Phân tích: Thượng Hội đồng không phải là Vatican III. Đó là việc Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện Công đồng Vatican II

Các tham dự viên tham gia phiên khai mạc của Đại hội đồng Giám mục lần thứ XVI theo dõi Đức Thánh Cha Phanxicô trên màn hình tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, Thứ Tư, ngày 4 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: AP / Gregorio Borgia)

Các tham dự viên tham gia phiên khai mạc của Đại hội đồng Giám mục lần thứ XVI theo dõi Đức Thánh Cha Phanxicô trên màn hình tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, Thứ Tư, ngày 4 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: AP / Gregorio Borgia)

Khi tôi theo dõi cuộc rước khai mạc Thượng Hội đồng về Hiệp hành bắt đầu từ những cánh cửa bằng đồng của Điện Tông Tòa vào sáng ngày 4 tháng 10, và len lỏi qua đám đông 18.000 tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô để tiến đến bàn thờ phía trước Vương Cung Thánh Đường, tâm trí tôi nhớ lại những hình ảnh của một cuộc rước tương tự nhân dịp khai mạc Công đồng Vatican II vào ngày 11 tháng 10 năm 1962. Những hình ảnh đó nối liền thời điểm bước ngoặt đó trong lịch sử Giáo hội hiện đại với sự kiện Giáo hội ngày nay.

Đầu tiên tôi bị ấn tượng bởi sự khác biệt trong các cuộc rước. Năm 1962, Thánh giá đi đầu trong cuộc rước, như cuộc rước hôm 4 tháng 10, nhưng các Nghị phụ của Công đồng theo sau: các Giám mục đội mũ mitra, hoặc đội mũ miện trong trường hợp các vị Giám chức nghi lễ Đông phương. Tuy nhiên, trong cuộc rước hôm 4 tháng 10, các thành viên “không phải Giám mục” của Thượng Hội đồng—các Linh mục, Nữ tu, giáo dân nam nữ – đi ngay sau Thánh giá, tiếp theo là các Hồng y – bao gồm 20 tân Hồng y mà Đức Thánh Cha Phanxicô vừa tấn phong vào ngày 30 tháng 9 – và các Giám mục.

Năm 1962, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đi cuối đoàn rước, được giáo dân khiêng trên vai trên chiếc kiệu Giáo hoàng sedia-gestatoria (ngai nghi lễ). Hôm 4 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện trên xe lăn đúng lúc Thánh giá dẫn đầu đoàn rước tiến tới bàn thờ. Sau đó, Đức Thánh Cha ngồi và quan sát khi các thành viên Thượng Hội đồng tiến vào.

Không giống như năm vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài—Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI—Đức Thánh Cha Phanxicô không tham dự Công đồng Vatican II (1962-65); nhưng ngay từ đầu Triều đại Giáo hoàng của mình, ngài đã quyết tâm tiếp tục thực hiện nó. Thượng Hội đồng là một trong những thành quả của Công đồng đó, và với Thượng Hội đồng về Hiệp hành gồm hai phiên họp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đang tìm cách phát triển những tiềm lực của nó để đổi mới đời sống của Giáo hội. Thật vậy, sự hiện diện của các đại biểu không phải Giám mục, đặc biệt là phụ nữ và giáo dân trong cuộc rước hôm 4 tháng 10, với tư cách là thành viên chính thức của Thượng Hội đồng, đã là một dấu chỉ cho thấy sự tiến bộ mà Đức Thánh Cha đã đạt được.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần liên kết Thượng Hội đồng về Hiệp hành với Công đồng Vatican II. Hôm 4 tháng 10, Đức Thánh Cha đã một lần nữa làm như vậy trong bài giảng đầy cảm hứng và đầy thách thức, khi ngài trích dẫn bài diễn văn của Đức Gioan XXIII tại lễ khai mạc Công đồng.

Đức Thánh Cha đã trích lời người tiền nhiệm của mình trong bài giảng sau khi ngỏ lời với 494 tham dự viên tham gia Thượng Hội đồng (365 người trong số họ là thành viên chính thức có quyền bỏ phiếu): “Ở đây [trong Thượng Hội đồng] chúng ta không cần một tầm nhìn hoàn toàn tự nhiên, được tạo thành từ các chiến lược con người, các tính toán chính trị hoặc các cuộc chiến ý thức hệ. Chúng ta không hiện diện ở đây để tiến hành một cuộc họp quốc hội hay một kế hoạch cải cách. Không. Chúng ta ở đây để cùng nhau bước đi với cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng chúc tụng Chúa Cha và chào đón những ai mệt mỏi chán chường và bị áp bức”.

“Cái nhìn của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở thành một Giáo hội, với trái tim vui tươi, suy ngẫm về hành động của Thiên Chúa và phân định hiện tại”, Đức Thánh Cha nói. “Và giữa những làn sóng đôi khi bị kích động của thời đại chúng ta, đừng nản lòng, đừng tìm kiếm những lỗ hổng về ý thức hệ, đừng tự tạo ra những rào cản sau những quan niệm định sẵn, đừng nhượng bộ trước những giải pháp thuận tiện, đừng để thế giới sai khiến chương trình nghị sự của chúng ta”.

Đây là “sự khôn ngoan thiêng liêng của Giáo hội”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói được Đức Gioan XXIII “tóm tắt một cách trầm lắng” khi nói với các Nghị phụ của Công đồng: “Điều cần thiết trước tiên là Giáo hội không bao giờ được xa rời di sản chân lý thiêng liêng đã nhận được từ các Giáo phụ. Nhưng đồng thời Giáo hội phải luôn nhìn về hiện tại, hướng đến những điều kiện mới và những hình thức sống mới được đưa vào thế giới hiện đại vốn đã mở ra những đường hướng mới cho hoạt động tông đồ Công giáo”.

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ trích dẫn Đức Gioan XXIII một lần trong bài giảng Thánh lễ đầy hân hoan khai mạc Thượng Hội đồng mà ngài đồng tế với 20 tân Hồng y, tuy nhiên, có nhiều điều trong đó gợi nhớ đến bài phát biểu của vị tiền nhiệm của ngài tại lễ khai mạc Công đồng Vatican II, trong đó ngài có câu nói nổi tiếng: “Chúng ta cảm thấy mình phải không đồng tình với những nhà tiên tri về sự u ám, những người luôn dự đoán về thảm họa, như thể ngày tận thế đã đến gần”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phải đối mặt với “những nhà tiên tri về sự u ám” liên quan đến Thượng Hội đồng, một số người coi đó là “chiếc hộp Pandora” sẽ gây ra đủ loại tai họa cho Giáo hội. Nhưng giống như Đức Gioan XXIII, ngài tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và nhắc nhở họ cũng như các thành viên Thượng Hội đồng: “Chúng ta thuộc về Ngài và – chúng ta hãy nhớ – chúng ta tồn tại chỉ để đưa Ngài đến với thế giới…. Chúng ta không muốn vinh quang trần thế; chúng ta không muốn làm cho mình trở nên hấp dẫn trong mắt thế gian, nhưng muốn tiếp cận thế giới với sự an ủi của Tin Mừng, để làm chứng cho tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, một cách tốt đẹp hơn và cho hết thảy mọi người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tham dự viên tham gia Thượng Hội Đồng, cũng như những người chỉ trích Thượng Hội Đồng, rằng nhiệm vụ chính của Thượng Hội Đồng là “tái tập trung cái nhìn của chúng ta vào Thiên Chúa, trở thành một Giáo hội nhìn nhân loại một cách đầy thương xót. Một Giáo hội hiệp nhất và huynh đệ, biết lắng nghe và đối thoại; một Giáo hội chúc phúc và khích lệ, giúp đỡ những người tìm kiếm Thiên Chúa, yêu thương khơi dậy những người thờ ơ lạnh nhạt, mở ra những con đường để lôi kéo mọi người tìm đến với vẻ đẹp của đức tin. Một Giáo hội đặt Thiên Chúa làm trung tâm điểm và do đó không chia rẽ nội bộ cũng như không bao giờ khắc nghiệt với bên ngoài. Đây là cách Chúa Giêsu muốn Giáo hội, Hiền thê của Ngài, trở nên như vậy”.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở thành một Giáo hội “không áp đặt những gánh nặng và lặp lại với mọi người: ‘Hãy đến đây, hỡi những ai mệt mỏi và bị áp bức, hãy đến, hỡi những ai lạc lối hoặc cảm thấy xa lạc, hãy đến, hỡi những ai đã khép lại những cánh cửa hy vọng: Giáo hội ở đây dành cho anh chị em!’. Các cánh cửa của nhà thờ đang mở ra cho mọi người, tất cả mọi người, hết thảy mọi người!”.

Đức Thánh Cha nói với họ: “Trước những khó khăn và thách thức ở phía trước, ánh mắt phúc lành và chào đón của Chúa Giêsu ngăn cản chúng ta rơi vào một số cám dỗ nguy hiểm: trở thành một Giáo hội cứng nhắc… tự mình chống lại thế giới và nhìn về phía sau, trở thành một Giáo hội thờ ơ, đầu hàng trước những lề thói của thế gian, và là một Giáo hội mệt mỏi, tự tách mình với người khác”.

Vị Giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latinh đã chọn khai mạc Thượng Hội đồng vào ngày 4 tháng 10, Lễ Thánh Phanxicô Assisi, vị Thánh được ngài chọn làm Tông hiệu, và ngày kỷ niệm Đức Gioan XXIII đến cầu nguyện tại phần mộ của Thánh Phanxicô vào năm 1962 vì sự thành công của Công đồng.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các tham dự viên tham gia Thượng Hội đồng: “Chúng ta hãy cùng nhau bước đi: khiêm tốn, nhiệt thành và vui tươi. Chúng ta hãy bước theo bước chân của Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của sự nghèo khó và hòa bình, ‘kẻ ngu ngốc của Thiên Chúa’, người đã mang trong mình Dấu Thánh của Chúa Giêsu và, để mặc lấy Ngài, đã lột bỏ mọi thứ”.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Thánh Bônaventura đã thuật lại rằng trong khi Thánh Phanxicô đang cầu nguyện, Đấng Chịu Đóng Đinh đã nói với ngài: “Hãy đi sửa chữa Giáo hội của Ta”. Vị Giáo hoàng người Argentina nói: “Thượng Hội đồng nhắc nhở chúng ta về điều này: Mẹ Giáo hội của chúng ta luôn cần được thanh lọc, cần được ‘sửa chữa’, vì chúng ta là một dân tộc được tạo thành từ những tội nhân được tha thứ… luôn cần trở về với cội nguồn là Chúa Giêsu và đặt mình trở lại con đường của Chúa Thánh Thần để đến với mọi người với Tin Mừng của Ngài”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng của mình bằng những lời sâu sắc này với các tham dự viên tham gia Thượng Hội Đồng: “Và nếu dân thánh của Thiên Chúa cùng với các mục tử của họ từ khắp nơi trên thế giới có những mong đợi, hy vọng và thậm chí có một số lo ngại về Thượng Hội đồng mà chúng ta đang khai mạc, chúng ta hãy tiếp tục nhớ rằng đây không phải là một cuộc tụ họp chính trị mà là một cuộc triệu tập trong Chúa Thánh Thần; không phải là một quốc hội phân cực mà là nơi của ân sủng và sự hiệp thông”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng cách một lần nữa nhắc nhở họ, như Ngài vẫn thường làm trong suốt 10 năm Triều đại Giáo hoàng của mình: “Chúa Thánh Thần thường phá vỡ những kỳ vọng của chúng ta để tạo ra một điều gì đó mới mẻ vượt quá những dự đoán và sự tiêu cực của chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng ra với Người và kêu cầu Người, nhân vật chính, Chúa Thánh Thần. Và chúng ta hãy bước đi với Người, trong niềm tin tưởng phó thác và hân hoan”.

 Trong bài phát biểu trước các Nghị phụ Công đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, Đức Gioan XXIII đã cho biết quyết định triệu tập Công đồng đại kết đó của ngài xuất phát từ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong bài giảng Thánh lễ hôm 4 tháng 10, và một lần nữa trong bài phát biểu trước Thượng Hội đồng vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các tham dự viên rằng nhân vật chính của cuộc tụ họp này là cùng một Chúa Thánh Thần.

 Và, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh, ngài coi Thượng Hội đồng này là việc thực hiện Công đồng Vatican II, chứ không phải Vatican III. Thật vậy, Đức Thánh Cha nói với tờ Vida Nueva tiếng Tây Ban Nha: “Chúng ta chưa trưởng thành để tiến hành Công đồng Vatican III”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube