Đức Hồng y Cupich: 5 bước để đối phó với tình trạng bạo lực đang gia tăng ở Chicago

Nhiều nhân viên thực thi pháp luật bị bắn ở Chicago (Ảnh: Getty năm 2021)

Nhiều nhân viên thực thi pháp luật bị bắn ở Chicago (Ảnh: Getty năm 2021)

Đức Tổng Giám mục Địa phận Chicago, Đức Tổng Giám mục Blase J. Cupich, gợi ý năm bước để chống lại tình trạng bạo lực đang gia tăng ở Chicago.

Trong bối cảnh bạo lực đường phố đang ngày càng gia tăng trong thành phố, Đức Hồng y Blase J. Cupich Địa phận Chicago đã kêu gọi các tín hữu Công giáo và “tất cả những người có tinh thần thiện chí” chống lại sự cám dỗ để rút lui về nơi mà họ coi như là “không gian an toàn”, nhưng thay vào đó tham gia vào việc đối thoại và lắng nghe.

Hơn 2000 người bị xả súng tại Chicago trong năm 2021

Sở cảnh sát Chicago báo cáo kỷ lục 100 vụ xả súng trong kỳ nghỉ cuối tuần nhân dịp Ngày Độc lập, với 14 người chết, trong đó có 2 trẻ em và 83 người bị thương. Vụ xả súng đã đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề an ninh trong thành phố. 2.019 người đã bị xả súng ở Chicago tính đến ngày 4 tháng 7 năm 2021, tăng gần 13% so với năm ngoái và tăng 58% số vụ xả súng so với năm 2019.

Một “cuộc khủng hoảng tinh thần”

Sau những vụ việc xay ra gần đây nhất, Đức Hồng Y Cupich đã ban hành Lá thư Mục vụ phản ánh về vấn đề này và đồng thời đề xuất một cách khả thi để đảo ngược xu hướng nguy hiểm này vốn đang đe dọa mọi người. “Có thể hiểu được, chúng ta mong muốn tình huống kinh hoàng này phải được giải quyết ngay lập tức”, Đức Hồng Y Cupich nói, đồng thời nhắc lại rằng các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà hoạt động cộng đồng đã đưa ra nhiều ý tưởng, bao gồm “việc kiểm soát hiệu quả hơn, cải cách hệ thống tư pháp hình sự, ngăn chặn nạn sử dụng súng bất hợp pháp, triệt phá các băng nhóm, đầu tư vào các khu dân cư có lịch sử khó khăn, tăng cường giáo dục và nâng cao đời sống gia đình”. Về phần mình, Đức Hồng Y Cupich đã chỉ ra “cuộc khủng hoảng tinh thần” tiềm ẩn mà tình trạng bạo lực và bất ổn này đã gây ra.

Chúng ta có sự kết nối chặt chẽ với nhau

“Khi bạo lực gây ra đau buồn, sợ hãi và mất hy vọng, như thường lệ, mọi người cảm thấy xa lánh nhau. Ở một mức độ nào đó, sự rạn nứt dường như dọc theo các ranh giới chủng tộc, sắc tộc, tầng lớp kinh tế và đảng phái chính trị. Nhưng trên thực tế nó còn sâu xa hơn thế nhiều”, Đức Hồng Y Cupich lưu ý. “Chúng ta dường như không thể hoặc không muốn hiểu rằng chúng ta có sự liên hệ chặt chẽ với nhau”. “Tuy nhiên, tất cả chúng ta thực sự là anh chị em của nhau”, vị Giám chức chỉ ra, trích dẫn Thông điệp ‘Fratelli Tutti’ của Đức Thánh Cha Phanxicô và những lời của Mục sư Martin Luther King vào năm 1964. “Nếu chúng ta đánh mất cảm thức về sự liên hệ với nhau, chúng ta cũng sẽ đánh mất ý thức về lòng nhân ái, sự đồng cảm và tinh thần trách nhiệm với nhau”.

Đặt câu hỏi, lắng nghe, cầu nguyện và duy trì sự kết nối

Do đó, như một chặng đường phía trước, Đức Hồng Y Cupich đề xuất năm bước. Bước đầu tiên là “đặt câu hỏi”, nhưng phải “chuẩn bị để lắng nghe một cách chân thực, ngay cả khi những gì chúng ta đang lắng nghe chứng tỏ sự đau đớn”. Bước thứ hai được đề xuất là đối thoại, tức là tìm kiếm “sự trao đổi trung thực với những người có hoàn cảnh khác nhau”, giúp cho sự hiểu biết và đồng cảm lẫn nhau. Đức Hồng Y Cupich cũng đề nghị việc cầu nguyện, để cầu xin sự soi sáng và phân biệt Thánh ý của Thiên Chúa.

“Nếu bạn mong muốn hòa bình, hãy dấn thân cho công lý”

Cuối cùng, Đức Hồng Y Cupich khuyến nghị việc “duy trì sự kết nối”: “Sự cám dỗ lớn nhất trong thời kỳ khủng hoảng đó là rút lui về nơi mà chúng ta coi như là không gian an toàn”, Đức Hồng Y Cupich nói. “Trên thực tế, điều chúng ta cần nhất là bước ra khỏi vùng an toàn của mình và đồng hành cùng với nhau, ngay cả khi điều đó đòi hỏi sự nỗ lực và thậm chí là một số rủi ro”.

Bức thư kết thúc bằng những lời của Thánh Vịnh 91: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn”, và những lời của Đức Giáo hoàng Phaolô VI: “Nếu bạn mong muốn hòa bình, hãy dấn thân cho công lý”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube