Đức Phanxicô: “Tại sao lại phải giơ cả má bên kia? Để đánh bại sự hận thù và sự ác”

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ nguyện Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ nguyện Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Việc yêu kẻ thù và giơ cả má bên kia dường như là điều không thể, nhưng tình yêu của Chúa Giêsu mang lại cho các Kitô hữu sức mạnh vốn có thể cứu vớt cả những người thù ghét họ, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm Chúa nhật ngày 20 tháng 2.

“Việc giơ cả má bên kia không phải là hành động rút lui của kẻ thua cuộc, mà là hành động của những người có sức mạnh nội tâm lớn hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ với đám đông quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự giờ nguyện Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật ngày 20 tháng 2. “Việc giơ cả má bên kia là để chiến thắng sự ác với sự thiện, vốn mở ra một lỗ hổng trong trái tim của kẻ thù, vạch trần sự phi lý nơi lòng căm thù của anh ta. Và thái độ này, giơ cả má bên kia, không phải do tính toán hay thù hận sai khiến mà bởi tình yêu thương”.

“Anh chị em thân mến, chính tình yêu nhưng không và vô bờ bến mà chúng ta lãnh nhận từ Chúa Giêsu đã tạo ra trong trái tim một cách thức hành động tương tự như Ngài, từ chối mọi sự trả thù”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về Bài đọc Tin Mừng Chúa nhật từ chương 6 của Phúc âm Lu-ca.

Trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong”.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng điều này có thể khó khăn.

“Khi chúng ta nghe điều này, có vẻ như Chúa Giêsu đòi hỏi những điều không thể”, Đức Thánh Cha nói. “Hơn nữa, tại sao lại phải yêu kẻ thù? Nếu bạn không phản ứng lại những kẻ bắt nạt, mọi hành vi ngược đãi đều được bật đèn xanh”.

Đó có thể là một trong những “tình huống khó khăn nhất” khi chúng ta bị đặt trước kẻ thù của mình và những kẻ “luôn cố gắng làm tổn hại chúng ta”.

Nhưng ở đây, người môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi “đừng nhượng bộ bản năng và thù hận, nhưng hãy đi xa hơn. Hãy vượt ra khỏi bản năng, vượt ra khỏi sự hận thù”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu xem xét “cảm giác về sự bất công” của họ khi giơ cả má bên kia, và so sánh cảm giác này với thái độ của Chúa Giêsu trong phiên tòa bất công trước vị Thượng tế trong Cuộc Khổ nạn, như được kể lại trong Phúc Âm Gioan.

Khi bị một tên lính vả vào mặt, Chúa Giêsu không lăng mạ tên lính đó mà đáp lại: “Nếu tôi nói gì sai, hãy cho biết tôi sai chỗ nào; còn nếu tôi nói đúng, sao anh đánh tôi?”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng việc giơ cả má má bên kia không có nghĩa là “chịu đựng trong im lặng” hay “nhượng bộ trước sự bất công”.

“Với câu hỏi của mình, Chúa Giêsu tố cáo những điều bất công. Nhưng Chúa Giêsu làm điều đó mà không tức giận, không bạo lực, thực sự với lòng hiền từ. Ngài không muốn gây ra một cuộc tranh cãi, nhưng xoa dịu sự phẫn uất, điều này rất quan trọng: cùng nhau dập tắt sự hận thù và bất công, cố gắng giải cứu người anh em tội lỗi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Điều này quả không hề dễ dàng chút nào, nhưng Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó và Ngài dạy chúng ta cũng làm như vậy”, Đức Thánh Cha nói. “Đây chính là hành động giơ cả má bên kia: sự hiền từ của Chúa Giêsu là một phản ứng mạnh mẽ hơn so với cú tát mà Ngài đã nhận”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại việc để cho sự thù hằn hiện hữu trong tâm hồn chúng ta, điều gây ra sự tổn thương và hủy hoại. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng một số người đặt câu hỏi liệu một người có thể yêu kẻ thù của mình hay không.

“Nếu điều đó chỉ phụ thuộc vào chúng ta, thì quả rằng điều đó là không thể”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Nhưng chúng ta hãy nhớ lại rằng, khi Chúa Giêsu yêu cầu một điều gì đó, Ngài sẽ ban cho điều đó. Khi Chúa Giêsu bảo tôi yêu kẻ thù của mình, Ngài muốn ban cho tôi khả năng để làm như vậy”.

“Chúng ta nên xin Ngài điều gì? Thiên Chúa lấy làm vui khi ban cho chúng ta điều gì?”, Đức Thánh Cha hỏi. “Sức mạnh để yêu thương, không phải là một điều gì khác, mà là Chúa Thánh Thần, và với Thần Khí của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đáp trả điều ác bằng điều thiện. Chúng ta có thể yêu những kẻ làm tổn hại chúng ta. Đây là những gì người Kitô hữu nên làm. Thật đáng buồn biết bao, khi những người tự hào là người Kitô hữu lại coi người khác là kẻ thù và nghĩ cách gây chiến với nhau!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các Kitô hữu nghĩ đến những kẻ đã làm hại họ.

“Có thể có một số sự oán giận trong chúng ta”, Đức Thánh Cha nói. “Vì vậy, bên cạnh sự hiềm thù này, chúng ta hãy đặt hình ảnh của Chúa Giêsu, hiền từ, trong phiên tòa xét xử, sau cú tát. Và sau đó chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn chúng ta. Cuối cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho người đó: cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương chúng ta”.

“Khi họ làm điều gì đó tồi tệ với chúng ta, chúng ta ngay lập tức đi kể với những người khác và chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân. Chúng ta hãy dừng lại, và cầu nguyện cùng với Thiên Chúa cho người đó, giúp anh ta, và vì vậy cảm giác phẫn uất này sẽ tan biến”, Đức Thánh Cha tiếp tục. “Việc cầu nguyện cho những người đã đối xử tệ bạc với chúng ta là điều trước hết chuyển hóa điều ác thành điều tốt lành”.

“Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những người nỗ lực dấn thân cho hòa bình đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người thù địch với chúng ta và không thích chúng ta”, Đức Thánh Cha cầu nguyện.

Trong lời phát biểu sau giờ nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi đặc biệt của ngài đối với những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập đến người dân Madagascar bị ảnh hưởng bởi hàng loạt những cơn lốc xoáy. Các trận bão đã khiến hàng nghìn người phải di dời và khiến hơn 100 người thiệt mạng trong tháng này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện cho Tổng thống Andry Rajoelina của Madagascar vào ngày 19 tháng 2, khi hòn đảo ở Ấn Độ Dương đang chuẩn bị đón một cơn bão tiềm tàng khác.

Đức Thánh Cha cũng nói về những người bị ảnh hưởng bởi các vụ sạt lở đất và lũ lụt ở thành phố Petropolis của Brazil. Những thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 146 người và khiến gần 200 người mất tích, BBC News đưa tin.

“Nguyện xin Thiên Chúa đón nhận những người đã qua đời vào hưởng sự bình an của Người, an ủi các thành viên trong gia đình và nâng đỡ những người cần được trợ giúp”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đề cập Ngày quốc gia về Nhân viên y tế của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng nhớ đến các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và các tình nguyện viên luôn gần gũi với các bệnh nhân, chữa trị cho họ và cố gắng giúp đỡ họ.

“Không ai tự cứu mình. Và trong cơn đau bệnh, chúng ta cần ai đó cứu chúng ta, giúp đỡ chúng ta”, Đức Thánh Cha nói. Ngài ca ngợi các nhân viên y tế “anh hùng”, những người đã thể hiện cử chỉ anh hùng của họ trong đại dịch Covid-19, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng những hành động anh hùng của họ “vẫn còn tồn tại mỗi ngày”.

“Xin gửi đến các bác sĩ, y tá và các tình nguyện viên của chúng ta một tràng pháo tay và lời cảm ơn chân thành!”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng các đoàn và các nhóm khách hành hương khác nhau, đồng thời xin những người tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô hãy nhớ cầu nguyện cho ngài.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube