Đức Hồng y Parolin: ‘Chuyến viếng thăm Bahrain của ĐTC Phanxicô là một dấu chỉ của sự thống nhất, đối thoại trong một thời điểm bi thảm của lịch sử’

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Khi Bahrain chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 3-6 tháng 11, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã trả lời phỏng vấn của Vatican Media và bày tỏ lòng biết ơn tới Quốc vương Bahrain, Ḥamad bin ʿĪsā Āl Khalīfa, và Giáo hội địa phương về lời mời.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có mặt tại Bahrain từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 11. Đức Thánh Cha sẽ đến thăm các thành phố Manama và Awali, nơi ngài sẽ tham gia “Diễn đàn Đối thoại Bahrain: Đông và Tây vì Sự chung sống của con người”. Các sự kiện chính bao gồm Thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Bahrain và cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ tại Trường Thánh Tâm.

Đức Hồng y Pietro Parolin, trong một cuộc phỏng vấn với L’Osservatore RomanoVatican Radio-Vatican News, tuyên bố rằng “trong một thế giới đặc trưng bởi sự căng thẳng, đối lập và xung đột”, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô và các sự kiện ở Bahrain mà ngài sẽ tham dự là “một thông điệp về sự thống nhất, sự gắn kết và hòa bình”.

Kính thưa Đức Hồng y, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Bahrain. Chuyến viếng thăm này diễn ra như thế nào?

Chuyến viếng thăm bắt nguồn từ lời mời mà Quốc vương Bahrain gửi tới Đức Thánh Cha, trước tiên theo một cách thức thân mật hơn và sau đó được cụ thể hóa và chính thức hóa trong một bức thư cá nhân. Và nó cũng trùng hợp với Diễn đàn về Đối thoại Chung sống Hòa bình này. Lời mời của Quốc vương sau đó được thêm vào lời mời của Giáo hội địa phương, với tư cách là Giám quản Tông Tòa, Đức Giám mục Hinder. Tôi cũng muốn tận dụng cuộc phỏng vấn này trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Quốc vương và các nhà chức trách Bahrain, cũng như Giáo hội Bahrain, vì lời mời này và những công việc chuẩn bị mà họ đang thực hiện liên quan đến sự xuất hiện của Đức Thánh Cha, cũng như sự chào đón mà họ sẽ dành cho ngài.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (1)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia giai đoạn bế mạc của Diễn đàn dành riêng cho vấn đề đối thoại vì sự chung sống của con người giữa Đông và Tây: Đức Thánh Cha muốn truyền đạt thông điệp gì trong bối cảnh thế giới như bối cảnh hiện tại?

Tôi nghĩ rằng thông điệp đến từ Diễn đàn này và sự tham gia của Đức Thánh Cha là khá rõ ràng. Đó là một dấu chỉ của sự thống nhất vào một thời điểm đặc biệt tế nhị, phức tạp và theo một cách nào đó bi thảm trong lịch sử của chúng ta. Đó là một lời mời gọi đối thoại, một lời mời gọi gặp gỡ giữa Đông và Tây, trong một thực tế, chẳng hạn như thực tế của Bahrain, một thực tế đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo; do đó có khả năng chung sống, khả năng cộng tác thậm chí ngay cả trong một thực tế hỗn hợp như đặc trưng của quốc gia đó.

Cũng trong dịp đó, sẽ có hai cuộc gặp gỡ, một cuộc họp của Hội đồng Kỳ lão Hồi giáo – tổ chức đại diện cho các nhà lãnh đạo tôn giáo Hồi giáo, những người cam kết đối thoại và tôn trọng các tôn giáo – và sau đó cũng là một cuộc gặp gỡ đại kết, trong đó có nhiều đại diện đến từ các quốc gia sẽ hội tụ. Nhưng tín hiệu luôn giống nhau: trong một thế giới được đặc trưng bởi sự căng thẳng, bởi sự mâu thuẫn, bởi xung đột, đó là một thông điệp về sự thống nhất, về sự gắn kết, về hòa bình.

Sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Diễn đàn gợi lại những ký ức về Abu Dhabi, về Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại: Vì Hòa bình Thế giới và việc Cùng nhau Chung sống. Tài liệu đó nhắc lại, trong sự liên tục với Huấn quyền của các Đức Giáo hoàng, rằng Danh Thánh của Thiên Chúa không bao giờ được dùng để biện minh cho bạo lực và chiến tranh. Hiện nay, thông điệp này có liên quan gì?

Đối với tôi, dường như nó có tính thời sự rất lớn và đó là một “sợi chỉ đỏ” kết nối tất cả các chuyến viếng thăm mà Đức Thánh Cha Phanxiô đã thực hiện đến các quốc gia đó; chúng ta hãy nhớ lại chuyến viếng thăm gần đây đến Kazakhstan. Nhưng chúng ta cũng có thể hồi tưởng chuyến viếng thăm mà Đức Thánh Cha đã thực hiện đến Iraq, chẳng hạn, vào năm ngoái, hoặc trước đó đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Morocco, Ai Cập, Azerbaijan.

Và sợi chỉ đỏ này chỉ đơn giản là muốn nói rằng giữa Thiên Chúa và sự thù hận, giữa tôn giáo và bạo lực, có một sự không tương thích tuyệt đối, không thể có bất kỳ sự giao thiệp và hòa giải nào, bởi vì bất cứ ai chấp nhận hận thù và bạo lực đều bóp méo bản chất của tôn giáo.

Và trước hết ở Kazakhstan, Đức Thánh Cha Phanxiô đã nhấn mạnh hai điểm mà tôi thiết nghĩ điều quan trọng cần phải lưu ý ở đây: một mặt, sự minh định, nghĩa là, luôn có sự cám dỗ để thao túng tôn giáo và đôi khi lợi dụng tôn giáo cho các mục đích không mang tính tôn giáo, và do đó cho mục đích quyền lực, cho các mục đích áp bức.

Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi sự minh định sâu sắc này. Và đồng thời đoàn kết với nhau: thực sự, các tôn giáo có thể hợp tác với nhau theo nghĩa này, chính xác là để xóa bỏ mọi hiểu lầm, để tôn giáo luôn trở thành một nhân tố của tinh thần hòa giải, một nhân tố góp phần xây dựng hòa bình, một nhân tố của sự gắn kết và sự hòa hợp.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (2)

Hòa nhập và tôn trọng sự sống con người là những đường hướng luôn được Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi và làm chứng: điều đó có ý nghĩa gì đối với chuyến viếng thăm Bahrain này?

Chúng có cùng một ý nghĩa như thường lệ. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích những mong đợi sâu xa của rất nhiều người không nhận thấy các quyền của họ được tôn trọng, các quyền cơ bản của họ để được sống, được hòa nhập, được chia sẻ trong của cải trên trái đất. Và vì vậy, ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ là tiếng nói của người không có tiếng nói và sẽ đi ra ngoài để gặp gỡ những người, theo một nghĩa nào đó, ở các vùng ngoại vi. Tuy nhiên, đối với tôi, dường như những giá trị này đã được công bố trong chính Hiến pháp của đất nước, vốn nói về việc tránh bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở bất kỳ đặc điểm nào.

Ở Bahrain tôn giáo chính là Hồi giáo; người Công giáo chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ bé. Quan hệ giữa Tòa Thánh và quốc gia vùng Vịnh này như thế nào?

Vâng, đúng vậy, ở Bahrain, Hồi giáo là quốc giáo và Sharia là nguồn luật chính. Cộng đồng Kitô giáo chiếm khoảng 10% dân số đó và có từ 80 đến 100 nghìn người Công giáo. Mối quan hệ với Tòa Thánh được thiết lập vào năm 2000 và tôi nghĩ rằng mối quan hệ này hiện tại đang rất tốt đẹp. Về phía các cơ quan chức năng chính phủ, luôn có sự tôn trọng và hợp tác với đồng bào Công giáo, cả các tín hữu lẫn vị Đại diện Tông Tòa. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ nhằm mục đích gặp gỡ cộng đồng này và khuyến khích họ trong cuộc sống và đời sống chứng tá của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có mặt tại thành phố Manama và Avali. Nơi đây Nhà thờ Đức Mẹ Ả-rập đã được thánh hiến cách đây một năm: viên đá nền của ngôi thánh đường này – viên gạch của Cửa Thánh Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô – do chính Đức Thánh Cha Phanxicô tặng …

Vâng, có một mối liên kết rất chặt chẽ thông qua viên đá mang tính biểu tượng vốn đã tạo nên nền tảng của ngôi nhà thờ này. Ngôi Thánh đường này vô cùng quan trọng, rõ ràng là nó vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, nơi cần những địa điểm thờ phượng, nơi họ có thể thực hành, sống đức tin của mình ở mức độ của các buổi cử hành phụng vụ.

Nhưng nó cũng quan trọng như một dấu chỉ của sự tôn trọng và chú ý mà tôi đã đề cập trước đó, về phía các nhà chức trách của đất nước đối với cộng đồng Kitô giáo. Vì vậy, nó là một biểu tượng tốt đẹp, cũng như một thực tế cụ thể, về những gì đã xảy ra cho đến nay và điều mà chúng ta hy vọng sẽ là thái độ tôn trọng nhiều hơn nữa đối với cộng đồng Kitô giáo.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube