Đức Hồng Y Dolan nhấn mạnh hy vọng trong bối cảnh của sự đàn áp tôn giáo toàn cầu

Đức Hồng y Timothy Dolan Địa phận New York

Đức Hồng y Timothy Dolan Địa phận New York

Có lý do để hy vọng đối với vấn đề tự do tôn giáo toàn cầu, Đức Hồng y Timothy Dolan Địa phận New York phát biểu tại một hội nghị quốc tế gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự ở Washington, D.C. hôm thứ Năm.

“Tôi hầu như không đơn độc khi tôi cảm thấy thất vọng bởi những vụ tấn công không ngừng nghỉ nhắm vào sự tự do trước nhất của chúng tôi, bởi các nhóm và chính phủ lẽ ra phải nhận thức điều đó tốt hơn, và ở mức độ tồi tệ hơn trên khắp hành tinh”, Đức Hồng Y Dolan cho biết trong bài phát biểu quan trọng của mình tại bữa tối bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế vào ngày 15 tháng Bảy.

Đức Hồng Y Dolan cho biết thêm rằng ngài có được hy vọng từ “việc cầu nguyện, chú ý đến Lời Chúa, và sự liên đới mà tôi luôn có được từ những cuộc gặp gỡ như thế này”.

“Tôn giáo có thể truyền cảm hứng, khuyến khích và nuôi dưỡng hy vọng trong một thế giới thường được cho là tuyệt vọng, là nguyên nhân dẫn đến sự lạc quan đối với chúng ta”, Đức Hồng Y Dolan nói. “Vì nó giữ tôn giáo, và việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo, ở đầu chương trình nghị sự của chúng tôi”.

Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 là một cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự đến từ khắp nơi trên thế giới để giải quyết vấn đề đàn áp tôn giáo. Cựu Đại sứ tự do tôn giáo Hoa Kỳ Sam Brownback đồng chủ trì hội nghị thượng đỉnh, cùng với Katrina Lantos Swett, cựu Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.

Cũng vào tối thứ Năm, người dẫn chương trình Tracy Sabol của EWTN News Nightly đã chủ tọa một cuộc thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo, có sự góp mặt của Meriam Ibrahim, một phụ nữ Công giáo đã thoát án tử ở Sudan, cùng với Irene Weiss, nạn nhân sống sót sau thảm họa Holocaust.

Đức Hồng y Dolan, đề cập đến chủ đề về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với vấn đề tự do tôn giáo quốc tế, đã đưa ra một số điểm về lý do tại sao các tham dự viên tham dự hội nghị thượng đỉnh nên hy vọng.

Thứ nhất, tự do tôn giáo hiện được coi như là một mối bận tâm về nhân quyền hơn là chỉ là một vấn đề về “tín ngưỡng”, Đức Hồng y Dolan nói.

“Sự khẳng định rằng việc bảo vệ tự do tôn giáo, lời kêu gọi đã đưa chúng ta đến đây, là một vấn đề về nhân quyền, chứ không phải vấn đề tín ngưỡng, là vô cùng cần thiết, vì kẻ thù của chúng ta – và tên gọi của họ là đám đông vô số kể – coi chúng ta là những kẻ cuồng tín tự bảo vệ bản thân và tư lợi, những người chỉ đơn giản muốn bảo vệ các đặc quyền và quyền hạn hẹp của chúng ta trong khi bóp nghẹt sự tiến bộ giác ngộ”, Đức Hồng y Dolan nói.

“Điều này cũng rất cần thiết vì tầm ảnh hưởng của tôn giáo trong quảng trường công cộng bị thu hẹp”, Đức Hồng y Dolan cho biết thêm.

Đức Hồng y Dolan lưu ý rằng Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã ca ngợi vấn đề tự do tôn giáo tại Liên Hợp Quốc, ngài nói: “Nếu tự do tôn giáo bị xói mòn, thì sự biến mất chính là sự đảm bảo cho tất cả các quyền tự do khác của chúng ta”.

Chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của tự do tôn giáo, mặc dù “còn một chặng đường dài phía trước” về vấn đề này, Đức Hồng y Dolan nói, đồng thời liệt kê một lý do khác để hy vọng.

Đức Hồng y Dolan cho biết rằng cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo “đã chia sẻ với tôi rằng, với tư cách là giám đốc CIA, và sau đó là Ngoại trưởng, ông đã rất ngạc nhiên bởi sự thiếu hiểu biết về vai trò của tôn giáo trong các vấn đề thế giới trong cộng đồng tình báo và dịch vụ ngoại giao của chúng ta”.

“Có vẻ như họ dị ứng với việc thừa nhận tác động của đức tin và tôn giáo đối với các dân tộc trên thế giới”, Đức Hồng y Dolan nói khi nhớ lại những gì Ngoại trưởng Pompeo đã nói với mình.

Đức Hồng y Dolan cho biết rằng bản thân ngài đã trải nghiệm điều này trong chuyến viếng thăm Lebanon và Syria. Khi ngài hỏi một quan chức đại sứ quán Hoa Kỳ liệu ông ấy có tương tác với các cộng đồng Kitô giáo lâu đời trong khu vực hay không, vị quan chức này trả lời rằng việc gặp gỡ những cộng đồng này “không phải việc của chúng tôi”.

Đức Hồng y Dolan lưu ý rằng các Ngoại trưởng John Kerry và Madeleine Albright gần đây đã ghi nhận công việc của các nhà lãnh đạo tôn giáo nhằm đạt được hòa bình thế giới. vị Giám chức đã trích dẫn “các khu vực như Bắc Ireland, Nicaragua, Nam Sudan và Afghanistan, những nơi có thể sẽ không bao giờ đạt được tiến bộ gần đây nếu không có sự tham gia trực tiếp của các nhà lãnh đạo tôn giáo”.

“Vì vậy, có lẽ cuối cùng chúng ta cũng đã nhận thức được điều này”, Đức Hồng y Dolan nói.

Đức Hồng y Dolan cũng đã chia sẻ câu chuyện của Đức Hồng y Pio Laghi, Đặc phái viên của Đức Giáo hoàng tại Hoa Kỳ, người đã gặp gỡ Tổng thống George W. Bush vào tháng 3 năm 2003 và đồng thời kêu gọi tổng thống không xâm lược Iraq.

Sau khi Đức Hồng y Laghi “rời khỏi văn phòng bầu dục sau điều mà chúng ta biết hiện nay là một nỗ lực vô ích để thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Bush, các phóng viên đã hỏi ngài: ‘Đức Cha đã từ bỏ hy vọng chưa?’”, Đức Hồng y Dolan nói. Đức Hồng y Laghi trả lời: “Tôi đang nung nấu niềm hy vọng. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc'”.

Đức Hồng y Dolan cho biết “hiếm khi” các Nhà thờ, các giáo đường Do Thái và các đền thờ Hồi giáo ở Hoa Kỳ không can thiệp để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của nhau.

Điều này “cho tôi hy vọng”, Đức Hồng y Dolan nói. “Và, các vị đồng sự đáng mến của tôi, bạn và tôi đều cần hy vọng”.

Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế hôm thứ Năm đã trao giải thưởng cho một số nhân vật vì công việc của họ trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo.

Kathy Ireland, một cựu người mẫu đã trở thành doanh nhân và một người làm công việc thiện thiện, đã nhận được Giải thưởng Quán quân Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF) lần đầu tiên.

Giải thưởng Nhà lãnh đạo Thanh niên của IRF đã được trao cho Wai Wai Nu, một cựu tù nhân chính trị người Miến Điện bị bắt ở tuổi 18. Sau khi được trả tự do vào năm 2012, chị đã thành lập hai tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy hòa bình ở Myanmar và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ.

Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Hong Kong Watch, Benedict Rogers, đã được trao Giải thưởng Quán quân Tự do Tôn giáo Quốc tế về Vận động Hiệu quả. Ông Rogers đã phát biểu tại bữa tối bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế thông qua Skype từ tư gia tại London.

Ông Sam Brownback, đồng Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh IRF, đã được trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời. Ông Brownback đã châm biếm rằng mặc dù “đây có thể là một giải thưởng thành tựu trọn đời”, nhưng cuộc đời cũng như công việc vận động của ông vẫn chưa kết thúc.

“Tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho tự do tôn giáo quốc tế và quý vị cũng vậy”, ông Brownback nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube