Đức Hồng y Dolan: Tự do tôn giáo là một nhân quyền và 'thiết yếu' đối với phẩm giá con người

Hồng y Timothy M. Dolan, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, trình bày bài phát biểu quan trọng ngày 28 tháng 6 năm 2021, trong Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo tại Trường Luật Đại học Notre Dame. (Nguồn: CNS photo / Peter Ringenberg, Đại học Notre Dame)

Đức Hồng y Timothy M. Dolan, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, trình bày bài phát biểu quan trọng ngày 28 tháng 6 năm 2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo tại Trường Luật Đại học Notre Dame (Ảnh: CNS photo / Peter Ringenberg, Đại học Notre Dame)

Đại học Notre Dame đã tổ chức sự kiện bế mạc Tuần lễ Tự do Tôn giáo tại Hoa Kỳ với Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo từ ngày 28-29 tháng 6 mời gọi các nhà lãnh đạo đại kết và các học giả từ khắp nơi trên toàn quốc thảo luận về những thách thức khác nhau đối với vấn đề tự do tôn giáo.

Tuần lễ Tự do Tôn giáo được tổ chức từ ngày 22 tháng 6 đến ngày 29 tháng 6 hàng năm. Sự kiện kỷ niệm hàng năm, được bảo trợ bởi Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, luôn bắt đầu vào dịp lễ kính hai vị Tử đạo người Anh đã chiến đấu chống lại sự đàn áp tôn giáo, Thánh Tôma More và Thánh Gioan Fisher, và kết thúc vào dịp lễ hai Thánh Tông đồ Tử đạo tại Rôma, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ.

Đức Hồng y Timothy M. Dolan Địa phận New York, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của các Giám mục Hoa Kỳ, đã tạo cảm hứng cho hội nghị Notre Dame trong bài phát biểu quan trọng của mình, nhận xét rằng tự do tôn giáo là một quyền con người, “thiết yếu đối với phẩm giá con người và sự hưng thịnh của tất cả những gì cao quý trong chúng ta”.

Đức Hồng y Dolan lưu ý rằng việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo từng là “một điều hiển nhiên không thể đối đầu”. Giờ đây, Đức Hồng y Dolan tiếp tục, việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo đã trở thành “biếm họa” như một “cuộc thập tự chinh áp bức, đảng phái, không được khai sáng, cánh hữu”, thậm chí bị một số người coi như là một sự phân biệt đối xử.

Câu chuyện sai lầm này phải được sửa chữa, Đức Hồng y Dolan nhấn mạnh, và ngài tiếp tục làm như vậy bằng cách thảo luận về khái niệm tự do tôn giáo được ghi trong các tài liệu sáng lập của Hoa Kỳ. Đức Hồng y Dolan đã đưa ra bốn điểm chính trong bài phát biểu quan trọng của mình, có tựa đề “Sửa đổi câu chuyện tường thuật”.

Đầu tiên, Đức Hồng y Dolan cho biết rằng chúng ta ủng hộ tự do tôn giáo chủ yếu không phải vì chúng ta là những tín hữu, mà vì chúng ta là “những người dân Mỹ, những người yêu nước, những con người có lý trí”. Tự do tôn giáo là một thực tế của cuộc thử nghiệm của Hoa Kỳ đã được tất cả mọi người thuộc mọi tín ngưỡng trân trọng và bảo vệ.

Thứ hai, tự do tôn giáo không phải là một vấn đề mang tính bảo thủ, mà về mặt lịch sử được coi như là một phần của phong trào “tiến bộ và cải cách”. Đức Hồng y Dolan, người có bằng Tiến sĩ về lịch sử Giáo hội Hoa Kỳ, nhận xét rằng tự do tôn giáo là “phương sách đầu tiên bảo vệ tất cả các quyền con người”.

Hơn nữa, tự do tôn giáo đã trở thành “động lực của hầu hết mọi động cơ sáng suốt và cao cả trong lịch sử Hoa Kỳ”, Đức Hồng y Dolan nói, bao gồm các phong trào như bãi bỏ chế độ nô lệ và các cuộc vận động cho quyền bầu cử và dân quyền.

Thứ ba, “tự do tôn giáo được tôn trọng không phải để bảo vệ chính phủ khỏi tôn giáo, mà là bảo vệ tôn giáo khỏi chính phủ”, Đức Hồng y Dolan giải thích.

Các nhóm tôn giáo khác nhau lần đầu tiên đến định cư tại đất nước này không muốn sự đối xử đặc biệt từ chính phủ, mà chỉ muốn được yên ổn để thực hành đức tin của họ, thờ phượng theo truyền thống của họ, và tuân theo lương tâm của họ trong quảng trường công cộng. Do đó, tự do tôn giáo đã trở thành một nền tảng trong các văn kiện sáng lập của đất nước.

Thứ tư, trong suốt phần lớn lịch sử của chúng ta, văn hóa Mỹ hoan nghênh tiếng nói tôn giáo trong quảng trường công cộng, Đức Hồng y Dolan nói. Kế đến, văn hóa chuyển sang trạng thái trung lập trước khi đến thời điểm hiện tại, trong đó các tín đồ phải đối mặt với “sự đối kháng hoàn toàn”, Đức Hồng y Dolan nói, và thông điệp rằng chúng ta phải bỏ lại lương tâm khi bước vào quảng trường công cộng.

Các thành viên của các tín ngưỡng khác nhau đã phát biểu tại hội nghị cho thấy không có bất đồng với đánh giá của Đức Hồng y Dolan, và trên thực tế, nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả những người có đức tin để cùng nhau bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo ở nước này và ở nước ngoài.

Trong một cuộc hội thảo về “Vượt qua sự phân cực của tự do tôn giáo”, Asma Uddin, một luật sư và học giả Hồi giáo, cho biết rằng những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau phải ngừng mắng nhiếc lẫn nhau nếu các tín đồ cùng nhau tiến lên trong việc giành được và bảo vệ tự do tôn giáo.

 Tác giả cuốn sách ‘Hoạt động Chính trị về tình trạng dễ bị tổn thương: Cách hàn gắn mối quan hệ Hồi giáo-Kitô giáo tại nước Mỹ hậu Kitô giáo (Pegasus Books, 2021), bà Uddin cho biết rằng mọi người sẽ cảm thấy ít bị đe dọa hơn nếu chúng ta ngừng nhấn mạnh sự khác biệt của mình và tập trung vào địa vị chung của chúng ta với tư cách là con người.

Một cuộc hội thảo về “Các mối đe dọa quốc tế đối với Tự do tôn giáo” có các diễn giả quốc tế, trong đó có đại diện của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, bà Marcela Szymanski. Bà Szymanski báo cáo rằng 62 quốc gia gây nguy hiểm cho công dân của họ khi nói đến vấn đề tự do tôn giáo, mặc dù hầu hết các quốc gia đó đã ký Hiệp ước Quốc tế về Nhân quyền.

Đàn áp tự do tôn giáo luôn là một phần của “chiến lược thâu tóm quyền lực” mà không để lại hậu quả gì cho những kẻ thủ phạm, bà Szymanski  nói.

Một cuộc hội thảo  về “Tự do tôn giáo và báo chí” bao gồm đại diện của các phương tiện truyền thông thế tục và một phát ngôn viên Công giáo. Gretchen Crowe, Giám đốc biên tập của tạp chí định kỳ Our Sunday Visitor, giải thích rằng báo chí Công giáo tìm cách hình thành và thông báo cho các độc giả của mình để thúc đẩy sứ mạng của Giáo hội. Điều đó có thể bao gồm việc lấp đầy các khoảng trống, sửa chữa những thông tin sai lệch từ các phương tiện truyền thông thế tục và cung cấp sự rõ ràng về các vấn đề quan trọng, bà Crowe nói.

Đức Giám mục Kevin C. Rhoades Địa phận Fort Wayne-South Bend, thành viên của Ủy ban Tự do tôn giáo của các Giám mục, đã hoan nghênh các tham dự viên đến với Giáo phận mình và đồng thời ca ngợi Trường Luật Notre Dame vì đã thiết lập Sáng kiến Tự do Tôn giáo.

 Sáng kiến đó, do Giáo sư G. Marcus Cole của trường luật khởi xướng, sẽ quy tụ các học giả quốc tế để nghiên cứu vấn đề này, đào tạo sinh viên luật để bảo vệ tự do tôn giáo bằng cách theo đuổi các yêu sách tại các tòa án và tổ chức các sự kiện như hội nghị thượng đỉnh vào tháng Sáu. Hai hội nghị thượng đỉnh trong tương lai được lên kế hoạch tại Rome vào năm 2022 và Giêrusalem vào năm 2023.

Đức Cha Rhoades phát biểu với hội nghị rằng sáng kiến này không chỉ là một sự phục vụ tuyệt vời cho Giáo hội Công giáo và cho tất cả các cộng đồng đức tin, mà còn là một sự phục vụ cho quốc gia của chúng ta vào thời điểm khi mà không chỉ quyền tự do thờ phượng bị đe dọa, mà cả quyền tự do sống theo đức tin của mình và làm chứng cho chân lý đạo đức của nó trong các dịch vụ xã hội, các trường học và các tổ chức khác phục vụ thiện ích chung.

 “Tự do tôn giáo cho phép Giáo hội và tất cả các cộng đồng tôn giáo sống đức tin của họ trước công chúng và phục vụ lợi ích của tất cả mọi người”, Đức Cha Rhoades nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube