Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Sầu Bi trong chuyến Tông du Slovakia

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Sầu Bi ở Šaštín, Slovakia./ Doronenko qua Wikimedia (CC BY-SA 3.0)

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Sầu Bi ở Šaštín, Slovakia (Ảnh: Doronenko qua Wikimedia (CC BY-SA 3.0)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đất nước Slovakia đa số theo Công giáo từ ngày 12-15 tháng 9, dừng chân tại bốn địa điểm khác nhau.

Một trong số đó là Šaštín, một trong những thị trấn non trẻ nhất của Slovakia, nơi lưu giữ bức tượng  về Đức Trinh Nữ Maria đã thu hút đông đảo du khách hành hương như Mẹ Têrêsa và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến kính viếng.

Đó là bức tượng Đức Mẹ Bảy Sự, một nhân vật quan trọng đối với người dân Slovakia đến nỗi Đức Giáo hoàng Piô XI đã tuyên bố Mẹ là Đấng bảo trợ của đất nước này vào năm 1927.

Ngay cả khi đất nước bị sáp nhập vào Khối Cộng sản, người dân Slovakia vẫn cố gắng có mặt tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Bảy Sự ở Šaštín nhân dịp Lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15 tháng 9.

Năm 1985, hơn 50.000 người, chủ yếu là giới trẻ, đã hành hương đến Šaštín. Đức Giám mục Julius Gábriš Địa phận Trnava, Giáo phận duy nhất của đất nước này vào thời điểm đó, đã trò chuyện với những người hành hương.

“Kitô giáo đã khai sinh ra quốc gia của chúng ta… và lòng sùng kính Đức Mẹ đã cho phép sự  tiến bộ lịch sử của chúng ta…”, vị Giám chức nói. “Chúng ta là một quốc gia đã được dâng cho Đức Mẹ!”.

Đức Gioan Phaolô II đã dâng Thánh lễ cho 200.000 người trước ngôi Vương Cung Thánh Đường vào ngày 1 tháng 7 năm 1995, trong chuyến Tông du thứ hai trong số ba chuyến viếng thăm của Ngài đến Slovakia với tư cách là Giáo hoàng.

Ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm Slovakia của Đức Thánh Cha Phanxicô rơi vào ngày 15 tháng 9, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, mà ngài có lòng sùng kính đặc biệt.

Trong bài giảng vào ngày 3 tháng 4 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ “người môn đệ và người mẹ” đầy đau buồn này.

“Lòng đạo đức Kitô giáo đã tập hợp những nỗi đau buồn của Đức Mẹ và nói về ‘Bảy Sự đau đớn của Đức Mẹ’”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Bảy Sự đau đớn của Đức Maria là lời tiên tri của cụ già Simeon, cuộc chạy trốn sang  Ai Cập, lạc mất Hài nhi Giêsu trong Đền thờ, cuộc gặp gỡ của Đức Maria với Chúa Giêsu trên cuộc hành trình thập giá, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu được cất xác xuống khỏi thập giá, và việc Chúa Giêsu được mai táng trong mồ.

Trong các bức tranh và bức tượng, Bảy Sự đau đớn của Đức Maria thường được mô tả như bảy thanh gươm đâm thâu trái tim của Đức Maria.

Lịch sử của ngôi Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Sầu Bi ở Šaštín bắt đầu từ một người phụ nữ tên là Angelica, người đã bị chồng mình là nhà quý tộc Hungary Imarich Czobor, bỏ rơi tại mảnh đất mà hiện nay ngôi Thánh đường này tọa lạc trên đó vào năm 1564.

Tuyệt vọng và cô đơn, người phụ nữ đã cầu xin Đức Trinh Nữ Maria trợ giúp, chị hứa sẽ xây dựng một Đền thờ dâng kính Đức Mẹ Sầu Bi nếu như lời cầu nguyện của chị được đáp lại. Ngay sau lời cầu nguyện này, chồng của Angelica đã quay trở lại và cầu xin sự tha thứ.

Angelica đã giữ lời hứa với Đức Trinh Nữ Maria và xây dựng ngay một Đền thờ với bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi, nơi đây trở thành địa điểm của những phép lạ chữa lành .

Ngôi Vương Cung Thánh Đường theo phong cách baroque hiện nay do các Tu sĩ Pauline xây dựng vào năm 1736 và đã được Đức Giám mục Địa phận Esztergom thánh hiến với sự hiện diện của Maria Theresia của Áo và phu quân, Francis I, Hoàng đế La Mã.

Năm 1786, Đền thờ và Tu viện của nhà thờ được tiếp quản bởi Hoàng đế Joseph II, người đã ban lệnh và trao quyền quản lý đền thờ cho các Linh mục Giáo phận.

Vào năm 1864, Đền thờ đã có được một sự hồi sinh ngoạn mục với  sự kiện kỷ niệm 300 năm thành lập.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube