Đức Phanxicô: ‘Tìm kiếm địa vị thay vì sự phục vụ là một căn bệnh tinh thần’

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong buổi cầu nguyện Angelus. (ảnh: Vatican Media / Vatican Media)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong giờ nguyện Kinh Truyền Tin (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hãy làm những điều tốt đẹp theo tinh thần phục vụ, chứ không phải vì ham muốn vinh quang cá nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô nói hôm Chúa nhật ngày 17 tháng 10.

Trong thông điệp của mình trước khi nguyện Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật ngày 17 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng có một não trạng trần tục vốn cám dỗ thậm chí ngay cả những người Công giáo “trải nghiệm mọi thứ, kể cả các mối quan hệ, để nuôi tham vọng của chúng ta, leo lên nấc thang của sự thành công, vươn tới những vị trí quan trọng”.

“Việc tìm kiếm uy danh cá nhân có thể trở thành một căn bệnh tinh thần, che giấu ngay cả những ý hướng tốt đẹp: ví dụ, khi đằng sau những điều tốt đẹp chúng ta làm và rao giảng, chúng ta thực sự chỉ hướng đến bản thân và sự khẳng định cá nhân”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ từ cửa sổ nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô.

Đây cũng là điều xảy ra trong Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha nói: “Đã bao lần, những người Kitô hữu chúng ta – những người lẽ ra phải trở nên những người phục vụ – cố gắng leo lên, để vượt lên phía trước”.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần liên tục đánh giá mục đích thực sự của trái tim mình, Đức Thánh Cha nói, và tự hỏi bản thân: “Tại sao tôi lại thực hiện công việc này, trách nhiệm này? Để mang lại sự phục vụ hay đúng hơn là để được công nhận, được tán dương và nhận được những lời khen ngợi?”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về mong muốn được công nhận khi suy niệm về bài đọc Tin Mừng trong ngày theo Thánh Mác-cô, trong đó hai môn đệ, Giacôbê và Gioan, hỏi Chúa Giêsu rằng liệu một ngày nào đó họ có thể được ngồi bên tả và bên hữu Ngài trong vinh quang.

“Chúa Giêsu kiên nhẫn cung cấp cho họ một Giáo huấn tuyệt vời: vinh quang đích thực không có được bằng cách vượt lên trên người khác, nhưng bằng cách trải qua cùng một phép rửa mà Ngài sẽ lãnh nhận chỉ không lâu sau đó tại Giê-ru-sa-lem, tức là Thập giá”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Với những lời này, “Chúa Giêsu chỉ ra sự tương phản giữa luận lý của thế gian này với lôgic của Ngài”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm: “thay vì đề cao bản thân hơn người khác, hãy rời khỏi bệ đỡ của anh chị em để phục vụ; thay vì vượt lên trên người khác, hãy hòa mình vào cuộc sống của người khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng chính nhờ phép Thanh tẩy của chúng ta, chúng ta được đắm mình trong Chúa Giêsu và được lãnh nhận ân sủng hướng dẫn chúng ta bước theo Đức Kitô để phục vụ người khác.

“Từ ‘baptism’ có nghĩa là ‘dìm xuống’: qua Cuộc Khổ nạn của mình, Chúa Giêsu đã dìm mình vào sự chết, hiến mạng sống để cứu độ chúng ta. Vì vậy, vinh quang của Người, vinh quang của Thiên Chúa, là tình yêu trở thành sự phục vụ, chứ không phải quyền lực hướng đến sự thống trị”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu thì khiêm hạ, nó không tự tôn mình lên cao, nhưng hạ mình xuống như mưa rơi xuống đất và mang lại sự sống”.

“Đó là một ân sủng, một ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần đã nhen nhóm trong chúng ta cần được nuôi dưỡng”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm. “Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đổi mới ân sủng của Bí tích Rửa tội trong chúng ta, việc hòa mình vào Chúa Giêsu, theo cách hiện hữu của Người, trở nên phục vụ nhiều hơn nữa, trở nên những người đầy tớ phục vụ”.

“Và chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria: Đức Mẹ – mặc dù Mẹ là người vĩ đại nhất – đã không tìm cách tôn mình lên, nhưng trở thành người Nữ tì khiêm hạ của Thiên Chúa, và hoàn toàn đắm mình trong sự phục vụ. Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu”, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận.

Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin bằng tiếng Latinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến của tổ chức từ thiện Công giáo mang tên ‘Viện trợ các Giáo hội Đau khổ’ (ACN): “Một triệu trẻ em Lần hạt Mân Côi”.

Chiến dịch Lần hạt Mân Côi trên toàn thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 18 tháng 10, Lễ Thánh Luca.

Hơn 100.000 trẻ em đến từ 44 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Kenya, Ấn Độ, Colombia và Philippines, đã đăng ký tham gia sáng kiến này, theo bản đồ trực tuyến do ACN công bố.

“Tôi khuyến khích chiến dịch cầu nguyện này vốn đã được trao phó cho sự chuyển cầu của Thánh Cả Giuse đặc biệt trong năm nay”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Cảm ơn tất cả các con thiếu nhi nam nữ đã tham gia chiến dịch cầu nguyện này”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thu hút sự chú ý đến việc tuyên phong Chân Phước cho Cha Juan Elías Medina và 126 vị Tử đạo, diễn ra tại Córdoba, Tây Ban Nha vào ngày 16 tháng 10.

Cha Medina và 126 vị Tử đạo – trong số đó có các Linh mục, Tu sĩ và giáo dân – đã bị giết hại vì sự căm thù đức tin trong cuộc đàn áp tôn giáo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1939.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện để lòng trung thành của họ sẽ “ban cho tất cả chúng ta, đặc biệt là các Kitô hữu bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, sức mạnh để can đảm làm chứng cho Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết ngài luôn gần gũi với gia đình các nạn nhân của các vụ tấn công bạo lực gần đây ở Na Uy, Afghanistan và Anh.

Một trong những nạn nhân là nhà lập pháp người Anh theo Công giáo và ủng hộ sự sống, nghị sĩ David Amess, người đã qua đời ngày 15 tháng 10 sau khi bị nhiều vết đâm tại một nhà thờ thuộc Giáo hội Giám lý ở đông nam nước Anh.

Ông Amess, 69 tuổi, là Nghị sĩ từ năm 1983 và là thành viên của đảng Bảo thủ. Khi vụ tấn công xảy ra, ông đang tổ chức một cuộc họp với các cử tri của mình tại Nhà thờ Giám lý Belfairs.

Một người đàn ông 25 tuổi đã bị bắt giữ vì liên quan đến vụ giết người và hiện đang bị giam giữ để thẩm vấn theo Đạo luật Khủng bố sau khi các cuộc điều tra ban đầu phát hiện ra mối liên hệ tiềm ẩn với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, BBC đưa tin vào ngày 17 tháng 10.

“Tôi cầu xin các bạn vui lòng từ bỏ con đường bạo lực vốn luôn là một nguyên nhân của sự thua thiệt và là sự thất bại của tất cả mọi người. Chúng ta hãy nhớ lại rằng bạo lực chỉ sinh ra bạo lực”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube