Một nhà thờ Công giáo khác bị phá hủy tại Myanmar trước ngày cầu nguyện

Mọi người nhìn những cột khói đen dày đặc ở Hkamti, Myanmar, ngày 22 tháng 5 năm 2021, trong bức ảnh thu được từ mạng xã hội này. Hồng y Charles Bo của Yangon kêu gọi chấm dứt bạo lực sau một vụ tấn công bằng súng cối chết người hôm 23/5 cướp đi sinh mạng của 4 người đang trú ẩn bên trong một nhà thờ ở một thị trấn ở miền đông Myanmar (Ảnh: CNS)

Người dân đang nhìn những cột khói đen dày đặc ở Hkamti, Myanmar, ngày 22 tháng 5 năm 2021, trong bức ảnh có được từ mạng xã hội này. Đức Hồng y Charles Bo Địa phận Yangon đã kêu gọi chấm dứt bạo lực sau một vụ tấn công bằng súng cối đẫm máu xảy ra hôm 23 tháng 5 vừa qua cướp đi sinh mạng của 4 người đang trú ẩn bên trong một nhà thờ ở một thị trấn ở miền đông Myanmar (Ảnh: CNS)

ROME – Cùng ngày với việc Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tham gia vào sáng kiến cầu nguyện cho các quốc gia gặp khó khăn ở Myanmar và Thánh địa, một nhà thờ khác đã bị phá hủy ở bang Kayah, miền nam Miến Điện, đánh dấu vụ tấn công thứ sáu như vậy xảy ra chỉ trong vòng hai tuần lễ.

Sáng hôm Chúa nhật, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, quân đội Myanmar đã nã đạn pháo vào Nhà thờ Công giáo Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hòa Bình ở Daw Ngan Kha, thuộc bang Kayah. Không có vụ thương vong nào được báo cáo, nhưng ngôi thánh đường đã bị thiệt hại nghiêm trọng.

Một số ngôi nhà gần đó cũng bị hư hại trong cuộc pháo kích, bắt đầu vào đầu giờ sáng.

Vụ việc này đánh dấu sự kiện mới nhất trong một loạt nhà thờ bị hư hại hoặc bị phá hủy ở Myanmar trong bối cảnh của cuộc giao tranh ngày càng gia tăng giữa quân nổi dậy và quân đội sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, trong đó quân đội Myanmar lật đổ các nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ của đất nước và nắm quyền kiểm soát chính phủ.

Vào ngày 24 tháng 5, 4 người đã thiệt mạng và ít nhất 8 người khác bị thương khi pháo binh hạng nặng tấn công Nhà thờ Thánh Tâm ở Kayantharyar, gần Loikaw, nơi hơn 300 người đã chạy trốn nhằm tránh thương vong.

Vài ngày sau, Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Phekhon cũng đã bị phóng hỏa. Các nhà thờ khác cũng đã bị nhắm mục tiêu kể từ đó bao gồm nhà thờ Thánh Giuse ở Deemoso; Giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức ở Domyalay, nơi mới được xây dựng và chưa được thánh hiến; và một Chủng viện Công giáo ở Loikaw, nơi hơn 1.300 thường dân trú ẩn.

Theo Al Jazeera, một tình nguyện viên đã thiệt mạng trong vụ bao vây Chủng viện, trong khi các chiến binh đã dùng hết số thức ăn được chuẩn bị cho những người trú ẩn tại cơ sở này.

Sau vụ tấn công vào ngày 24 tháng 5 vào nhà thờ Thánh Tâm ở Kayantharyar, Đức Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục Địa phận Yangon, đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi chấm dứt các vụ tấn công nhắm vào các cơ sở thờ tự, ngài nói rằng: “Chúng tôi hết sức đau buồn trước các vụ tấn công nhắm vào những thường dân vô tội”.

“Các hành động bạo lực, bao gồm các vụ pháo kích liên tục, sử dụng vũ khí hạng nặng nhắm vào một nhóm gồm phần lớn phụ nữ và trẻ em đang hoang mang sợ hãi”, gây ra những vụ thương vong không đáng có, Đức Hồng y Bo nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Cần phải chấm dứt ngay những hành động như vậy. Chúng tôi kêu gọi tất cả quý vị… xin đừng leo thang chiến tranh”.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã kêu gọi hòa bình và thống nhất tại Myanmar khi tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang.

Trong Thánh lễ đặc biệt dành cho các tín hữu Myanmar được cử hành bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào ngày 16 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã từng đến thăm Myanmar vào năm 2017, đã cầu nguyện để Thiên Chúa “giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỷ”, và đồng thời nhắn nhủ mọi người: “Đừng đánh mất hy vọng”, thúc giục cộng đồng Kitô giáo trong nước nỗ lực dấn thân cho hòa bình và ngăn chặn các cuộc xung đột nhỏ bùng phát thành những sự chia rẽ lớn hơn”.

Hôm Chúa nhật vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi khác đối với Myanmar, thúc giục tất cả mọi người trên khắp thế giới, “mỗi người theo truyền thống tôn giáo của riêng mình”, tham gia vào một sáng kiến đặc biệt vào ngày 8 tháng 6 do nhóm Công giáo Tiến Hành tổ chức, kêu gọi mọi người dành một phút thinh lặng cầu nguyện cho hòa bình tại Myanmar và Thánh địa.

Sự kiện này diễn ra trước một thời điểm quan trọng đối với Myanmar, khi phiên tòa xét xử nhà lãnh đạo dân chủ bị phế truất của đất nước, bà Aung San Suu Kyi, sẽ bắt đầu vào tuần tới với nhiều cáo buộc hình sự.

Theo đội ngũ pháp lý của bà, phiên tòa bắt đầu từ ngày 14/6 và dự kiến kết thúc vào khoảng ngày 24/7.

Kể từ khi bị bắt giữ trong cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, xuất hiện trước công chúng trong thời gian ngắn ngủi lần đầu tiên vào ngày 24 tháng 5 để hầu tòa.

Cho đến nay, ít nhất 849 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa quân đội và phe đối lập, nhiều người trong số họ là trẻ em, và khoảng 4.500 người khác đã bị giam giữ.

Trong bài phát biểu với hãng thông tấn SIR của Ý, hãng tin tức trực tuyến chính thức của các Giám mục Ý, Cha sở của nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hòa Bình bị hư hại hôm Chúa nhật, cho biết hầu hết người dân trong làng đã chạy trốn khỏi khu vực do tình trạng bạo lực leo thang.

Bên cạnh nhà thờ là cơ sở hưu dưỡng dành cho các Nữ tu cao niên, hiện đang cung cấp nơi nương tựa cho khoảng 150 người dễ bị tổn thương trong khu vực.

“Họ là những người duy nhất còn lại khỏi địa phận Giáo xứ”, vị Linh mục, được xác định là Cha Phanxicô, nói, giải thích rằng tất cả những người khác “đã cất bước ra đi”.

“Mỗi ngày, mọi người chạy trốn đến những nơi an toàn hơn, bỏ lại tất cả mọi thứ, nhà cửa của họ, ngay cả khi không có nơi nào an toàn hơn vì bang Kayah đã trở thành một khu vực chiến sự”, Cha Phanxicô nói, và đồng thời lưu ý rằng 7 Giáo xứ ở Giáo phận Loikaw đã bị bỏ hoang hoàn toàn trong những tuần lễ gần đây.

Cha Phanxicô cho biết họ đã yêu cầu quân đội kiềm chế không tấn công các nhà thờ, vì nhiều người, đặc biệt là những người nghèo và dễ bị tổn thương, tìm nơi trú ẩn ở đó, nhưng điều đó hoàn toàn “vô ích”.

“Một trong những lý do khiến họ tấn công Nhà thờ Công giáo đó là, bằng cách cộng tác với nhiều nhà tài trợ, Nhà thờ Công giáo này đã nỗ lực cứu trợ hơn một phần ba dân số của Bang Kayah (khoảng 300.000 người), những người đã bị cưỡng bức di dời do các vụ tấn công bạo lực và bừa bãi của chế độ quân sự”, Cha Phanxicô chia sẻ.

Một lý do khác đối với các vụ tấn công, Cha Phanxicô chia sẻ thêm, “đó là họ không còn quả tim của con người nữa”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube