Đức Hồng Y Parolin: Châu Âu cần có đức tin vào Thiên Chúa khi phải vật lộn với 'mùa đông nhân khẩu học'

Đức Hồng y Pietro Parolin, trong ảnh tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ngày 3 tháng 10 năm 2015./ Mazur / catholicnews.org.uk)

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong bức ảnh được chụp tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ngày 3 tháng 10 năm 2015 (Ảnh: Mazur / catholicnews.org.uk)

Hôm Chúa nhật, Đức Hồng y Pietro Parolin chia sẻ rằng châu Âu cần có đức tin vào Thiên Chúa khi nó đang phải vật lộn với “mùa đông nhân khẩu học”.

Chia sẻ trong Thánh lễ tại Nhà thờ Chính Tòa Strasbourg, Pháp vào ngày 4 tháng 7, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kêu gọi lục địa này tái khám phá cội nguồn Kitô giáo của mình.

“Châu Âu cần hy vọng nếu muốn chấm dứt mùa đông nhân khẩu học, vốn chủ yếu không phải là kết quả của một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc xã hội, mà là sự suy yếu niềm hy vọng và ý nghĩa đích thực của cuộc sống và sự tồn tại”, Đức Hồng Y Parolin nói.

Đức Hồng Y Parolin tiếp tục: “Châu Âu cần đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là Cha chúng ta; nó cần sự tin tưởng vào tiềm năng của nó, đặc biệt là về mặt tinh thần”.

Nhận xét của Đức Hồng Y Parolin được đưa ra sau bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 5 nhấn mạnh tỷ lệ sinh thấp của nhiều quốc gia châu Âu.

Đức Hồng Y Parolin đã cử hành Thánh lễ đánh dấu kỷ niệm 1.300 năm ngày mất của Thánh Odile, vị Thánh bảo trợ của Alsace, một vùng ở đông bắc nước Pháp giáp với Đức và Thụy Sĩ.

Ngoài việc phục vụ với tư cách là Đại diện Đức Giáo hoàng nhân dịp lễ kỷ niệm này, vị Hồng y người Ý đã truyền chức cho Cha Gilles Reithinger, nguyên Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, với tư cách là Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận Strasbourg trong Thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần bác ái trong việc đổi mới châu Âu.

“Châu Âu cần tinh thần bác ái, đặt những người sống bên lề xã hội, những người sống trong tình cảnh nghèo đói hoặc bị loại trừ vào trung tâm điểm của mối bận tâm của họ, và đồng thời quản lý hiện tượng di cư với sự khôn ngoan và tầm nhìn xa, ngõ hầu làm cho sự hội nhập thực sự trở nên khả thi, trở thành nguồn mạch của những cơ hội và tình huynh đệ, xóa bỏ nguy cơ của sự chia rẽ và những hiểu lầm đau thương, những bóng ma của một nền văn hóa vốn phủ nhận việc tất cả mọi người đều là huynh đệ với nhau, Fratelli Tutti”, Đức Hồng y Parolin nói, trích dẫn tiêu đề Thông điệp năm 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vị Hồng y 66 tuổi ban đầu dự định đến thăm Strasbourg vào năm ngoái, nhưng buộc phải hủy các chuyến đi vào tháng 6 và tháng 11 do đại dịch coronavirus.

Đức Hồng y Parolin đã từng dự kiến đến thăm thành phố ở biên giới Pháp-Đức để đánh dấu kỷ niệm 50 năm sự hiện diện của Tòa Thánh với tư cách là Quan sát viên thường trực tại Hội đồng châu Âu, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Strasbourg.

Đức Hồng y Parolin bắt đầu chuyến viếng thăm hai ngày của mình bằng hội nghị về chủ đề châu Âu. Trong bài phát biểu, Đức Hồng y Parolin chia sẻ rằng Tòa Thánh đã thể hiện “sự quan tâm mạnh mẽ và nhiệt huyết đối với công việc của các thể chế châu Âu” kể từ khi thành lập.

Đức Hồng y Parolin đã nhắc lại chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến Strasbourg vào năm 2014, trong đó Đức Thánh Cha đã phát biểu với cả Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu, các cơ quan cũng có trụ sở tại thành phố này.

“Châu Âu rất đỗi thân thương đối với Đức Phanxicô, không chỉ vì nguồn gốc gia đình của ngài, mà còn vì vai trò trung tâm của nó trong lịch sử nhân loại”, Đức Hồng y Parolin nói, đề cập đến tổ tiên người Ý của vị Giáo hoàng người Argentina.

“Đức Phanxicô hy vọng rằng châu Âu có thể tái khám phá cội nguồn Kitô giáo của mình, bắt đầu từ con đường huynh đệ này, vốn chắc chắn đã truyền cảm hứng và khuyến khích các Nhà sáng lập của châu Âu hiện đại, bắt đầu chính xác với Robert Schuman”, Đức Hồng y Parolin nói, nhấn mạnh việc vị chính khách người Pháp tuyên đã được Đức Thánh Cha tôn phong lên bậc “Đấng Đáng Kính” vào tháng trước.

Đức Hồng y Parolin cho biết rằng ở một châu Âu đa nguyên, nhiệm vụ của Giáo hội đó là “thăng tiến con người” không chỉ về thể xác, “mà còn về tâm hồn và tinh thần của họ”.

“Nếu không có sự tôn trọng đối với con người về phẩm giá tự nhiên và siêu nhiên của họ theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, Chúa Tể càn khôn và Đấng Tạo Hóa, xã hội sẽ không bao giờ trở nên tốt đẹp hơn”, Đức Hồng y Parolin nói.

Kết luận, Đức Hồng y Parolin nói, “bất cứ ai muốn tạo ra một nhân loại công bằng, bình đẳng, tương trợ và huynh đệ phải đặt con người và phẩm giá của họ ở trung tâm điểm”.

“Tuy nhiên, con người không được tạo dựng bởi bàn tay con người, họ được chính Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Chính các Kitô hữu, những người sống trong Chúa Kitô, là người, một lần nữa, tạo nên lịch sử của Giáo hội và lịch sử của Châu Âu cũng như toàn thể nhân loại”.

“Trách nhiệm của người Kitô hữu quả thực cao cả biết bao! Sứ mạng của anh chị em tại thành phố này, thủ đô Châu Âu, quả thực cao cả biết bao!”

Trước Thánh lễ và nghi thức tấn phong Giám mục, Đức Hồng y Parolin đã trò chuyện với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Alsace, một khu vực đã quay trở lại quyền kiểm soát của Pháp vào năm 1945 sau khi trải qua thời kỳ cai trị của Đức.

Đức Hồng y Parolin lưu ý rằng khu vực này vẫn được quản lý bởi các điều khoản của Hòa ước Concordat năm 1801 do Napoléon Bonaparte và Đức Giáo hoàng Piô VII đồng ý.

Đức Hồng y Parolin nhận xét rằng việc bổ nhiệm Cha Reithinger làm Giám mục phụ tá Địa phận Strasbourg tuân thủ quy trình được nêu trong Hòa ước Concordat, với sự đề cử được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chấp thuận và được công bố trên Tạp chí chính thức của Cộng hòa Pháp (Official Journal of the French Republic), công báo của chính phủ, vào ngày 26 tháng 6.

Đức Hồng y Parolin đã phản ánh về cách cuộc Cách mạng Pháp diễn ra trước hòa ước vốn tìm cách tách biệt tôn giáo và chính trị.

“Cuộc cách mạng Pháp đã thay đổi hoàn toàn cuộc đối đầu lâu đời giữa Giáo hội và nhà nước, bởi vì lần đầu tiên người ta tuyên bố rằng Giáo hội – và cùng với tôn giáo nói chung – bị loại trừ khỏi lãnh vực xã hội”, Đức Hồng y Parolin nói.

Đức Hồng y Parolin đã vạch ra phản ứng của Giáo hội đối với tiến trình lịch sử này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Công đồng Vatican II công nhận “quyền tự quyết đối với các vấn đề trần tục”.

Đức Hồng y Parolin cho biết rằng các hòa ước được ký bởi Giáo hội trong thời hiện đại thừa nhận cả tính độc lập của Giáo hội và nhà nước cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau giữa cả hai bên.

Đức Hồng y Parolin gợi ý rằng “khi các hiệp định, thỏa thuận hoặc công ước tồn tại, mối quan hệ hợp tác tích cực có xu hướng phát triển giữa các cơ quan nhà nước và các cơ quan tôn giáo”.

“Khi có sự hợp tác tích cực như vậy, nhà nước cũng dễ dàng đảm bảo không gian tự do và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người”, Đức Hồng y Parolin nói.

“Điều này đặc biệt đúng ở khu vực này, nơi mà nhờ Hòa ước này, vốn hiện vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, đã có thể phát triển ơn gọi không thể tranh cãi của nó một điểm giao thoa của sự gặp gỡ và tình huynh đệ, không chỉ giữa các dân tộc đã sinh sống tại vùng đất này trong nhiều thế kỷ, mà còn đối với toàn bộ châu Âu đương đại, vốn đã thực hiện những bước đầu tiên ở đây sau những vết thương của Chiến tranh thế giới thứ hai”.

Phát biểu với các nhà báo ở Strasbourg vào ngày 4 tháng 7, Đức Hồng Parolin hoan nghênh quyết định của thẩm phán Vatican truy tố 10 người vì bị cáo buộc phạm tội tài chính.

Đức Hồng Parolin cho biết rằng ngài hy vọng rằng phiên tòa sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và khám phá ra sự thật về một vụ bê bối tài chính tập trung vào việc Vatican mua một tài sản ở London, mà theo ngài, “đã khiến nhiều người đau khổ”.

Hôm thứ Hai, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm, Đức Hồng y Parolin đã đến thăm trụ sở của Hội đồng Châu Âu, gặp gỡ Tổng thư ký Marija Pejčinović Burić của tổ chức này, cũng như các quan chức cấp cao khác.

Đức Hồng y Parolin cũng đã cử hành Thánh lễ với sự tham dự của những người trẻ tuổi tại Tu viện Mont Sainte-Odile, đánh dấu 90 năm Thánh nữ được tôn kính tại địa điểm này.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube