Các nhà lãnh đạo tôn giáo Pháp đoàn kết phản đối vấn đề “trợ tử”

Nhiều đại diện tôn giáo khác nhau ở Pháp đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hậu quả tiềm ẩn của việc hợp pháp hóa vấn đề “trợ tử”.

medical-appointment-doctor-healthcare-40568

Các đại diện tôn giáo của Pháp đã thống nhất phản đối dự luật chấm dứt cuộc đời do chính phủ đề xuất trong cuộc thảo luận bàn tròn với ủy ban đặc biệt của dự luật vào ngày 24 tháng 4. Nội dung của luật, vốn cho phép người lớn mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối hoặc các bệnh nan y khác được dùng thuốc gây chết người, sẽ được tranh luận tại quốc hội bắt đầu từ ngày 27 tháng 5.

Một mặt trận thống nhất

Hiện diện tại hội nghị bàn tròn có Đức Tổng Giám mục Vincent Jordy Địa phận Tours và Đức Tổng Giám mục Pierre d’Ornellas Địa phận Rennes, người đại diện cho Hội đồng Giám mục Pháp (CEF). Tham gia cùng họ có Christian Krieger, Chủ tịch Liên đoàn Tin lành Pháp (FPF), và Carol Saba, đại diện cho Hội đồng Giám mục Chính thống Giáo luật của Pháp. Sadek Beloucif, một chuyên gia học thuật và y tế, đại diện cho Nhà thờ Hồi giáo Paris, trong khi Antony Boussemart đại diện cho Liên minh Phật giáo Pháp với tư cách là Chủ tịch. Giáo sĩ trưởng của Pháp, Haïm Korsia, không thể tham dự sự kiện.

Theo lập luận của họ, đằng sau cụm từ “hỗ trợ tự tử” là khả năng của việc an tử và trợ tử. Đức Tổng Giám mục Jordy nói rằng dự luật này đi ngược lại “mô hình chăm sóc của Pháp” khi vi phạm lệnh cấm giết người nền tảng. Quan điểm này cũng đã được ông Saba nhấn mạnh, người nhấn mạnh đến “sự rạn nứt của nền văn minh” do dự luật gây ra. Theo ông, nó cho thấy “một sự buông trôi” hướng tới “một nền đạo đức không có sự siêu việt”.

“Khái niệm về ý định y tế là cần thiết, và việc hỗ trợ tích cực trước cái chết cũng tương đương với việc đưa tới cái chết”, ông Beloucif cho biết thêm, đồng thời kêu gọi ủy ban đặc biệt phân biệt giữa việc “để người ta chết và đưa họ tới cái chết”.

Nhiều điều mơ hồ

Với dự luật bao gồm các cụm từ như “sự đau khổ không thể chịu đựng được”, “sự suy giảm nghiêm trọng khả năng phân biệt” và yêu cầu tiên lượng của bệnh nhân là “ngắn hạn hoặc trung hạn”, đại diện của các nhóm tôn giáo đều nhấn mạnh sự mơ hồ của một số từ ngữ có trong dự luật. Những cách diễn đạt này bao gồm các tiêu chí của luật, cũng như cụm từ “hỗ trợ tự tử”, thường được chính phủ sử dụng. Tất cả đều kêu gọi triển khai việc chăm sóc giảm nhẹ và nhấn mạnh khuôn khổ do luật hiện hành quy định đã đầy đủ nhưng cần phải được thực hiện đầy đủ.

Ông Beloucif mô tả luật sắp tới là “không phù hợp”. Đức Tổng Giám mục d’Ornellas kêu gọi các đại diện chính phủ theo đuổi “sự khôn ngoan thực tế” thay vì tìm cách giải quyết mọi tình huống thông qua luật pháp. “Không có luật nào có thể giải quyết được rất nhiều tình huống khác nhau”, ông Christian Krieger nói thêm.

Các Giám mục Công giáo cũng chỉ ra nguy cơ mở rộng có thể thấy trước các điều kiện để tiếp cận việc “hỗ trợ tự tử”.

Những hậu quả xã hội tai hại

Các đại diện tôn giáo nhất trí ghi nhận những hậu quả xã hội bất lợi mà dự luật hiện hành có thể gây ra. Đức Tổng Giám mục Jordy, trích dẫn các ví dụ từ các quốc gia khác như Canada, đã cảnh báo về động cơ kinh tế đằng sau một dự luật như vậy, từ góc độ vị lợi: “họ sẽ loại bỏ những người dễ bị tổn thương”, vị Giám chức dự đoán. Ông Beloucif đã nhấn mạnh “mối nguy hiểm có thể xảy ra trong sự gắn kết quốc gia” và ông Antony Boussemart cũng đã bày tỏ sự lo ngại về “sự suy yếu của mối tương quan trong gia đình và cộng đồng bằng cách khuyến khích một tầm nhìn cá nhân về sự kết thúc của cuộc đời”.

Trong thời gian thẩm vấn, nghị sĩ Caroline Fiat đã bày tỏ rằng “không phải bà không đồng ý, mà là bà không hiểu về những xác quyết về tôn giáo này”. Tuyên bố của bà tóm tắt những khó khăn mà các đại diện tôn giáo gặp phải trong việc truyền đạt quan điểm của họ tới các nghị sĩ.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube