Đức Phanxicô sẽ công bố Laudato Sì thứ II chống lại ‘chiến tranh thế giới tại ngôi nhà chung của chúng ta’

PapaUdienza30

Vào ngày 4 tháng 10, nhân dịp Lễ Thánh Phanxicô Assisi và ngày khai mạc Thượng Hội đồng về Hiệp hành tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố Tông Huấn về việc chăm sóc công trình sáng tạo, “Laudato Sì thứ hai”.

Ngày công bố tài liệu – mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập cách đây vài ngày trong buổi tiếp kiến với phái đoàn luật sư từ các quốc gia thành viên của Hội đồng Châu Âu – đã được chính Đức Thánh Cha công bố vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 30 tháng 8 được tổ chức tại Đại thính đường Phaolô VI.

“Ngày kia, ngày 1 tháng 9, ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình sáng tạo sẽ được cử hành – Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết – khai mạc Mùa Sáng tạo vốn sẽ kéo dài đến ngày 4 tháng 10, Lễ Thánh Phanxicô Assisi. Vào ngày đó, tôi dự kiến sẽ xuất bản một Tông Huấn, Laudato Si’ thứ hai (Thông điệp về việc “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”, được phát hành vào ngày 18 tháng 6 năm 2015)”.

“Chúng ta hãy hưởng ứng cùng với các anh chị em Kitô giáo của chúng ta – Đức Thánh Cha cho biết thêm – trong cam kết bảo vệ công trình sáng tạo như một món quà thiêng liêng của Đấng tạo hóa. Cần phải sát cánh cùng các nạn nhân của những bất công về môi trường và khí hậu trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa trên ngôi nhà chung của chúng ta, một cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy nỗ lực làm việc và cầu nguyện để nó tràn đầy sức sống trở lại”.

Trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục bài chia sẻ Giáo lý của mình về một số chứng nhân vĩ đại về lòng nhiệt thành tông đồ trong công việc truyền giáo, tập trung vào nhân vật Kateri Tekakwitha, vị Thánh bản địa đầu tiên ở Bắc Mỹ. Thánh nhân sinh vào khoảng năm 1656 tại một ngôi làng ở ngoại ô New York. Ngài là con gái của một thủ lĩnh Mohawk chưa được rửa tội và một bà mẹ Kitô giáo người Algonquian, người đã dạy Kateri cầu nguyện.

“Việc truyền giáo thường bắt đầu bằng những cử chỉ đơn giản, nhỏ bé, chẳng hạn như cha mẹ giúp con cái họ học cách nói chuyện với Chúa trong lời cầu nguyện và nói với chúng về tình yêu cao cả và nhân hậu của Người”, Đức Thánh Cha nhận xét. Và nền tảng đức tin đối với Kateri, và thường đối với cả chúng ta nữa, đã được xây dựng theo cách thức này. Kateri đã nhận được nền tảng đó từ mẹ của mình bằng phương ngữ, phương ngữ của đức tin”.

Về vị Thánh của người bản xứ, Đức Thánh Cha nhắc lại nhiều khó khăn mà Thánh Kateri Tekakwitha phải đối mặt: bệnh đậu mùa để lại dấu vết trên thân thể, sự thù địch và bách hại công khai sau khi Thánh nhân được rửa tội.

“Tất cả những điều này – Đức Thánh Cha nhận xét – đã mang lại cho Kateri một tình yêu lớn lao đối với thập giá, dấu chỉ dứt khoát về tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình cho đến cùng vì chúng ta. Thật vậy, chứng tá của Tin Mừng không chỉ liên quan đến những điều thoải mái dễ chịu; chúng ta cũng phải biết vác thập giá hàng ngày của mình với lòng kiên nhẫn, tin tưởng và hy vọng. Kiên nhẫn trước những khó khăn, trước thập giá: kiên nhẫn là một nhân đức Kitô giáo cao cả. Ai không có kiên nhẫn thì không phải là một người Kitô hữu lành thánh”.

Bị buộc phải ẩn náu giữa những người Mohawk trong cơ sở truyền giáo Dòng Tên gần thành phố Montréal, Kateri đã gây ấn tượng với mọi người bằng đời sống cầu nguyện của mình, được sinh động hóa bởi tình yêu sâu sắc dành cho Thiên Chúa và bằng tấm gương phục vụ trong việc chăm sóc trẻ em, người đau yếu bệnh tật và người cao niên. Mặc dù được khuyến khích kết hôn nhưng Kateri lại muốn dâng hiến cuộc đời mình trọn vẹn cho Chúa Kitô. Không thể bước vào đời sống thánh hiến, ngài đã khấn trọn đời đồng trinh vào ngày 25 tháng 3 năm 1679.

“Sự lựa chọn này của Kateri – Đức Thánh Cha chia sẻ thêm – cho thấy một khía cạnh khác của lòng nhiệt thành tông đồ: sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Tất nhiên, không phải ai cũng được mời gọi tuyên khấn giống như Kateri; tuy nhiên – Đức Thánh Cha kết luận – mọi Kitô hữu đều được mời gọi mỗi ngày dấn thân với trọn tâm hồn cho ơn gọi và sứ mạng được Thiên Chúa trao phó, phụng sự Ngài và anh chị em lân cận trong tinh thần bác ái”.

Cuối cùng, trong lời chào mừng các nhóm hiện diện, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa mời gọi các tín hữu cùng đồng hành với ngài trong lời cầu nguyện trong chuyến Tông du đến Mông Cổ, bắt đầu vào ngày 31 tháng 8. Và Đức Thánh Cha cũng đã nhắc lại lời mời gọi gần gũi và cầu nguyện “cho Ukraine thân yêu và đang chịu dày vò, hết sức khốn khổ”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết