Không hoàn hảo nhưng không có nghĩa là không được yêu

Bạn đã bao giờ hỏi ai đó, “Có chuyện gì vậy?” khi rõ ràng có điều gì đó khiến họ khó chịu, và chỉ nhận được câu trả lời là “Ồ! không có gì”? Rất có thể bạn đã có kinh nghiệm ở cả hai phía trong cuộc đối thoại nhỏ này và hơn nữa là không chỉ một lần.

Tại sao đây lại là một kinh nghiệm phổ biến đến như vậy? Tại sao chúng ta thường nói: “Không có gì sai cả” khi chúng ta biết có điều đó không đúng? Đôi khi chúng ta chỉ muốn biết rằng người hỏi chúng ta thực sự muốn biết điều gì sai. Đôi khi đó là vì câu trả lời thực sự của chúng ta là “Tôi không chắc. Tôi không biết chính xác.”

Khi chúng ta gặp phải câu hỏi đó – “Có chuyện gì vậy?” – câu trả lời mặc định của chúng là từ chối (“không có gì”) hoặc là sự đánh lạc hướng, bởi vì trong sự thinh lặng, trong những khoảnh khắc trung thực nhất – bạn có thể phải thừa nhận rằng có điều gì đó không ổn. Có thể trong những đêm không ngủ được, bạn nằm đó trong bóng tối và thừa nhận điều bạn không thể tránh được: một điều gì đó đã tan vỡ trên thế giới hoặc có điều gì đó đang tan vỡ trong lòng tôi.

Một sự bình thường mới?

Chúng ta đã quá quen với việc đổ vỡ đang trở nên bình thường trong thế giới này đến nỗi chúng ta đã quên rằng nó đã tan vỡ. Chúng ta thấy các mối quan hệ thất bại, mọi người làm tổn thương nhau, thương tích và đau khổ thuộc mọi kiểu. Chúng ta quên rằng mọi thứ không thực sự như ý muốn. Chúng ta đang sống trong một thế giới đã bị vỡ vụn. Và có những trái tim trong lồng ngực của chúng ta đã bị vỡ vụn.

Thừa nhận sự đổ vỡ của chính mình là đi ngược lại với thông điệp mà nền văn hóa này mang lại cho chúng ta. Khi nền văn hóa này đặt câu hỏi “Bạn bị sao vậy?” nó luôn trả lời, “Không có gì. Không có gì là sai với bạn. Bạn hoàn hảo theo cách của bạn”. Và nếu bạn thành thật với chính mình, bạn có thể sẽ tự vấn rằng, “Thật không?”. Bạn đã dành thời gian cho tôi ư? Tôi đã dành thời gian cho tôi và tôi biết rằng câu thần chú “Bạn hoàn hảo như chính con người của bạn” đơn giản là không đúng. Nó thậm chí không chút nào gần với sự thật!

Một trong những sự thật rõ ràng nhất trong cuộc sống là “Tôi không ổn”. Nhưng thông điệp của văn hóa này lại là — “Tôi ổn, bạn ổn” — là những gì bạn phải nói khi bạn không biết phải làm gì với một trái tim và một thế giới đã vụn vỡ.

Đây là tin tuyệt vời cho những Tín Hữu Kitô Giáo: chúng ta biết phải làm gì với một thế giới đã bị vỡ vụn. Đức tin của chúng ta không chỉ dạy cho chúng ta biết thế giới của chúng ta được cho là như thế nào lúc ban đầu và điều gì đã xảy ra, mà còn cả cách tin cậy tuyệt đối vào Chúa để khôi phục những gì đã vỡ nát. Bởi vì đó là những gì Chúa muốn. Tất cả bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng thế giới chúng ta biết không phải như thế này.

Thời kỳ khởi nguyên

Trong ba chương đầu của sách Sáng thế, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã làm cho thế giới này trở nên toàn vẹn, hoàn chỉnh và hiếu khách. Thế giới không thù địch với chúng ta, và chúng ta không thù địch với nhau. Người nam và người nữ được hợp nhất với Thiên Chúa, với nhân loại và với vạn vật .

Vậy tại sao Thiên Chúa ban tổ tiên ta thời kỳ đầu một quy tắc duy nhất là không được ăn trái cấm? Tại sao không bỏ cái cây đó ra khỏi vườn? Bởi vì Đức Chúa Trời đã làm cho những con người này giống như Ngài, đồng hình đồng dạng với Ngài. Thiên Chúa là ai trong cốt lõi của mình? Thưa, Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa tạo ra chúng ta vì tình yêu, và tình yêu đòi hỏi khả năng bị từ chối. Nếu tôi không thể nói không, thì lời đồng ý của tôi không có nghĩa gì cả. Đó chính là quy tắc mà Ngài đã đặt ra.

AdamEve

Bây giờ chúng ta có hàng ngàn quy tắc bởi vì chúng ta được chia thành hàng ngàn mảnh, nhưng ban đầu, chúng ta là một thể toàn vẹn. Chỉ có một quy tắc: “Hãy yêu tôi và đừng ăn trái của cây đó. Tất cả những thứ còn lại là của bạn ”. Bạn có thể tưởng tượng nó sẽ như thế nào không?

Kinh thánh nói rằng “Thiên Chúa không làm ra cái chết… Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị, mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 1:13; 2:24). Ganh tị khác với ghen tuông, ghen tuông có thể là xấu, nhưng nó không phải lúc nào cũng xấu. Nếu tôi trở nên muốn chiếm hữu quá mức với một điều gì đó và chỉ muốn ngày càng nhiều thứ ấy cho riêng mình, thì đó là một kiểu ghen tuông tồi tệ. Nhưng ghen tuông cũng có thể tốt. Thiên Chúa thì ghen tuông. Vợ chồng yêu nhau ghen tuông: họ muốn bảo vệ trái tim của tình yêu đích thực của mình. Đức Chúa đưa chúng ta vào vườn và nói, “Ta ghen tuông với ngươi, không phải vì ta tham lam hay muốn chiếm hữu, mà vì ta muốn bảo vệ ngươi.”

Satan có lòng ganh tị. Nếu sự ghen tuông nói, “Tôi muốn cái đó là của tôi,” thì sự ganh tị nói, “Tôi không quan tâm nó có phải là của tôi hay không; Tôi chỉ không muốn bạn có nó”. Ma quỷ đã nói với Chúa, “Tôi không muốn tình yêu của Ngài.” Và rồi hắn thấy Chúa đang đổ hết tình yêu của mình cho người đàn ông này và người phụ nữ kia, hắn cũng không muốn họ có được điều đó. Đó là sự ganh tị: Tôi không muốn nó trở lại. Tôi chỉ không muốn bạn có được nó.

Vì vậy, Satan nói với người phụ nữ rằng nếu cô ấy ăn trái cấm, cô chắc chắn sẽ không chết, vì Chúa biết rõ rằng thời điểm họ ăn nó, họ sẽ giống như hắn. Satan ám chỉ rằng Thiên Chúa đang nói dối Ađam và Êva, giữ lại điều gì đó tốt đẹp khỏi họ bởi vì Ngài không muốn họ giống như mình. Đây là một sự lừa dối tàn khốc theo hai cách.

Sự lừa dối đầu tiên là Thiên Chúa không muốn chúng ta giống như Ngài. Sự thật là, chúng ta đã được: chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài. Nhưng lần lừa dối thứ hai thậm chí còn tồi tệ hơn. Những lời của Satan ngụ ý rằng Thiên Chúa không yêu thương con người.

Chấp nhận sự lừa dối bi thảm này như một sự thật — rằng chúng ta không được yêu thương và không thể yêu thương — là một sự lựa chọn không chỉ vi phạm một quy tắc; mà nó đã phá vỡ thế giới. Đó là lý do tại sao nó được gọi là “Tội nguyên tổ”. Đó là tội lỗi đầu tiên và tất cả chúng ta đều đã thừa hưởng những ảnh hưởng của một thế giới vụn vỡ dưới sự dối trá này.

Tội lỗi này đã giáng xuống chúng ta theo hàng ngàn cách. Không chỉ con người đã phá vỡ một quy tắc mà cả sự tin tưởng vào Chúa cũng đã bị phá nát từ ấy. Không chỉ là một số đàn ông hiện nay sẵn sàng thống trị phụ nữ, mà cả các mối quan hệ cũng như vậy. Nó không chỉ có nghĩa là bây giờ chúng ta chết, mà là sự sống đã bị phá bỏ.

Vào một trong những ngày đầu tiên đến lớp, một giáo viên trung học Công Giáo đã lên bảng đen và viết, “Tôi tin rằng Thiên Chúa tồn tại” trên một góc đầu của tấm bảng, và ở đầu kia, anh ấy viết, “Tôi không tin Thiên Chúa hiện hữu”. Anh ấy nói, “Tôi chỉ muốn biết bạn đến từ đâu, vì vậy hãy đứng bên dưới phần đó.” Chín mươi phần trăm trẻ em đứng dưới cụm từ “Tôi tin rằng Chúa tồn tại”.

Sau đó, giáo viên xóa hai câu đó và đặt hai câu mới lên: “Tôi tin rằng Chúa yêu tôi” và “Tôi không tin rằng Chúa yêu tôi.” Và anh ấy đợi. Một vài học sinh đã đứng dậy và đứng dưới câu: “Tôi không tin rằng Thiên Chúa yêu tôi.” Và anh ấy đã đợi thêm. Cuối cùng, toàn bộ học sinh của anh ấy ở trường trung học Công giáo này, 90% trong số đó tin rằng Thiên Chúa tồn tại, đã kết thúc với câu “Tôi không tin rằng Chúa yêu tôi”.

Chúa Giêsu đến để phục hồi những gì đã đổ vỡ

Ngay trước khi thi hành sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã ăn chay và cầu nguyện trong bốn mươi đêm ngày trong sa mạc. Bốn mươi ngày này gợi lại bốn mươi năm mà dân Ítraen đã lang thang ròng rã trong sa mạc vì không tuân theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa.. Đặc biệt hơn nữa, ba cơn cám dỗ của Satan mà Chúa Giê-u đã vượt qua trong sa mạc vì sự vâng lời thuần khiết đối với Chúa Cha cũng chính là những thử thách mà dân Ítraen đã thất bại: tin cậy nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, vâng lời một mình Thiên Chúa và thờ phượng một mình Thiên Chúa. Trong sự vâng phục ba lần của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, Ngài bắt đầu khôi phục tất cả những gì đang dang dở trên thế gian.

Scan from color transparency

Chúa Giêsu thậm chí còn hóa giải sự ganh tị của kẻ thù. Trong khi Satan sẽ nói với chúng ta, “Tôi không quan tâm đến điều tốt đẹp; Tôi chỉ không muốn nó là của bạn”, Chúa Giêsu, trong nơi hoang địa và trên thập tự giá, nói với chúng ta, “Bạn được tạo ra vì điều tốt đẹp, và tôi không cần phải giữ lấy nó. Tôi chỉ muốn bạn có nó. Bạn được tạo ra cho Chúa Cha, và tôi có thể ở trong bóng của Ngài; Tôi chỉ muốn bạn có được Ngài”.

Đúng vậy, trong tất cả những gì Chúa Giêsu đã đến để hoàn thành cho chúng ta, Ngài nói với chúng ta và với thế giới tan nát này:

“Không, bạn không hoàn hảo, nhưng tôi sẽ đấu tranh để bạn biến bạn thành của tôi.”

“Không, bạn không hoàn hảo, nhưng bạn đáng để tôi dành cả cuộc đời cho bạn vì sự không hoàn hảo ấy của bạn”.

“Đúng vậy, thế giới này đã vụn vỡ. Tôi đang bước vào thế giới này để phục hồi những gì đã vụn vỡ ấy”.

Thế giới này không hoàn hảo. Và chúng ta không hoàn hảo. Nhưng “không hoàn hảo” không có nghĩa là “ không được yêu thương”.

Tuần này, hãy đặc biệt chú ý đến việc xem những gì đang còn dang dở — trên thế giới và ở trong bạn — và ghi nhận điều đó. Mỗi ngày, hãy dành vài phút tĩnh lặng để suy ngẫm, tự hỏi bản thân, tôi có thể tìm thấy bằng chứng nào từ hai mươi bốn giờ qua cho thấy thế giới còn dang dở, còn đổ vỡ? Ở đâu có sự tan vỡ xung quanh tôi? Điều gì đã bị đổ vỡ trong tôi?

Đừng sốc trước sự đổ vỡ mà bạn nhìn thấy. Đừng xấu hổ với bản thân hoặc người khác về điều đó. Chỉ cần nhìn thấy nó, ghi nhận nó, và mang nó đến với Chúa Giêsu. Nếu bạn nhìn ra thế giới và nghĩ, Chúa ơi, có quá nhiều nỗi đau và quá nhiều vấn đề đang xảy ra hằng ngày, chỉ cần nói, “Ồ, đúng rồi: thế giới còn dang dở.”

Nếu bạn nhìn thấy hành vi của người khác và nghĩ, Tại sao họ lại là một kẻ ngốc như vậy? Họ bị làm sao vậy? hãy nhớ điều này: “Đúng vậy; họ là một người đã bị đổ vỡ”. Nếu bạn chứng kiến một mối quan hệ được cho là tràn ngập tình yêu thương nhưng dường như căng thẳng bởi sự chia rẽ và tổn thương, nó sẽ lại xảy ra. “Tôi hiểu rồi: một tình yêu hãy còn dang dở.”

Hãy tin cậy Chúa Giêsu với tất cả những đổ vỡ mà bạn thấy trên thế giới, nơi người khác và trong chính bản thân bạn. Cảm ơn Ngài đã yêu bạn như chính bạn và khoảng thời gian mà Ngài sẽ phục hồi mọi thứ còn dang dở ấy cho bạn. Hãy hỏi Ngài ngay hôm nay để Ngài đến và xoa dịu những đổ vỡ trong cuộc sống của chính bạn .

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Bài được chọn từ cuốn sách “A World Undone” của Cha Mike Schmitz

Nguồn: The Word Among Us Press 2020

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube