Đức Hồng Y Farrell chia sẻ về Đại hội Gia đình Thế giới: 'Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn được ôm lấy tất cả các gia đình'

Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng một gia đình trong buổi Tiếp kiến Chung hàng tuần (Ảnh: AFP)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng một gia đình trong buổi Tiếp kiến Chung hàng tuần (Ảnh: AFP)

Trong một cuộc phỏng vấn trước Đại hội Gia đình Thế giới sẽ diễn ra tại Rôma vào tuần này, Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn WMOF được thực hiện trong các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới, và đồng thời đề cập đến những mẫu gương thánh thiện của các cặp vợ chồng đã được tuyên phong lên bậc hiển thánh.

Với Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10 tại Rôma trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn ôm lấy và gắn kết tất cả các gia đình trên toàn thế giới, và vì lý do này, ngài đã đề nghị các Giáo phận trên toàn thế giới cũng tôn vinh các gia đình tại địa phương.

Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống của Vatican, đã gợi ý điều này khi ngài có cuộc phỏng vấn với Vatican News trước Đại hội Gia đình Thế giới.

Đức Hồng Y Farrell không chỉ chia sẻ hy vọng của mình về đại hội và lý do tại sao năm nay sẽ đặc biệt thấm thía, khi chiến tranh hoành hành trên khắp thế giới, mà còn suy tư về việc đại dịch đã ảnh hưởng đến các gia đình như thế nào.

Hơn nữa, Đức Hồng Y Farrell cũng thu hút sự chú ý đến các cặp vợ chồng đã được tuyên thánh, và thảo luận về hy vọng của ngài về tài liệu mới được ban hành gần đây của Thánh Bộ nhằm giúp các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn và sống cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ.

Đây là bản ghi lại cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Farrell:

Kính thưa Đức Hồng y, kỳ vọng của ngài là gì khi cuối cùng chúng ta cũng đã cận kề Đại hội Gia đình Thế giới này sau khi đại dịch đã khiến sự kiện bị hoãn lại?

Đức Hồng Y Farrell: Tôi tin rằng đại dịch chắc chắn đã gây ra một sự gián đoạn đáng kể trong đời sống mục vụ của Giáo Hội ở tất cả mọi cấp độ. Và trong hai năm không thể quy tụ các nhóm lại với nhau. Không thể tổ chức các buổi nhóm cầu nguyện, các hội nghị trong các nhà thờ của chúng ta … Do đó, tôi hy vọng rằng Đại hội Gia Đình Thế Giới sẽ diễn ra tại Rôma sẽ là một liều thuốc bổ sung cho Giáo Hội.

Trước đây, chúng tôi đã mời rất nhiều gia đình. Chúng tôi biết rằng nhiều gia đình sẽ không đi du lịch trong thời gian này, và đặc biệt nếu họ có con nhỏ, vì sợ hãi… Và vì vậy, chúng tôi đã mời đại diện đến từ tất cả các Giáo phận trên thế giới. Chúng ta có đại diện đến từ mọi châu lục. Đây là những người đã từng phụ trách công việc mục vụ liên quan đến đời sống gia đình tại các Giáo phận, các nhà thờ, các Giáo xứ, các phong trào giáo dân, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đời sống hôn nhân và gia đình. Và vì vậy, chúng ta hy vọng sẽ được truyền một ý thức mới về tầm quan trọng của sự thay đổi này, trong cách thức thực hiện mọi công việc trong Giáo hội, để chuẩn bị cho đời sống hôn nhân và gia đình.

Với vai trò là Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đại dịch đã thay đổi bản chất của các gia đình và tính chất của đại hội này như thế nào?

Nó đã ảnh hưởng một cách đáng kể đến công việc của Giáo hội nói chung và công việc của Thánh Bộ của chúng tôi. Chúng tôi đã trò chuyện thông qua Zoom trong hai năm, nhưng kinh nghiệm của tôi về điều đó, nó không giống như việc tiếp xúc trực tiếp cá nhân với những người có liên quan. Và Zoom có xu hướng nghiêng về một phía hoặc hai phía, nhưng nó không phải là sự hội tụ của các ý tưởng xung quanh một vấn đề cụ thể. Nhưng tôi hy vọng rằng điều đó giờ đây đã qua đi với chúng ta ở nhiều nơi trên thế giới, ngay cả khi không hoàn toàn như thế. Tôi hy vọng rằng một lần nữa, Giáo hội sẽ đặt vấn đề về đời sống gia đình, như Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nói. Đây là chủ đề trọng tâm của Giáo hội vào thời điểm này: đời sống hôn nhân và gia đình. Đây là lúc chúng ta cần tập trung sự chú ý. Chúng ta làm đúng như những gì Đức Thánh Cha đã yêu cầu, để truyền sức sống mới cho nó.

Chúng tôi đã xuất bản một cuốn sách về các cặp đôi được tuyên phong Chân Phước hoặc được tuyên thánh trong Giáo hội để chứng minh rằng đời sống hôn nhân cũng có những vị thánh mà mọi người đều quên lãng. Chúng ta có xu hướng tưởng nhớ các Giáo hoàng, các Giám mục, các vị tử đạo và nhiều người khác … Hai cặp đôi, hai người đã được tuyên phong Chân Phước và được tuyên thánh trong Giáo hội, với tư cách là một cặp vợ chồng. Tôi nghĩ rằng đó là điều quan trọng.

Điểm tiếp theo là chúng tôi đã xuất bản các hướng dẫn để trang bị cho các cặp đôi sống cuộc sống hôn nhân và gia đình sau khi kết hôn. Và tôi sẽ gọi đó là một kiểu ‘vademecum‘ cho các Giám mục, Linh mục và những người chịu trách nhiệm về công việc mục vụ liên quan đến đời sống gia đình.

Về cách thức chúng ta đồng hành cùng với các cặp vợ chồng: Nhiều người muốn bỏ qua bước đầu tiên, và bước đầu tiên là bạn phải tìm được những cặp đôi có tố chất để có thể đồng hành cùng với các cặp đôi khác. Bạn phải xác định những cặp vợ chồng có khả năng dạy dỗ, sửa sai, và chăm sóc người khác. Không phải ai cũng có mọi phẩm chất như trong sách vở. Chúng ta phải lựa chọn những người giỏi những gì họ đang làm. Đó là một điểm quan trọng.

Cùng với Đại hội Gia đình Thế giới, có những hướng dẫn mới này, ngài có mong muốn chúng sẽ được thực hiện trong các Giáo phận và áp dụng vào thực tế như một cách cụ thể để giúp các cặp vợ chồng và các gia đình …

Chúng ta hy vọng rằng chúng sẽ được đưa vào thực hiện ở các quốc gia khác nhau. Bạn phải nhớ đây là những hướng dẫn dành cho Giáo hội hoàn vũ, nhưng việc áp dụng thực tế những hướng dẫn đó tùy thuộc vào các nền văn hóa khác nhau, các ngôn ngữ khác nhau, khác nhau về mọi mặt. Sẽ không giống nhau nếu tiếp thu những hướng dẫn đó và cố gắng áp dụng chúng từng từng chữ một trong mọi tình huống, theo cùng một cách thức. Điều đó là không thể.

Đại hội Gia Đình Thế Giới năm nay sẽ nhớ đến những gia đình nơi mà, có lẽ trong khu vực hoặc trong cuộc sống của họ, sự đàn áp tôn giáo đã trở thành một vấn đề và những gia đình đang gặp khó khăn nói chung theo cách nào?

Cuộc tụ họp cụ thể này thường tập trung vào tất cả những chủ đề mà bạn đã đề cập vốn luôn nằm trong tâm trí của mỗi chúng ta và các gia đình. Chẳng hạn như, chúng ta biết rằng khi Đức Thánh Cha chào mừng các tham dự viên tại Lễ hội của các gia đình, sẽ có các cặp vợ chồng đến từ Ukraine. Ở đó sẽ có các cặp vợ chồng đến từ nhiều nơi khác trên thế giới, nơi có sự đàn áp tôn giáo theo nhiều cách, và nơi có tình trạng bạo lực và họ sống trong tình trạng chiến tranh.

Ai có thể nhắm mắt làm ngơ trước nỗi thống khổ của những gia đình, những người mẹ cùng với những đứa con của họ, trong khi những người cha phải ở lại Ukraine để chiến đấu, đi đến những đất nước xa lạ mà họ chưa từng đặt chân đến. Họ không có các thành viên gia đình. Họ hoàn toàn cô độc. Và chứng kiến một phụ nữ trẻ với hai đứa con nhỏ, đang lê bước …

 Chúng tôi hoan nghênh về nhiều mặt những gì các quốc gia này đã thực hiện, cùng với các thể chế, các tổ chức và các Giáo hội đang nỗ lực rất nhiều việc để tiếp nhận và giúp đỡ những người nhập cư và tị nạn này.

Hai mẹ con người Ukraine

Hai mẹ con người Ukraine

Nhưng nó vẫn không giống như ở nhà. Và khi toàn bộ cuộc sống của bạn bị gián đoạn, bạn chẳng có gì cả. Người ta không nhận ra rằng điều đó không giống như họ chuyển tất cả hộ gia đình của họ, như thể họ nhận một trong những công ty vận chuyển này và chuyển mọi thứ. Họ ra đi với một chiếc túi nhỏ và không có gì cả. Và đó là cách nó xé nát trái tim bạn. Giáo hội không thể làm ngơ trước thực tế đó trên thế giới. Sẽ có những gia đình được kết nối trực tuyến từ nhiều nơi trên thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về Gia đình ‘Amoris Laetitia’. Ngài mô tả thế nào về sự đón nhận và áp dụng hiện tại của Giáo hội đối với tài liệu này, và nó sẽ là một công cụ hữu ích trong cuộc tụ họp này như thế nào?

Rõ ràng đây chính là nền tảng. ‘Amoris Laetitia’ là nền tảng của cuộc tụ họp này. Như tôi đã đề cập trước đây, ý định của chúng tôi là mang đến cho nó một động lực mới. Tôi nghĩ rằng nó đã được đón nhận một cách tương đối tốt trong Giáo hội nói chung. Tôi thiết nghĩ lúc đầu đã có rất nhiều sự e ngại và hiểu lầm vì mọi người cứ nhấn mạnh vào phần này hay phần khác, nhưng không đọc tài liệu một cách tổng thể. Tôi nghĩ rằng nhìn chung, các Hội đồng Giám mục đều ủng hộ. Tôi nghĩ rằng một số Giáo phận ở một số nơi trên thế giới cũng đã làm được nhiều hơn thế.

Ví dụ, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Đại hội Gia đình Thế giới này phải được hạn chế vì tình hình đại dịch ở Rôma, nhưng đồng thời phải được tổ chức tại mọi Giáo hội và mọi Giáo xứ trên thế giới.

Nhiều Giáo phận đã chuẩn bị các chương trình và gửi cho chúng tôi một lượng lớn tài liệu về những gì họ đang làm hoặc những gì họ có thể làm từ khắp nơi trên thế giới. Và tôi rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều hoạt động đang diễn ra.

Tôi cũng muốn nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có cùng ý tưởng về việc cử hành Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi. Ngài không muốn chỉ có một hoạt động kỷ niệm quy mô lớn ở một nơi trên thế giới.

Một người ông đang nhìn các cháu đang chơi đùa trên cát

Một người ông đang nhìn các cháu đang chơi đùa trên cát

Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn sự kiện này phải được cử hành ở mọi Nhà thờ Chính tòa trên thế giới. Bởi vì ngay cả với cuộc tụ họp thế giới và các gia đình, bạn phải luôn nhớ rằng cuộc tụ họp thế giới có sự tham dự nhiều nhất của các gia đình mà chúng ta đã có là sự kiện tại Dublin. Sự kiện này có sự tham dự của 34 hoặc 35.000 người. Đó thậm chí không phải là một Giáo phận nhỏ trên thế giới. Các Giáo phận lớn trên thế giới có thể quy tụ số lượng người như vậy trong Giáo phận của mình. Đó là điều chúng tôi mong muốn. Và đó là lý do tại sao chúng tôi mời tất cả các nhà lãnh đạo của các Giáo phận đến tham dự sự kiện này ở Rôma.

Đặc biệt, ngài mong đợi điều gì sẽ là điểm nhấn của kỳ đại hội này? Và địa điểm – thực tế là đại hội thế giới đang diễn ra ở Rôma – có ý nghĩa như thế nào?

Nó có ý nghĩa vì Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thánh Cha rất được yêu mến. Ngài là điểm thu hút tuyệt vời nhất mà chúng tôi có. Bất kể tờ báo nào, bất kể từ giáo phái hay tổ chức tôn giáo nào – mọi người đều yêu mến Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi nghĩ rằng khi Đức Thánh Cha trò chuyện với các gia đình và trực tiếp với các cặp vợ chồng, họ sẽ lắng nghe. Kỳ vọng lớn nhất của tôi là sự kiện này sẽ được phát sóng trên toàn thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng điều đó sẽ được thực hiện.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube