ĐHY Cupich: Giáo hội không được tự mãn về việc ngăn chặn nạn lạm dụng

Trong bức ảnh tập tin này, Giáo hoàng Francis chào mừng Hồng y Blase J. Cupich của Chicago trước một phiên họp của Thượng hội đồng Giám mục về người trẻ, sự biện phân về đức tin và ơn gọi tại Vatican ngày 16 tháng 10 năm 2018. (Nguồn: CNS.)

Trong bức ảnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng Đức Hồng y Blase J. Cupich Địa phận Chicago trước một phiên họp của Thượng hội đồng Giám mục về giới trẻ, sự biện phân về đức tin và ơn gọi tại Vatican vào ngày 16 tháng 10 năm 2018 (Ảnh: CNS)

Theo Đức Hồng y Blase Cupich Địa phận Chicago, các Giám mục và những người khác ở vị trí lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo không bao giờ được tự mãn khi nói đến việc ngăn chặn vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục.

“Chúng ta phải đương đầu với sự thật và hành động để mang lại sự chữa lành và công lý cho những người đã bị tước mất cả hai điều này”, Đức Hồng y Cupich phát biểu hôm thứ Năm, trong một hội nghị về bảo vệ được tổ chức ở Roma. “Giáo hội như một dấu chỉ của tình yêu trổi vượt của Thiên Chúa. Một tình yêu mà các Kitô hữu chúng ta tìm thấy nơi con người của Chúa Giêsu”.

Nhìn vào khuôn mặt của các nạn nhân bị lạm dụng, vị Giám chức nói, “chúng ta nhìn vào dung mạo của Chúa Giêsu”. Và khi các Giám mục nhìn mình trong gương với tư cách là những vị Mục tử, Đức Hồng y Cupich tiếp tục, “chúng ta cũng phải nhìn thấy dung mạo của Chúa Giêsu, vị Mục tử Tốt Lành, Đấng chúng ta được kêu gọi để mang đến vào thời điểm này”.

Dành thời gian để phát biểu với những người sống sót sau những cáo buộc về tội ác tình dục do các Linh mục gây ra, Đức Hồng y Cupich nói rằng Giáo hội Công giáo “khiêm tốn” mang ơn mỗi người trong số họ và gia đình của họ “lòng biết ơn của chúng tôi đối với lòng dũng cảm to lớn của anh chị em để chiếu sáng ánh sáng của Chúa Kitô trên tội ác lạm dụng tình dục trẻ em. Với tư cách là một Giáo hội, và đặc biệt với tư cách là các Giám mục được chính Chúa Kitô trao phó trách nhiệm bảo vệ đoàn chiên, chúng ta phải giữ lời hứa này. Chúng ta không bao giờ được bỏ rơi những nạn nhân sống sót; chúng ta đừng bao giờ trở nên tự mãn”.

Đức Hồng y Cupich đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm một trong những người tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Vatican năm 2019 về việc ngăn chặn vấn nạn lạm dụng vốn dẫn đến luật mới nhằm chống lại việc lạm dụng trong Giáo hội.

Đức Hồng y Cupich, được coi như là một trong những cố vấn thân cận nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Giáo hội Hoa Kỳ, đã phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Bảo vệ An toàn (ISC) hàng năm, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo Giáo hội, các chuyên gia bảo vệ và các chuyên gia về chấn thương.

Do đại dịch COVID-19, hội nghị năm 2021 là một sự kiện kết hợp bao gồm một số bài thuyết trình trực tuyến, được giới hạn bởi sự kiện từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 được tổ chức tại Rome, được phát sóng từ Đại học Giáo hoàng Gregorian.

Ban tổ chức ISC bao gồm Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, Chủ tịch Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Giáo hoàng Gregoria; Tina Campbell, người cộng tác làm việc về vấn đề phòng chống lạm dụng với Dòng Tên; Andrew Azzopardi, người đứng đầu ủy ban bảo vệ Malta; và Simon Davies, người đứng đầu các tiêu chuẩn chuyên môn của Dòng Tên tại Úc.

Theo Linh mục Zollner, 134 tham dự viên đến từ 30 quốc gia đã tham gia hội nghị.

“Mục tiêu của chúng tôi với tư cách là Hội nghị Bảo vệ An toàn Quốc tế, chủ yếu là chúng tôi có thể chia sẻ các phương pháp hữu hiệu nhất để chúng tôi thực hiện một điều mà đối với Giáo hội Công giáo, dường như là rất khó khăn: Quy tụ mọi người đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, các nền văn hóa và ngôn ngữ, để chia sẻ những gì họ thấy hữu ích nhất trong thế giới của họ khi nói đến việc bảo vệ”, Linh mục Zollner, người cũng là thành viên của ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên của Đức Phanxicô, cho biết.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng y Cupich cho biết các nhà lãnh đạo đức tin có vai trò đặc biệt nổi bật trong việc ngăn chặn lạm dụng.

“Chúng ta nhận thức được thực tế này bởi vì chúng ta biết rằng trẻ em sẽ được giữ an toàn nếu những người ở những nơi có trách nhiệm thực hiện công việc của họ với tư cách là những Mục tử được kêu gọi bảo vệ đàn chiên”, Đức Hồng y Cupich nói. “Chẳng có gì phải vòng vo lảng tránh cả: nếu chúng ta muốn trẻ em được an toàn, các Giám mục và những người có trách nhiệm phải thực hiện nhiệm vụ của họ”.

Vị Giám chức đã trò chuyện rất lâu về kinh nghiệm cá nhân của mình với các nạn nhân bị lạm dụng, đặc biệt tập trung vào một người đàn ông “thành đạt, trung niên” đã đến gặp ngài cách đây 20 năm trước để chia sẻ rằng Cha xứ thời niên thiếu của ông đã lạm dụng tình dục ông vào mỗi Chúa nhật, sau đó còn dùng bữa tối với gia đình cậu bé. Người đàn ông này lúc đó chỉ mới 9 tuổi khi bắt đầu bị lạm dụng.

Vị linh mục lạm dụng, người đã bị trục xuất khỏi Giáo xứ khi người đàn ông này trình báo vụ việc, “lợi dụng sự tin tưởng” mà gia đình cậu bé đã gửi cho ông “để có quyền kiểm soát cậu bé này, và đó là điều cực kỳ hiểm ác về những gì ông ta đã làm: Vị linh mục lạm dụng này không chỉ thao túng đứa trẻ mà cả gia đình của nó nữa”.

“Đó là một khoảnh khắc vô cùng đau đớn, nhưng lòng dũng cảm của nạn nhân đó đã buộc tôi trở thành một người trưởng thành theo cách mà tôi chưa từng trải nghiệm”, Đức Hồng y Cupich nói. “Cuộc gặp gỡ đó khiến tôi nhận thức rằng trong Giáo hội không có chỗ dành cho những nhà lãnh đạo lạm dụng quyền lực hoặc mong đợi đặc ân hoặc sự bảo vệ vì địa vị của họ”.

Vị Giám chức cũng nói về các giao thức bảo vệ của Chicago, được thực thi bởi Đức cố Hồng y Joseph Bernardin, người đã thành lập ủy ban hỗ trợ nạn nhân vào năm 1992. Đức Hồng y Cupich phát biểu với các tham dự viên tham dự hội nghị rằng “chúng ta sẽ làm hết trách nhiệm để ghi nhớ” rằng khi người tiền nhiệm của ngài “đề xuất sáng kiến” bằng cách thực hiện các giao thức bảo vệ, ngài “đã bị cáo buộc về việc quản lý kém cỏi của mình”.

Đức Hồng y Bernardin “đã tự quy phục quy trình đánh giá của Tổng Giáo phận, liên hệ với người tố cáo sau khi người này tự rút lui, cầu nguyện với người thanh niên đang hấp hối, và đề nghị chăm sóc mục vụ và hòa giải. Mẫu gương của ngài có tác động mạnh mẽ ngày nay”.

Phát biểu về Hiến chương Dallas năm 2002 do Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ thông qua, Đức Hồng y Cupich cho biết nó củng cố những gì Tổng giáo phận Chicago đã làm trong hơn một thập kỷ qua bằng cách yêu cầu mọi Giáo phận tại Hoa Kỳ “thúc đẩy việc chữa lành và hòa giải những nạn nhân sống sót và gia đình của họ” cũng như “phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các cáo buộc lạm dụng, hợp tác với các cơ quan dân sự, những người vi phạm kỷ luật, cung cấp một môi trường an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua việc đào tạo và sàng lọc, đồng thời cung cấp các phương tiện giải trình thông qua đánh giá hàng năm về việc thực hiện các yêu cầu của hiến chương này”.

“Chúng ta, các Giám mục, phải đề cập một cách thẳng thắn mức độ mà chúng ta đã giữ những lời hứa đã đưa ra vào năm 2002 với việc thông qua hiến chương”, Đức Hồng y Cupich nói. “Điểm mấu chốt là thế này: Hiến chương sẽ hoạt động một cách hiệu quả nếu chúng ta thực sự thực hiện nó”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube