Đức Hồng y Sako: Đức Phanxicô và Đại Giáo sĩ al-Sistani là mảnh đất màu mỡ cho công cuộc hòa giải tại một đất nước Iraq bị chia rẽ

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite, Đại Ayatollah Ali al-Sistani, tại Najaf, Iraq vào ngày 6 tháng 3 năm 2021 (Ảnh: AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite, Đại Ayatollah Ali al-Sistani, tại Najaf, Iraq vào ngày 6 tháng 3 năm 2021 (Ảnh: AP)

Baghdad (AsiaNews) – Tình hình nguy cấp mới nhất theo thứ tự thời gian đó là vấn đề “năng lượng, với tình trạng mất điện liên tục và kéo dài đã ảnh hưởng đến Baghdad và các thành phố khác trong nước trong nhiều ngày. Có những nhóm du kích tấn công các trạm phát điện, nhưng hiện vẫn chưa biết họ xuất phát từ đâu hoặc ai dàn dựng họ làm như vậy”. Một đất nước Iraq của ánh sáng và bóng tối là điều mà Đức Thượng phụ Chaldean, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, phát biểu với AsiaNews.Đức Hồng y Louis Raphael Sako, nơi cuộc đối thoại liên tôn tiếp tục, được củng cố bởi chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 3 và chuyến viếng thăm của Thủ tướng Mustafa Al-Kadhimi tới Vatican vào ngày 2 tháng 7. Những bước tiến này không đủ để làm dịu căng thẳng khi chúng ta đang chờ đợi những hậu quả từ chiến thắng của ông Ebrahim Raisi thuộc đảng bảo thủ cực đoan trong cuộc bầu cử tổng thống Iran.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi vào ngày 2 tháng 7 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Tình trạng thiếu điện là một vấn đề nghiêm trọng, Đức Hồng y Sako giải thích, bởi vì nhiệt độ rất cao, từ 43 đến 45 độ với đỉnh điểm là 50 độ ở một số thành phố, và mọi thứ đều đi vào bế tắc. Không có điện sinh hoạt, thậm chí không có nước uống, ngay cả tủ lạnh hay một chiếc quạt đơn giản cũng không hoạt động. Sự sụp đổ nguồn cung cấp điện có liên quan đến các cuộc tấn công của lực lượng dân quân vào các nhà máy điện, dẫn đến việc “thúc đẩy sự lo lắng, bất an và bất ổn cho tương lai. Cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 10 vẫn là một dấu hỏi. Cho đến khi có một tầm nhìn, một chân trời chung, và căng thẳng giữa Washington và Tehran được xoa dịu, tương lai của Iraq cũng sẽ bị đe dọa”.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đã phần nào xoa dịu nỗi thống khổ của một bộ phận dân số đang phải vật lộn với vô số vấn đề, vốn cũng xuất hiện trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Iraq tại Vatican vào tuần trước. “Đây là những cơ hội – Đức Hồng y Sako bình luận – cho hòa bình và sự hòa giải. Người đứng đầu chính phủ thể hiện sự thiện chí, ông ấy mong muốn một nhà nước hùng mạnh, nơi luật pháp và pháp quyền được thực thi, nhưng cần nhiều hơn thế nữa. Các cuộc đụng độ giữa các dân quân tạo ra sự căng thẳng nghiêm trọng, các đảng phái chính trị mỗi người đều hành động vì lợi ích của mình và không thể hiện chiến lược phục vụ đất nước. Điều duy nhất họ tâm niệm là quyền lực và tiền bạc, trong tình hình này, tình trạng tham nhũng vẫn ở mức cao”.

IRAQ_-_VATICANO_-_Sako_intervista2

Đức Thượng phụ Chaldean tin rằng cần phải nhấn mạnh vào các chủ đề đối thoại và sự đối đầu giữa các phe phái khác nhau vốn hình thành nên quốc gia và “không phải tất cả họ đều mong muốn điều tốt đẹp cho Iraq”, trong khi các công dân “đánh mất sự tin tưởng vào một giai cấp thống trị càng ngày càng kém tin cậy”. Cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Giáo sĩ Ayatollah al-Sistani được chứng minh là “hết sức quan trọng, nhưng cần có thời gian. Các cuộc gặp gỡ được tổ chức trong những tháng gần đây với các nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite và Sunni, với các nhà lãnh đạo tôn giáo đã đến thăm Tòa Thượng Phụ để tiếp tục tiến trình, rất hữu ích cho việc này”. Yếu tố đầu tiên “có thể là du lịch tôn giáo, với các cuộc hành hương đến Ur của người Chaldees, quê hương của Tổ phụ Abraham, vị cha chung của chúng ta, và một trung tâm dành cho việc tĩnh tâm, đối thoại và cuộc sống” vốn hiệp nhất các Kitô hữu, các tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo.

Ngay cả đối với các Kitô hữu, kể từ cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003 cho đến ngày nay, “không có sáng kiến cụ thể nào giúp họ duy trì sự hiện diện của mình. Tôi đã hỏi chính quyền có kế hoạch gì cho những địa điểm thờ tự, các trường học và nhà cửa ở Mosul và Nineveh Plain” , bị phá hủy bởi chiến tranh và bạo lực giáo phái, thế nhưng, không một lời hồi đáp. Chỉ có Giáo hội mới bắt đầu công việc trùng tu và tái thiết mọi thứ, Đức Hồng y Sako giải thích, với sự giúp đỡ của các Hội đồng Giám mục, các cơ quan từ thiện quốc tế và các Giáo phận của chúng tôi ở hải ngoại. Sự trở lại của các Kitô hữu đòi hỏi phải có ý tưởng, quan điểm, và trên hết là phẩm giá.

Để điều này xảy ra, sự căng thẳng quốc tế phải được giải quyết và sự kìm hãm của quốc gia láng giềng Iran và các lực lượng dân quân thân Shia đang hoạt động trong khu vực, vốn đang ngày càng hoạt động mạnh mẽ ở phía bắc, tại Đồng bằng Nineveh vốn từng là thành trì của Kitô giáo, phải được giảm bớt. “Tình trạng bạo lực”, Đức Thượng phụ Chaldean khẳng định, “làm tổn thương cả hai quốc gia. Tôi hy vọng về một sự thay đổi tích cực, đặc biệt là sự tôn trọng lớn hơn đối với chủ quyền của cả Iraq và Iran. Tôi hy vọng rằng hợp tác sẽ được tăng cường, bắt đầu từ thương mại và du lịch tôn giáo, nhưng còn nhiều lĩnh vực cần phải được cải thiện”.

Chắc chắn là có một tầm nhìn lớn hơn được đảm bảo bởi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, bởi vì thậm chí ngay cả ngày nay “có những chương trình truyền hình nói về điều đó và các áp phích có thể được nhìn thấy trên các ngả đường phố với hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Giáo sĩ al-Sistani, hoặc những lời của Đức Thánh Cha ca ngợi tình huynh đệ”.

Đức Hồng y Sako chia sẻ với suy nghĩ cuối cùng của mình về vị Giáo hoàngngười  Argentina, người đang dưỡng bệnh sau ca phẫu thuật đại tràng: “Trong các Thánh lễ”, Đức Hồng y Sako kết luận, “tất cả chúng ta đều cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Thánh Cha, bởi vì thế giới cần tinh thần tiên tri, sự cởi mở và giản dị của ngài. Tiếng nói của Đức Thánh Cha luôn vang lên từ bất cứ nơi nào cần được giúp đỡ, từ Lebanon đến Palestine, từ Syria đến Myanmar”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube