ĐTC Phanxicô: ‘Bổ trợ có nghĩa là tất cả mọi người đều nắm giữ vai trò riêng của mình trong việc chữa lành xã hội’

Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi tiếp kiến chung của ngài ở sân San Damaso tại Vatican, ngày 23 tháng 9 năm 2020. Nguồn ảnh: Pablo Esparza / EWTN News)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại sân San Damaso tại Vatican, ngày 23 tháng 9 năm 2020. (Ảnh: Pablo Esparza / EWTN News)

Hôm thứ Tư 23/9, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Ngài lo ngại rằng các công ty dược phẩm lớn được lắng nghe nhiều hơn đội ngũ các nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu trong công việc phục hồi hậu đại dịch, và nguyên tắc bổ trợ của Giáo hội Công giáo chính là giải pháp.

“Khi một dự án được khởi động có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một số nhóm xã hội nhất định, những nhóm này không thể bị loại khỏi việc tham gia… sự khôn ngoan của các nhóm nhỏ hơn không thể bị gạt sang một bên. Thật không may, sự bất công này thường xảy ra ở những nơi tập trung các lợi ích kinh tế và địa chính trị khổng lồ, chẳng hạn như các hoạt động khai thác nhất định ở một số khu vực trên hành tinh”, ĐTC Phanxicô chia sẻ hôm 23/9.

“Hãy nghĩ về các biện pháp hỗ trợ tài chính lớn do các Quốc gia ban hành. Các công ty tài chính lớn nhất được lắng nghe hơn là người dân hoặc những người thực sự thúc đẩy nền kinh tế”, ĐTC Phanxicô chia sẻ tại sân San Damaso tại Vatican.

viewPhoto

“Hoặc chúng ta hãy nghĩ về cách chữa trị vi-rút: các công ty dược phẩm lớn được lắng nghe nhiều hơn đội ngũ nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu trong các bệnh viện hoặc trong các trại tị nạn. Đây không phải là một đường hướng đúng đắn. Mọi người nên được lắng nghe, những người đứng đầu và những người ở dưới cùng, tất cả mọi người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng nguyên tắc bổ trợ là vô cùng cần thiết trong những tình huống như thế này để đảm bảo các giải pháp tốt nhất. Bổ trợ là ý tưởng, bắt nguồn sâu xa từ truyền thống Công giáo, rằng nhà hữu trách gần nhất với nhu cầu địa phương là cơ quan phù hợp nhất để giải quyết vấn đề. Nó chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa tập thể và đặt ra những giới hạn cho sự can thiệp của nhà nước.

“Để vượt qua cuộc khủng hoảng tốt hơn, nguyên tắc bổ trợ phải được thực hiện, tôn trọng quyền tự chủ và khả năng chủ động mà mọi người đều có, đặc biệt là những người yếu thế nhất”, ĐTC Phanxicô nói.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo tuyên bố rằng, theo nguyên tắc bổ trợ: “một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu công ích”.

ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng tất cả sự khôn ngoan và đóng góp của các cá nhân, các gia đình, các hiệp hội, doanh nghiệp và Giáo hội là cần thiết để phục hồi xã hội.

“Nguyên tắc bổ trợ cho phép mọi người đảm nhận vai trò riêng của mình đối với sự chữa lành và vận mệnh của xã hội”, ĐTC Phanxicô nói.

Theo ĐTC Phanxicô, tự do tôn giáo và tự do ngôn luận là một yếu tố quan trọng cho phép những tiếng nói này được lắng nghe.

“Trong một số xã hội, nhiều người không được tự do biểu lộ đức tin và các giá trị riêng của họ, ý tưởng riêng của họ: nếu họ bày tỏ một cách tự do, họ sẽ bị bỏ tù. Ở những nơi khác, đặc biệt là ở thế giới phương Tây, nhiều người phải kìm nén các xác tín tôn giáo hoặc luân lý đạo đức của họ. Đây không phải là cách để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, hoặc ít nhất là thoát khỏi nó một cách tốt hơn”, ĐTC Phanxicô nói.

viewPhoto (2)

Những suy tư trên của Đức Thánh Cha Phanxicô về nguyên tắc bổ trợ là một phần trong loạt bài chia sẻ Giáo lý hàng tuần của Ngài, bắt đầu vào tháng 8, về Giáo huấn Xã hội Công giáo. Với tiêu đề “Chữa lành thế giới”, thông điệp của Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến hôm thứ Tư 23/9 tập trung vào đại dịch COVID-19 dựa trên Giáo huấn của Giáo hội.

Trong những tuần trước, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ về tầm quan trọng của nguyên tắc liên đới công ích. Tuần này, ĐTC Phanxicô lưu ý rằng liên đới và bổ trợ cả hai đều cần thiết cho thiện ích của xã hội.

“Sự liên đới này cũng cần phải có sự bổ trợ”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh. “Trên thực tế, sẽ không có sự liên đới thực sự nếu không có sự tham gia xã hội, không có sự đóng góp của các cơ quan trung gian: các gia đình, các hiệp hội, các hợp tác xã, tiểu thương, và các biểu hiện khác của xã hội. Tất cả mọi người đều cần phải đóng góp, tất cả mọi người. Hình thức tham gia này giúp ngăn chặn và sửa chữa một số khía cạnh tiêu cực của sự toàn cầu hóa và hoạt động của các Quốc gia, như nó đang diễn ra liên quan đến việc chữa lành những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch”.

“Những đóng góp ‘từ dưới lên’ nên được khuyến khích. Thật tuyệt vời biết bao khi chứng kiến các tình nguyện viên trong cuộc khủng hoảng. Các tình nguyện viên xuất phát từ mọi thành phần trong xã hội, các tình nguyện viên xuất phát từ các gia đình khá giả và những người xuất phát từ các gia đình nghèo hơn. Nhưng tất cả mọi người, tất cả mọi người đều cùng nhau thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Đây chính là sự liên đới và đây chính là nguyên tắc bổ trợ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng một thành phần quan trọng khác của bổ trợ đó là những người có trách nhiệm cao hơn phải tìm kiếm lợi ích của những người không có đủ nguồn lực.

“Sau cuộc đại suy thoái kinh tế năm 1929, Đức Giáo hoàng Piô XI đã giải thích về tầm quan trọng của nguyên tắc bổ trợ”, ĐTC Phanxicô nói.

“Một mặt, và trước hết là trong những thời điểm có sự thay đổi, khi các cá nhân đơn lẻ, các gia đình, hiệp hội nhỏ lẻ và các cộng đồng địa phương không có khả năng đạt được các mục tiêu chính yếu, thì các cấp cao nhất của xã hội, chẳng hạn như Nhà nước, nên can thiệp để cung cấp các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển”.

“Ví dụ như, do các biện pháp cách ly xã hội do coronavirus, nhiều người, nhiều gia đình và các tổ chức kinh tế đã rơi vào và hiện còn đang tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Vì vậy, các tổ chức công đang cố gắng giúp đỡ thông qua các biện pháp can thiệp thích hợp, kinh tế xã hội, liên quan đến y tế… đây là chức năng của họ, những điều họ cần phải thực hiện. Tuy nhiên, mặt khác, các nhà lãnh đạo xã hội phải tôn trọng và thúc đẩy các cấp trung hoặc thấp hơn”.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 23/9, diễn ra vào một buổi sáng trời mưa, ĐTC Phanxicô đã đề cập rằng ngài sẽ làm phép một quả chuông có tên là “Tiếng nói của những đứa trẻ chưa được sinh ra” (The Voice of the Unborn), do tổ chức “Sì alla Vita” đặt mua.

“Nó sẽ đồng hành cùng với các sự kiện nhằm ghi nhớ giá trị của sự sống con người kể từ khi thụ thai cho đến khi chết đi một cách tự nhiên”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời bày tỏ mong muốn rằng âm thanh của nó sẽ thức tỉnh lương tâm của các nhà lập pháp và tất cả những người có tinh thần thiện chí.

“Trong suốt thời gian cách ly xã hội, cử chỉ tự phát của những tiếng vỗ tay tán thưởng đội ngũ các bác sĩ và y tá đã bắt đầu như một dấu hiệu của sự khích lệ và hy vọng. Nhiều người đã dám mạo hiểm cả tính mạng và nhiều người đã hy sinh mạng sống của họ. Chúng ta hãy dành sự hoan nghênh này đến tất cả mọi thành viên trong xã hội, đến từng người và mọi người vì sự đóng góp quý báu của họ, dù nhỏ đến đâu”, ĐTC Phanxicô nói.

“Chúng ta hãy hoan nghênh những người “bị gạt ra bên lề xã hội”, những người mà văn hóa định nghĩa là những người bị ‘vứt bỏ’, nền văn hóa thải loại này – nghĩa là, chúng ta hãy hoan nghênh những người lớn tuổi, trẻ em, những người khuyết tật, hãy hoan nghênh những người lao động, tất cả những người cống hiến bản thân để phục vụ. Tất cả những người cùng cộng tác để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube