Đức Hồng y Tagle bảo vệ thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Vị Hồng y người Philippines cho biết rằng Tòa Thánh đã ký thỏa thuận ‘để bảo vệ quyền kế vị Tông đồ hợp lệ và bản chất Bí tích của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc’.

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle đã bảo vệ quyết định của Vatican trong việc gia hạn thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục.

Vị Hồng y người Philippines, được coi là ứng cử viên để trở thành vị Giáo hoàng người châu Á đầu tiên của Giáo hội Công giáo, cho biết rằng Tòa Thánh đã ký thỏa thuận “để bảo vệ quyền kế vị Tông đồ hợp lệ và bản chất Bí tích của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc”.

“Và điều này có thể trấn an, an ủi và làm sống động các tin hữu Công giáo đã được rửa tội ở Trung Quốc”, Đức Hồng y Tagle nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 22 tháng 10 trên các kênh truyền thông chính thức của Vatican.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn về phản ứng của cá nhân ngài trước những người chỉ trích thỏa thuận, những người nói rằng các thỏa thuận của Tòa Thánh với Bắc Kinh đã dẫn đến sự im lặng của Vatican đối với những đau khổ và những vấn đề của các tín hữu Công giáo Trung Quốc, Đức Hồng y Tagle nói:

“Trong cuộc đối thoại, Tòa Thánh có phong cách giao tiếp tôn trọng riêng với các đại diện của chính phủ Trung Quốc, nhưng không bao giờ phớt lờ và thực sự luôn luôn làm hiện hữu những hoàn cảnh đau khổ của các cộng đồng Công giáo, vốn đôi khi nảy sinh từ những áp lực và sự can thiệp không phù hợp”.

Vatican thông báo rằng họ đã gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc thêm 2 năm vào cùng ngày cuối tuần mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba của mình với tư cách là người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã xác nhận việc thay đổi hiến pháp loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho phép ông Tập có khả năng cầm quyền suốt đời vào năm 2018, 6 tháng trước khi Tòa Thánh lần đầu tiên ký thỏa thuận với Bắc Kinh.

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, việc tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo đã trở nên tồi tệ. Ông Tập đã bị quốc tế lên án vì cuộc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, và các quan chức nhà nước ở các vùng khác nhau của Trung Quốc đã dỡ bỏ Thánh giá và phá hủy các tòa nhà nhà thờ.

Đức Hồng y Tagle, người được triệu tập đến Rôma vào năm 2019 để đứng đầu Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, cho biết rằng kênh mở để đối thoại với các cơ quan chính phủ Trung Quốc tự nó đã rất tốt đẹp.

“Việc lắng nghe những lập luận và phản đối đối với chính phủ cũng khiến chúng ta phải tính đến bối cảnh và ‘tư duy’ của các bên tham gia đối thoại. Chúng ta nhận ra rằng những thứ hoàn toàn rõ ràng và gần như hiển nhiên đối với chúng ta có thể là điều mới mẻ và chưa được biết đến đối với họ”, Đức Hồng y Tagle nói.

Đức Hồng y Tagle đã trích dẫn di sản Trung Quốc của mình, ngài chia sẻ rằng ký ức về ông ngoại của mình, người mà ngài mô tả là “một người Công giáo Trung Quốc giáo điều” đã giúp ngài “xem xét điều gì có thể hữu ích hơn trong việc đối thoại với chính phủ Trung Quốc”.

“Giờ đây, khi tôi xem xét cuộc đối thoại với chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Giáo hội, tôi nghĩ rằng đôi khi tốt hơn nên tìm kiếm những lập luận đơn giản và trực tiếp, đáp ứng cách tiếp cận cụ thể và thực dụng của các bên tham gia đối thoại của chúng ta”, Đức Hồng y Tagle nói.

Thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2018 và được gia hạn thêm 2 năm vào tháng 10 năm 2020. Các điều khoản của thỏa thuận hiện vẫn chưa được công khai.

Vatican đã công khai việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc 5 ngày trước khi Đức Hồng y Joseph Zen, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, dự kiến một lần nữa sẽ phải ra hầu tòa. Đức Hồng y Zen bị bắt giữ vào tháng 5 cùng với các nhà hoạt động dân chủ khác theo luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt của Hồng Kông và là một trong những người chỉ trích thẳng thắn nhất đối với thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Tagle nói rằng Vatican nhận thức được những phản ứng tiêu cực đối với thỏa thuận giữa một số tín hữu Công giáo Trung Quốc và coi đó là “một phần của quá trình”.

“Tòa Thánh không phớt lờ và thậm chí không đánh giá thấp sự khác biệt về phản ứng giữa những người Công giáo Trung Quốc khi đối mặt với thỏa thuận, nơi niềm vui của nhiều người đan xen với sự bối rối lo lắng của những người khác. Đó là một phần của quá trình”, Đức Hồng y Tagle nói.

“Nhưng người ta luôn phải ‘vấy bẩn’ đôi tay của mình với thực tế của mọi thứ như chúng vốn có. Nhiều dấu hiệu chứng minh rằng nhiều tín hữu Công giáo Trung Quốc đã nắm bắt được nguồn cảm hứng mà Tòa Thánh đang theo đuổi trong tiến trình đang diễn ra. Họ biết ơn và được an ủi vì một tiến trình khẳng định trước tất cả mọi người sự hiệp thông trọn vẹn của họ với Đức Giáo hoàng và Giáo hội hoàn vũ”.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube