Đức Hồng y Turkson: ‘Các Phong trào quần chúng được mời gọi trở thành những nhân vật chính của sự thay đổi’

Một cuộc họp của các phong trào phổ biến ở Santa Cruz de la Sierra, Bolivia. (Lidyane Ponciano)

Một cuộc họp của các phong trào quần chúng tại Santa Cruz de la Sierra, Bolivia (Ảnh: Lidyane Ponciano)

Đức Hồng y Turkson kêu gọi chống lại văn hóa của sự thờ ơ, đặc biệt là trong thời đại đại dịch.

Sự thay đổi xuất phát từ một cuộc sống hài hòa với công trình sáng tạo, dưới dấu hiệu của hệ sinh thái toàn vẹn, tôn trọng quyền của người dân bản địa trong khi theo đuổi công ích. Đây là điều mà Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, đã chỉ ra tại Hội nghị Thế giới lần thứ 4 của các Phong trào quần chúng được tổ chức trực tuyến vào chiều hôm thứ Sáu.

Đây là hội nghị truyền hình đầu tiên gồm 2 phần trao đổi về hoạt động và cuộc đấu tranh của các phong trào quần chúng trong đại dịch. Phần cuối cùng của hội nghị sẽ diễn ra vào tháng 9.

Hội nghị truyền hình hôm thứ Sáu đã quy tụ các phong trào quần chúng và các đại biểu của họ đến từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về tác động của Covid-19 đối với những người lao động nghèo nhất và bị gạt ra bên lề nhất cũng như những tình huống tiến thoái lưỡng nan mà nhân loại ngày nay hiện đang phải đối mặt.

Trong số các vấn đề được thảo luận có ba chữ ‘t’ trong tiếng Tây Ban Nha là viết tắt của “tierra, trabajo y techo”, hoặc 3 quyền cơ bản là “đất đai, công việc và mái nhà (nhà ở)”, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các phong trào quần chúng đấu tranh. Các cuộc thảo luận bắt đầu với việc phản ánh tác động của virus đối với những người lao động thấp kém nhất và bị gạt ra bên lề nhất.

Các phong trào quần chúng đại diện cho những người như những người thu gom rác, những người làm công việc tái chế, những người bán hàng rong, các nhà thiết kế thời trang, các nghệ nhân, ngư dân, nông dân, công nhân xây dựng, thợ mỏ, công nhân của các công ty trục vớt, tất cả các hình thức hợp tác xã, công nhân thuộc các lĩnh vực bình dân, các công nhân Kitô giáo thuộc các lĩnh vực khác nhau, những người lao động từ các khu phố và làng quê … những người thực hành văn hóa của sự gặp gỡ và cùng đồng hành với nhau.

Thay đổi tâm hồn

Mục đích của hội nghị đó là mang lại “tiếng nói và tầm nhìn” cho những mối bận tâm của những người cảm thấy bị gạt ra bên lề và những người thay vào đó cần phải thấy quyền của họ được đảm bảo, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong ba Hội nghị Thế giới của các Phong trào quần chúng trước vào các năm 2014, 2015 và 2016.

Đại diện của các phong trào quần chúng phát biểu tại hội nghị trực tuyến đến từ các quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Philippines, Ấn Độ, Argentina, Brazil và Gambia. Đức Hồng Y Turkson thúc giục họ và tất cả mọi người hãy “thay đổi tâm hồn” và hành động, xuất phát từ việc gặp gỡ nỗi đau của những người mong manh và bị gạt ra bên lề, những người phải chịu sự bất công.

Đức Hồng Y Turkson kêu gọi cam kết và hành động khẩn cấp để “đặt nền kinh tế phục vụ con người” ngõ hầu làm cho nó trở nên “công bằng”. “Người nghèo”, Đức Hồng Y Turkson nói,” không chỉ chịu đựng sự bất công mà còn phải đấu tranh chống lại sự bất công. “Các phong trào quần chúng không chỉ đại diện cho những người chịu đựng sự bất công, Đức Hồng Y Turkson nói, họ còn tìm cách thiết lập cho mình một trật tự xã hội và kinh tế công bằng.

Tinh thần liên đới và hòa bình

Đức Hồng Y Turkson chỉ ra rằng không thể đối mặt với những thách thức một cách đơn độc. tinh thần liên đới giữa các nạn nhân của sự bất công kinh tế và xã hội là nền tảng của một nền văn hóa đại chúng, vốn thúc đẩy sự hội nhập, bình đẳng, công bằng và hòa bình. Đức Hồng Y Turkson lưu ý rằng các phong trào quần chúng đang làm nên lịch sử bằng cách thực hiện một cuộc đấu tranh chống lại các nguyên nhân cơ cấu của sự nghèo đói và bất công, với lòng dũng cảm, trí thông minh và sự kiên trì chứ không phải với sự cuồng tín và bạo lực, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra.

Chống lại sự thờ ơ

Đức Hồng Y Turkson cho biết rằng cuộc đấu tranh chống lại sự bất công này phải được thực hiện với việc tôn trọng sự đa dạng, như đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô. Do đó, chính trị cần được phục hồi sức sống, “vượt ra ngoài các hình thức hỗ trợ mang tính thống trị theo kiểu gia trưởng và truyền sinh khí cho các cấu trúc địa phương, quốc gia và quốc tế vốn cho phép các thành viên của các phong trào quần chúng trở thành những nhân vật chính thực sự vì lợi ích của mọi người”.

Do đó, các Phong trào quần chúng thúc đẩy sự thay đổi nhằm bảo vệ và tạo công ăn việc làm phù hợp thông qua sự hòa nhập và đồng thời thúc đẩy một cộng đồng và nền kinh tế xã hội bảo vệ cuộc sống của các cộng đồng mà trong đó tinh thần liên đới chiếm ưu thế hơn lợi nhuận. “Chúng ta đấu tranh chống lại văn hóa của sự thờ ơ” và “khi chúng ta theo đuổi phẩm giá của chính mình, chúng ta cũng bảo vệ phẩm giá của người khác”, Đức Hồng y Turkson cho biết thêm.

Các phong trào quần chúng là gì?

Hội nghị Thế giới của các Phong trào quần chúng là một sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô, người muốn tạo ra một “cuộc gặp gỡ” giữa giới lãnh đạo Giáo hội và các tổ chức cấp cơ sở nhằm giải quyết “nền kinh tế của sự loại trừ và bất bình đẳng” bằng cách nỗ lực phấn đấu hướng tới những thay đổi về cơ cấu thúc đẩy sự công bằng xã hội, kinh tế và chủng tộc.

Các phong trào quần chúng là các tổ chức cấp cơ sở và các phong trào xã hội được thành lập trên khắp thế giới bởi những người có quyền bất khả xâm phạm về công việc tử tế, nhà ở phù hợp với phẩm giá, đất đai màu mỡ và lương thực bị hủy hoại, bị đe dọa hoặc bị từ chối hoàn toàn. Những phong trào này chủ yếu đại diện cho ba thành phần xã hội ngày càng bị loại trừ. Họ là những người lao động gặp rủi ro hoặc không được đảm bảo việc làm; những người nông dân không có đất đai, các chủ trang trại gia đình, những người bản địa và những người có nguy cơ bị các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp lớn và bạo lực trục xuất khỏi đất đai của họ; và những người bị gạt ra ngoài lề và bị lãng quên, bao gồm những người vô gia cư và những người sống trong các cộng đồng không có cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Hội nghị Thế giới của các Phong trào quần chúng (WMPM) được thiết kế để quy tụ các cộng đồng này lại với các nhà lãnh đạo đức tin từ khắp nơi trên thế giới.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube