Những cội rễ vững mạnh: Những bậc cao niên cung cấp nền tảng vững chắc cho các thế hệ tương lai

Một phụ nữ lớn tuổi phản ứng khi gặp Giáo hoàng Francis trong buổi tiếp kiến chung của ngài tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican vào ngày 22 tháng 3 năm 2017, ảnh tập tin. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Ngày Thế giới đầu tiên dành cho Ông bà và Người cao tuổi vào ngày 25 tháng 7 sẽ được khai mạc khi thế giới đang tìm cách phục hồi sau đại dịch chết người, kêu gọi các tín hữu hãy là "thiên thần", những người quan tâm, an ủi và vuốt ve. (Nguồn: CNS photo / Paul Haring)

Một cụ bà hớn hở khi được gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican vào ngày 22 tháng 3 năm 2017. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi đầu tiên vào ngày 25 tháng 7 sẽ được khai mạc khi thế giới đang tìm cách phục hồi sau đại dịch chết chóc, đồng thời  kêu gọi các tín hữu hãy trở nên những “thiên thần”, những người quan tâm, an ủi và ân cần chăm sóc (Ảnh: CNS/ Paul Haring)

Đề cao tầm quan trọng và quà tặng của những người lớn tuổi là một điệp khúc không ngừng trong suốt sứ vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vì vậy, dường như chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi, được tổ chức vào ngày 25 tháng 7. Nó diễn ra sau khi Đức Thánh Cha thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo cách đây vài năm trước, cho thấy việc Đức Thánh Cha xem những ngày này như là một lời nhắc nhở mạnh mẽ và mang tính phổ quát đối với các tín hữu nhằm tái khám phá hoặc củng cố sự phục vụ của họ và các mối tương quan với những thành viên bị lãng quên hoặc bị loại bỏ trong gia đình nhân loại.

Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô có lý do để khởi đầu ngày dành cho những người cao tuổi vào năm 2021: Sau hơn một năm đại dịch toàn cầu, khiến một số lượng lớn những người cao tuổi bị cô lập, phải nhập viện hoặc tử vong, cuối cùng đã có những dấu hiệu ở một số nơi trên thế giới về một tầm nhìn mới.

“Ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, như trong những tháng đại dịch này, Thiên Chúa vẫn tiếp tục gửi các Thiên thần đến để xoa dịu sự cô đơn của chúng ta và nhắc nhở chúng ta: ‘Thầy luôn ở cùng anh em’”, Đức Thánh Cha nói trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi.

“Đó là ý nghĩa của ngày này, mà tôi muốn cử hành lần đầu tiên trong năm đặc biệt này, khi khoảng thời gian dài của sự cô lập kết thúc, và cuộc sống xã hội từ từ quay trở lại. Cầu mong mỗi ông, mỗi bà, mỗi người lớn tuổi, đặc biệt là những người cô đơn nhất trong chúng ta, đều nhận được sự viếng thăm của một Thiên thần!”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi là lời kêu gọi các tín hữu hãy uốn nắn đôi cánh của mình và trở thành những “thiên thần” quan tâm, an ủi và ân cần chăm sóc.

Việc tôn trọng, tôn vinh và tiếp cận với những người lớn tuổi không chỉ dành cho những người sốt sắng tuân giữ Điều Răn Thứ Tư. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là cách duy nhất để một xã hội có thể phát triển, và Giáo hội có thể trung thành.

“Trong một nền văn minh không có chỗ cho những người cao tuổi hoặc nơi họ bị thải loại vì họ tạo ra các vấn đề, xã hội này mang theo thứ vi-rút của sự chết chóc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến được dành riêng cho những người cao tuổi vào tháng 3 năm 2015.

Như cùng với tất cả những điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh, đó là một con đường hai chiều. Không chỉ mọi người phải tiếp cận và phục vụ những người lớn tuổi, những người lớn tuổi cũng phải bước lên và thi hành vai trò của mình trong việc thực hiện ơn gọi của họ bằng bất cứ cách thức nào họ có thể, thích ứng với những hạn chế và thách thức bất ngờ mà họ có thể phải đương đầu.

Đó là một thông điệp phù hợp hoàn hảo với Thông điệp gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Fratelli Tutti”, kêu gọi mọi người xóa bỏ cái nhìn chán chường và hoài nghi về thế giới và thay vào đó là lòng trắc ẩn để hành động.

Bởi vì “tất cả chúng ta đều mắc nợ lẫn nhau, tất cả chúng ta đều là anh chị em” và không ai có thể được cứu hoặc cải thiện thế giới một cách riêng lẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Sứ điệp nhân ngày thế giới của mình, những người cao tuổi “cần thiết để giúp xây dựng, trong tinh thần huynh đệ và tình bạn xã hội, thế giới của tương lai ngày mai: thế giới mà chúng ta, cùng với con cháu của chúng ta, sẽ sống một khi cơn bão đã lắng xuống”.

“Anh chị em cần chứng tỏ rằng có thể xuất hiện với diện mạo mới sau một trải nghiệm gian khổ” và “tận dụng những kinh nghiệm đó để học cách vượt qua ngay bây giờ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ với những người cao tuổi. Về bản chất, còn ai tốt hơn để mang lại cho thế giới niềm hy vọng hơn là những người đã trải qua và chịu đựng những niềm vui và nỗi buồn hàng thập kỷ.

Vào tháng 9 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quy tụ hàng nghìn người cao tuổi tham dự cuộc gặp gỡ và Thánh lễ để tôn vinh họ tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã cũng tham dự sự kiện này.

Tại sự kiện, cũng như ở những nơi khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng phép ẩn dụ về một cái cây để mô tả vai trò của họ – những người cao tuổi là những cội rễ nuôi dưỡng cây, giúp nó sinh hoa kết trái.

Một sự kết nối – đối thoại – là điều hết sức cần thiết.

Cuộc gặp gỡ này giữa những người cao và những người trẻ là “nhằm xây dựng một xã hội công bằng hơn, tươi đẹp hơn, tương trợ hơn, mang đậm tính Kitô giáo hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuộc trò chuyện với các thành viên của hai hiệp hội người cao niên Ý vào tháng 10 năm 2019.

“Nếu các bậc ông bà không đối thoại với con cháu thì sẽ không có tương lai. Tất cả chúng ta được mời gọi chống lại thứ văn hóa thải loại độc hại này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Nhưng những cuộc trò chuyện đó phải được lấp đầy bằng sự kiên nhẫn, dịu dàng và sự thấu hiểu, Đức Thánh Cha nói. “Đừng mắng mỏ chúng. Đừng như vậy. Hãy lắng nghe chúng, và sau đó gieo một điều gì đó”.

Hoặc, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu tại một cuộc họp liên thế hệ giới thiệu cuốn sách có tựa đề: “Chia sẻ sự thông thái của thời gian” vào năm 2018, ngay cả việc làm chứng thầm lặng cho đức tin của một người cũng quá đủ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ việc người bà Rosa của mình không phải là một người nói nhiều, nhưng đức tin sâu sắc và tấm gương của bà vẫn để lại ấn tượng rất lớn đối với ngài.

Tại cuộc gặp gỡ đó, một cặp vợ chồng cao niên đã hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô rằng họ nên làm gì khi dù đã cố gắng hết sức nhưng con cháu của họ vẫn chưa chấp nhận đức tin Công giáo của họ.

“Đức tin được chia sẻ bằng phương ngữ”, Đức Thánh Cha nói, nghĩa là, không phải bằng những từ ngữ chuẩn mực của giáo điều và Giáo lý, nhưng bằng ngôn ngữ của tình yêu thương, tình bằng hữu và sự khích lệ, bởi vì đức tin không chỉ xuất phát từ nội dung.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng họ không thất bại trong nhiệm vụ của mình, đó là đôi khi cuộc sống chỉ diễn ra theo cách đó, với việc những đứa trẻ hoặc vô thức chạy theo các xu hướng hiện tại hoặc đánh mất đức tin vì “những nhân chứng tệ hại” và những sự việc tai tiếng của các thành viên trong Giáo hội.

Họ phải luôn bình an, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ tại cuộc gặp gỡ đó, và họ không bao giờ được tranh cãi hay tranh luận với con cháu về đức tin mà thay vào đó, họ phải lắng nghe, thể hiện tình yêu thương, sự thông cảm, kiên nhẫn, và trở thành những nhân chứng hữu hiệu và cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết điều đó giúp ngài có thêm sức mạnh khi nhớ lại sự kiện “khi Thánh Giuse và Đức Maria đưa Hài nhi Giêsu lên Đền thờ, nơi họ đã gặp hai ông bà Simêon và Anna, là những bậc khôn ngoan trong dân chúng; họ ca ngợi Thiên Chúa vì sự khôn ngoan này đã có thể tiếp tục với đứa trẻ này. Chúa Giêsu được rước vào đền thờ không phải bởi vị Thượng tế, mà bởi hai ông bà Simêon và Anna”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube