có gì đáng kể về mặt số lượng. Sẽ phải mất nhiều tháng để quay trở lại nhịp điệu, nhưng điều chúng tôi hy vọng là những người hành hương trong tương lai sẽ đến với một tinh thần mới. Họ không chỉ là những du khách tham quan, du lịch mà còn phải làm chứng với một lối sống khác phù hợp hơn với hành trình đang thực hiện.

Ở cấp độ cá nhân, chương mới này trong sứ mạng của Đức Cha tác động như thế nào đến ngài?

Như mọi khi trong quá khứ, với sự vui vẻ và tinh thần nhiệt huyết. Đối với một chương kết thúc, một chương mới bắt đầu nơi tôi tự do hơn về các cam kết chính thức, nhưng ở đó tôi vẫn giữ nguyên tinh thần phục vụ của mình. Tôi đã đến khu vực này từ những năm 1960, nhưng tôi vẫn tiếp tục học hỏi, để nâng cao kiến thức của mình về sứ mạng truyền giáo. Hôm nay [ ngày 10 tháng 7] tôi đến để ban Bí tích Thêm Sức tại một Giáo xứ nhỏ nằm ở biên giới giữa Jenin và Nazareth, một cộng đoàn đang rất háo hức mong đợi điều này.

Đức Cha đánh giá 60 năm cuộc đời của mình tại Thánh Địa như thế nào?

Trên bình diện chính trị, sự thất vọng đối với một nền hòa bình vốn chưa bao giờ xuất hiện. Không thể hy vọng giải quyết tất cả mọi vấn đề, nhưng hy vọng về một thỏa thuận là điều chính đáng. Thay vào đó, chiến tranh và các cuộc nổi dậy chống Israel (intifada) nối tiếp nhau và không có hồi kết. Ở mức độ cá nhân, tôi cảm thấy bị ràng buộc với vùng đất của Chúa Giêsu và Đền thờ Giêrusalem, một thực tế đã phải chịu đựng rất nhiều nhưng vẫn là một tấm gương về sự phản kháng và tinh thần kiên cường.

Thưa Đức Cha, ngài có dự án nào muốn hoàn thành không?

Mong muốn lớn nhất của tôi đó là được chứng kiến một nền kiến thức rộng hơn và sâu hơn về tư tưởng Thần học Công giáo và một động lực mới cho nền giáo dục Ả Rập, một di sản phong phú vẫn chưa được khám phá. Chúng tôi chỉ mới ở mức 6 hoặc 7% trong tổng số các bản thảo được biết đến và vẫn còn nhiều điều cần được mở ra, khám phá và nghiên cứu.

Đức Cha đánh giá thế nào về cuộc đối thoại với thế giới Do Thái và Hồi giáo?

Cuộc đối thoại này phải được tiếp tục và chân thành hơn. Tôi mong muốn nó trung thành hơn, một cuộc gặp gỡ thẳng thắn không che giấu những mục đích khác, có thể được giải phóng khỏi những kế hoạch cũ kĩ. Nó phải mang mục đích tốt đẹp, cởi mở và hào hứng.

Mong ước cuối cùng của Đức Cha đối với Tòa Thượng phụ Latinh và nói chung là, đối với Giáo hội tại Thánh địa là gì?

Để giữ cho kinh nghiệm truyền giáo sống động. Bản thân tôi đã sống 6 năm ở Nam Sudan và đó là một trải nghiệm không thể nào quên, mà tôi trân trọng với rất nhiều hoài ức và lòng biết ơn. Tôi mong muốn toàn thể Giáo hội tại Giêrusalem có được sự kích thích truyền giáo này, ra đi đến với những người khác. Tôi khâm phục những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài nói về “Giáo hội đi ra bên ngoài” từ Phòng Tiệc Ly. Tại đây, Giáo Hội được khai sinh và sau đó đến với những người khác, với những vết thương của cuộc khổ nạn vẫn còn in hằn trên tay bên này, còn tay kia cầm một miếng bánh.

Minh Tuệ (theo Asia News)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube