Người dân CHDC Congo đang chờ đợi 'sự chữa lành' từ chuyến Tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô

Bức ảnh về một bảng quảng cáo từ thành phố Kasindi, ghi lại vụ tấn công xảy ra hôm Chúa nhật vừa qua nhắm vào một nhà thờ Tin lành Ngũ Tuần (Ảnh: Vatican News)

Bức ảnh về một bảng quảng cáo từ thành phố Kasindi, ghi lại vụ tấn công xảy ra hôm Chúa nhật vừa qua nhắm vào một nhà thờ Tin lành Ngũ Tuần (Ảnh: Vatican News)

Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, cho biết nước này hy vọng sẽ nhận được lời an ủi từ Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm của ngài, khi bạo lực tiếp tục tàn phá nhiều khu vực của Trung Phi.

Một vụ đánh bom nhằm vào một Nhà thờ Tin lành Ngũ Tuần ở tỉnh Bắc Kivu, miền đông Congo hôm Chúa nhật vừa qua đã làm thiệt mạng ít nhất 14 người và khiến hơn 40 người khác bị thương. Lực lượng Dân chủ Đồng minh (AFP), liên kết với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Trong một cuộc phỏng vấn với Antonella Palermo, cộng tác viên của Vatican News, sau vụ đánh bom, Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, cho biết vụ tấn công gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại, “thậm chí còn đáng lo ngại hơn vì nó xác nhận tình hình đang diễn ra hết sức phức tạp”.

Hòa bình còn rất xa vời

Sứ thần Tòa Thánh cũng lưu ý vụ tấn công diễn ra cùng ngày với một vụ đánh bom khác tại khu chợ trung tâm ở thành phố Beni, Bắc Kivu. Tỉnh này đã “ở trong tình trạng bị vây hãm trong hơn một năm”, Đức Tổng Giám mục Balestrero nói, “cho thấy tình hình không những không được cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn”.

“Trong mọi trường hợp, tôi muốn nói rằng hòa bình ở phía đông hiện còn lâu mới đạt được”.

Vị Giám chức lo ngại rằng ADF đang hưởng lợi từ cuộc xung đột với nhóm M23 ở miền nam đất nước, trong khi mối quan hệ giữa ADF và ISIS đang ngày càng trở nên bền chặt hơn.

“Điều này chỉ có thể là mối lo ngại đối với vấn đề an ninh khu vực và đặc biệt là đối với những người dân thường xuyên là nạn nhân của các cuộc tàn sát chống lại họ”, Đức Tổng Giám mục Balestrero cho biết thêm.

Sự hợp tác giữa các Giáo hội Kitô giáo

Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu của hy vọng. Đức Tổng Giám mục Balestrero đã ghi nhận “sự hợp tác tuyệt vời” giữa các Kitô hữu trong nước.

Các cộng đồng Kitô giáo khác nhau đều thống nhất chỉ ra rằng sự giàu có phong phú của “vùng lòng đất phía Đông” là gốc rễ của các cuộc xung đột.

Đức Tổng Giám mục Balestrero cho biết sự giàu có về tài nguyên khoáng sản của đất nước “là lý do cơ bản cho tầm quan trọng chiến lược của nó với tất cả các quốc gia láng giềng và là nguyên nhân chính yếu của nền kinh tế chiến tranh kéo dài ở khu vực phía Đông này”.

Đức Tổng Giám mục Balestrero cũng nhấn mạnh sự hợp tác đại kết trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 3 tháng 2. Chẳng hạn, vị Giám chức lưu ý rằng các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác đều sẽ tham dự cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với những người di tản.

“Chúng ta cùng nhau nỗ lực đồng hành cùng sự phát triển dân chủ của đất nước”.

Công tác chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

Đức Tổng Giám mục Balestrero cho biết những nỗ lực đang được thực hiện để đảm bảo an ninh và trật tự công cộng cho chuyến Tông du sắp tới là rất đáng kể. Mục đích chính yếu của chuyến viếng thăm, Đức Tổng Giám mục Balestrero cho biết thêm, đó là “thức tỉnh đức tin nơi những người không có đức tin ấy, và củng cố niềm vui cho những người có được nó”.

“Nhiều người nói rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một giấc mơ đã trở thành hiện thực”.

Đức Tổng Giám mục Balestrero cho biết thêm: “Trên khắp đất nước, người ta háo hức mong chờ nhận được lời động viên an ủi từ Đức Giáo hoàng, và cả sự chữa lành những vết thương vẫn đang rỉ máu, đặc biệt là ở phía Đông”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube