Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 tiếp tục, những người cao tuổi tại Brazil cậy dựa vào cách tiếp cận mục vụ của Giáo hội

Mọi người chờ đợi bên ngoài một trạm tiêm chủng để nhận một liều vắc-xin Sinovac CoronaVac COVID-19 ở Belford Roxo, Brazil, ngày 31 tháng 3 năm 2021, trong ngày tiêm chủng cho công dân 71 tuổi trở lên. (Ảnh CNS / Ricardo Moraes, Reuters)

Người dân chờ đợi bên ngoài một trạm tiêm chủng để được tiêm vắc-xin Sinovac CoronaVac COVID-19 ở Belford Roxo, Brazil, ngày 31 tháng 3 năm 2021, trong đợt tiêm chủng dành cho công dân 71 tuổi trở lên (Ảnh: CNS / Ricardo Moraes, Reuters)

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Leila, một cộng tác viên mục vụ ở Brazil, đã bị ngăn cản không cho đến thăm những người già mà chị thường gặp gỡ hàng tháng. Nhưng một ngày nọ, một người phụ nữ lớn tuổi gọi cho chị và nói rằng bà có một yêu cầu khẩn cấp. Leila đến nhà và gặp người phụ nữ và chồng của bà ngay bên ngoài cổng nhà của họ.

Người phụ nữ lớn tuổi kín đáo chuyển cho Leila một tờ giấy đã được gấp lại, giả vờ như chia sẻ một công thức làm bánh. Về đến nhà, Leila đọc thấy: “Nếu Covid đến tìm tôi, tất cả giấy tờ của tôi đều nằm trong tủ, cánh cửa đầu tiên bên trái. Tôi muốn được chôn cất trong nghĩa trang. Vui lòng sử dụng bức hình trên bàn ăn trong phòng ăn của tôi”.

(Ghi chú của biên tập viên: Các bút danh đã được sử dụng cho tên của các cộng tác viên mục vụ được trích dẫn trong bài viết này nhằm bảo vệ mối quan hệ của họ với những người cao niên mà họ phục vụ).

Đó là mức độ tin cậy mà các cộng tác viên của Pastoral da Pessoa Idosa (“Chăm sóc mục vụ cho người cao tuổi”) đạt được với 170.000 người mà họ đồng hành trên khắp Brazil. Nhiệm vụ này là một nỗ lực quốc gia của Giáo hội Công giáo, thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội của Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazil.

Bức thư ngắn khiến Leila hơi sốc. “Tôi đã đến thăm người cao niên trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng ai đó sẽ viết như vậy”, Leila phát biểu với America. Chị đã yêu cầu hướng dẫn từ điều phối viên khu vực của mình, Lúcia Secoti, từ văn phòng mục vụ ở Tổng Giáo phận Campinas, thuộc bang São Paulo của Brazil.

“Sau đó, tôi gọi cho người phụ nữ này và nói với bà ấy rằng tôi sẽ giữ ‘công thức’ một cách an toàn cho đến thời điểm thích hợp”, Leila nói. “Đây là cảm giác của những người cao tuổi ở đây: bồn chồn, sợ hãi, lo lắng. Vắc-xin đang dần mang lại cho họ một số hy vọng”.

Công việc Mục vụ phục vụ người cao tuổi của Giáo hội được thành lập vào năm 2004 bởi Zilda Arns, một bác sĩ nhi khoa và người theo chủ nghĩa nhân đạo. Là em gái của cố Hồng y Paulo Evaristo Arns (1921-2016), Tiến sĩ Arns nổi tiếng với việc thành lập Pastoral da Criança (“Chăm sóc Mục vụ cho Trẻ em”) vào năm 1983, một công tác mục vụ đã cứu sống hàng triệu trẻ em Brazil đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. (Tiến sĩ Arns đã thiệt mạng trong một chuyến viếng thăm phục vụ tại Haiti, một nạn nhân của trận động đất vào tháng Giêng năm 2010. Án phong thánh cho bà đã được tiến hành tại Port-au-Prince vào năm 2015 và cuối cùng được chuyển đến Tổng giáo phận Curitiba, Brazil.)

Trong khi đến thăm trẻ em để kiểm tra sức khỏe cho chúng và tư vấn cho các gia đình về dinh dưỡng cơ bản — điều mà chính quyền các tiểu bang của Brazil đã không cung cấp — các nhân viên của ‘Chăm sóc Mục vụ cho Trẻ em’ đã nhận ra rằng những người cao tuổi của Brazil cũng trải qua tình trạng dễ bị tổn thương tương tự. Vì vậy, ‘Chăm sóc Mục vụ Người cao tuổi’ đã được thành lập. Kể từ đó, nó đã được mở rộng sang tất cả các tiểu bang của Brazil.

“Một công việc mục vụ tập trung vào trẻ em và công việc mục vụ kia tập trung vào những người cao niên”, Nữ tu Maria Lúcia Rodrigues, Điều phối viên quốc gia cho ‘Chăm sóc Mục vụ cho Người cao tuổi’, cho biết. “Đó là hai mục tiêu của cuộc sống con người và cả hai đều đi kèm với những yêu cầu quan trọng”.

Theo Nữ tu Rodrigues, tất cả những nỗ lực và sự can thiệp của các nhân viên của ủy ban này đều được xây dựng xung quanh việc họ đến thăm các cơ sở hàng tháng. “Chúng tôi đến thăm những người dễ bị tổn thương nhất, những người yếu đuối, những người có vấn đề về sức khỏe do tình trạng lão hóa gây ra, những người bị bỏ rơi, những người cô đơn hoặc trầm cảm”, Nữ tu Rodrigues nói.

Ủy ban tuyển dụng và đào tạo các điều phối viên khu vực, những người đồng hành với công việc của các nhà lãnh đạo địa phương. Mỗi thành viên trong số 25.000 lãnh đạo mục vụ thường xuyên thăm viếng một số gia đình nhất định, thường gần khu vực lân cận của họ, điều này làm cho hoạt động tiếp cận đặc biệt hiệu quả. Hầu hết các cộng tác viên đều là phụ nữ.

Một nhân viên mục vụ khác, Veronica, phát biểu với America rằng một trong những người lớn tuổi mà chị đồng hành đã mất đi cậu con trai cách đây sáu tháng, có chồng không thể đi lại và cần phải phẫu thuật để loại bỏ một khối u. “Họ đang gây quỹ trực tuyến để thuê một người chăm sóc để bà có thể phẫu thuật”, Veronica nói.

Và đây chỉ là một ví dụ. Nữ tu Rodrigues cho biết rằng ủy ban không thể giải quyết tất cả các vấn đề của những người mà nó tiếp cận, nhưng nó xây dựng cầu nối giữa người cao niên và cộng đồng xung quanh họ. Khi ai đó gặp khó khăn, các nhân viên mục vụ sẽ giúp tìm ra sự hỗ trợ phù hợp.

“Chúng tôi không coi các vấn đề là của riêng mình. Chúng tôi khuyến khích những người cao tuổi tích cực, tìm kiếm quyền lợi của mình và liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền”, Nữ tu Rodrigues nói. “Về phương diện khác, chúng tôi tôn trọng quyền tự chủ của họ”. Trong trường hợp những người lớn tuổi ít độc lập hơn, các nhân viên mục vụ giữ liên lạc chặt chẽ với gia đình và bạn bè. Brazil đã có một luật cụ thể liệt kê các quyền của những người cao tuổi từ năm 2003. Tất cả những người trên 60 tuổi đều thuộc đối tượng này.

Brazil là một quốc gia chủ yếu là người trẻ, nhưng nó đang già đi. Năm 1950, người cao tuổi chỉ chiếm 2,6 triệu người. Đến năm 2019, có hơn 30 triệu người cao tuổi ở Brazil – 13% dân số. Cũng như đã xảy ra trên khắp thế giới, Covid-19 đã gây khó khăn nhất cho những người cao tuổi ở Brazil. Henrique Salmazo, một nhà lão khoa và là giáo sư tại Đại học Công giáo Brasília, báo cáo rằng bảy trong số 10 trường hợp tử vong do Covid-19 ở Brazil là người lớn tuổi.

“Đã có một tác động rất lớn đến lối sống của những người này”, Tiến sĩ Salmazo nói. Theo các biện pháp hạn chế của Covid-19, những người cao tuổi ở Brazil hiện có ít tương tác xã hội hơn; họ buộc phải thay đổi thói quen ăn uống và ít hoạt động thể chất hơn, đồng thời họ cũng có ít thời gian giải trí và ít nhận được sự hỗ trợ xã hội hơn”, Tiến sĩ Salmazo cho biết.

‘Chăm sóc Mục vụ Người cao tuổi’ bị rơi vào hoàn cảnh đầy thách thức dưới thời Covid-19 — các chuyến viếng thăm trực tiếp là trọng tâm của chương trình. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2020, với việc thực thi các giao thức giãn cách xã hội, những người làm công tác mục vụ đã bắt đầu chiến dịch “Gọi cho một người lớn tuổi”. Thay vì đến thăm các bậc cao niên, các cộng tác viên hiện giữ liên lạc qua điện thoại hoặc các cuộc gọi video, và họ khuyến khích những người Công giáo khác cũng làm như vậy.

Tiến sĩ Salmazo cũng đề cập đến sự phân biệt tuổi tác, hay phân biệt đối xử với những người lớn tuổi, là một căn bệnh xã hội trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch. “Có một sự quá tải về tâm lý nghiêm trọng đối với những người cao niên”, Tiến sĩ Salmazo nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng nhiều người cũng phải chịu gánh nặng lo lắng về các thành viên trong gia đình của họ khi đại dịch tiếp tục.

Tiến sĩ Salmazo tin rằng việc các tình nguyện viên liên lạc với họ qua điện thoại và các cuộc gọi video giúp giảm thiểu tình trạng quá tải đó. “Chúng ta phải tận dụng công nghệ theo cách thức tốt nhất có thể, và ngày càng nhiều người lớn tuổi học cách sử dụng công nghệ”.

Talita Orlandi, một bác sĩ lão khoa làm việc tại São José dos Campos, cũng coi những định kiến đối với người cao tuổi là một vấn đề ngày càng gia tăng ở Brazil. “Trong đại dịch, ban đầu nó được coi như một sự ‘cứu trợ’ mà người già là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, một sự giải thoát cho những người trẻ tuổi”, Tiến sĩ Orlandi nói. Với một dấu hiệu tích cực, Tiến sĩ Orlandi cho biết, cuộc khủng hoảng đã khuyến khích nhiều gia đình quan tâm chú ý hơn đối với các thành viên lớn tuổi trong gia đình, đồng thời lưu ý rằng nhiều người “cảm thấy được mời gọi … để coi trọng sự sống mong manh và quý giá đó cũng như thể hiện sự tôn trọng hơn đối với những bậc cao niên nói chung”.

Tiến sĩ Orlandi đã quan sát thấy nhiều trường hợp trầm cảm hơn trong số các bệnh nhân của mình – mặc dù sự cô đơn phổ biến hơn ở những người giàu có hơn, những người mà gia đình thường có ít thành viên hơn, Tiến sĩ Orlandi nói. Nhiều người phàn nàn về “sự chán nản dai dẳng cũng như sự vô vọng”.

Điều đó phù hợp với kinh nghiệm của các nhân viên mục vụ. Tiến sĩ Orlandi cho biết rằng “mối bận tâm lớn của người cao tuổi ngày nay là sự hữu hạn, cái chết”. Trước khi tiến hành tiêm chủng, sự căng thẳng này rất nghiêm trọng. Ngày nay, hầu hết người dân Brazil trên 70 tuổi đều đã được tiêm phòng. Hầu hết các chính quyền địa phương hiện đang tiêm phòng cho những người ở độ tuổi 60.

“Chúng tôi đã giúp họ bằng cách giải thích rõ ràng về quy trình tiêm chủng, sự khác biệt giữa các loại vắc xin, như vắc xin cúm và vắc xin Covid”, bà Secoti nói. Tại khu vực của bà, ủy ban mục vụ đã thiết lập quan hệ đối tác với Đại học Công giáo Giáo hoàng Campinas, thiết lập “bàn trợ giúp tâm lý”. Giờ đây, những người cao tuổi có thể gọi điện cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần miễn phí.

Tiến sĩ Salmazo coi công việc mục vụ là điều cần thiết trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Brazil. “Họ xây dựng một mạng lưới liên đới vốn không chỉ cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp mà còn sự hỗ trợ về mặt tình cảm. Công việc này cần được khuyến khích và mở rộng bởi các tổ chức chính phủ và xã hội dân sự khác”, Tiến sĩ Salmazo nói.

Người cao niên cần phải cảm thấy như là “một phần của tổng thể”, Tiến sĩ Orlandi nói. “Tôi tin rằng các cộng đồng tín ngưỡng và các nhà thờ đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng những người lớn tuổi với sự kiên cường và hy vọng vào một mai tốt đẹp hơn”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube