ĐHY Bo thúc giục chính phủ và công dân Miến Điện cùng nhau chung tay chống đại dịch Covid

Mọi người xếp hàng với bình dưỡng khí bên ngoài một trạm nạp ôxy ở thị trấn Pazundaung ở Yangon, Myanmar, Chủ nhật, ngày 11 tháng 7 năm 2021 (Ảnh: AP)

Người dân xếp hàng với bình dưỡng khí bên ngoài một trạm nạp ôxy ở thị trấn Pazundaung ở Yangon, Myanmar, Chúa nhật, ngày 11 tháng 7 năm 2021 (Ảnh: AP)

Vị Hồng y duy nhất của Myanmar, và có lẽ là nhân vật tôn giáo nổi bật nhất của quốc gia đang gặp khó khăn bất chấp tình trạng thiểu số của Giáo hội Công giáo, đã kêu gọi người dân và chính phủ hợp lực chống lại sự lây lan của coronavirus, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng sự hợp tác sẽ mang lại sự hàn gắn và thống nhất nơi một quốc gia bị chia rẽ.

Trong một tuyên bố nhân kỳ nghỉ Ngày Liệt sĩ Myanmar vào 19 tháng Bảy, Đức Hồng Y Miến Điện Charles Bo, Tổng Giám Mục Địa phận Yangon, cho biết rằng ngoài các cuộc đụng độ bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng Hai, đại dịch coronavirus “đang tiến hành một cuộc chiến chống lại dân tộc chúng ta với một sự hung dữ chưa được biết đến đối với người dân của chúng ta”.

“Hàng nghìn người bị nhiễm bệnh, hàng trăm người được chôn cất không người tiễn đưa và thương tiếc, được chôn cất vội vã trong các nghĩa trang chật kín. Người dân chúng ta ngày đêm chờ đợi dưỡng khí trên những con phố đông đúc”, Đức Hồng y Bo nói, và đồng thời lưu ý rằng tâm lý chung của cả nước đo là tâm lý “buồn phiền ủ dột”.

Theo Bộ Y tế Myanmar, số ca tử vong liên quan đến COVID hiện tại trong khoảng thời gian 24 giờ tính đến Chúa nhật là 231 người, giảm từ mức cao nhất mọi thời điểm là 233 người vào hôm thứ Bảy. Tuy nhiên, các bác sĩ và chuyên gia y tế cho biết số người chết hàng ngày có thể cao hơn nhiều và các lò hỏa táng hiện đang trong tình trạng quá tải.

Với hệ thống chăm sóc sức khỏe suy yếu sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2 trong đó quân đội Myanmar lật đổ nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, quốc gia này hiện đang phải vật lộn để vượt qua làn sóng coronavirus thứ ba.

Chỉ trong tháng này, số người chết ở Myanmar đã tăng 50%, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người, với số trường hợp gia tăng khi biến thể Delta nguy hiểm lan rộng.

Với việc nhiều nhân viên y tế tham gia phong trào bất tuân dân sự phản đối chính quyền quân sự, việc xét nghiệm COVID, việc tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa đều bị đình trệ, và thay vì quay sang chính phủ, người dân đang tự giải quyết vấn đề với việc một số nhóm cùng nhau nỗ lực nhập bình oxy từ quốc gia Thái Lan láng giềng.

Thống tướng Min Aung Hlaing đã đưa ra lời kêu gọi các tình nguyện viên và sự hợp tác quốc gia trong cuộc họp khẩn cấp về coronavirus. Trong bình luận được phát sóng trên đài truyền hình nhà nước hôm Chúa nhật, ông cho biết: “Một số người không dám tình nguyện vì bị đe dọa. Một số người muốn tham gia nhưng họ có những lý do và khó khăn khác nhau. Như tôi đã nói trước đây, tôi hoan nghênh họ. Cần phải có sự hợp tác”.

Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng y Bo lưu ý rằng ngày 19 tháng 7 được đánh dấu là Ngày Liệt sĩ Myanmar quốc gia, được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ một số anh hùng giành độc lập đã bị giết hại, bao gồm Tướng Aung San, cha của nhà lãnh đạo dân chủ bị giam giữ của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, người hiện đang trải qua quá trình xét xử với nhiều tội danh có thể khiến bà phải ngồi tù hàng chục năm.

Đề cập đến các nhà lãnh đạo đã hy sinh trong cuộc chiến giành độc lập cho Miến Điện, Đức Hồng Bo nói: “Sự hy sinh xương máu của họ nhằm mục đích biến đất nước này trở thành một đất nước vĩ đại”.

“Khi COVID vượt ra ngoài tầm kiểm soát, gây ra nỗi sợ hãi, lo lắng và sự chết chóc, cách duy nhất chúng ta có thể bày tỏ lòng kính trọng đối với sự hy sinh của các Liệt sĩ đó là đoàn kết với nhau như một quốc gia chống lại đại dịch”, Đức Hồng y Bo nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Đây không phải là thời điểm để gây ra thêm những tổn thương. Đây là lúc để chữa lành”.

Để đánh dấu ngày lễ, những người biểu tình chống đảo chính đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp đất nước để tôn vinh những người anh hùng đã ngã xuống của họ, với việc các tài xế ở Yangon bấm còi xe vào lúc 10:37 sáng, một truyền thống đánh dấu thời điểm các nhà lãnh đạo độc lập bị giết hại.

Các nhà chức trách quân sự ở Yangon đã tổ chức một buổi lễ được kiểm soát chặt chẽ tại một lăng mộ dành riêng để tưởng nhớ Tướng Aung San, người bị ám sát cùng với các thành viên trong nội các của ông vào ngày 19 tháng 7 năm 1947, bất chấp cuộc truy tố hiện tại đối với con gái của Tướng Aung San, bà Suu Kyi.

Ở Monywa, nằm ở phía tây thành phố Mandalay của Miến Điện, những người biểu tình chống chính quyền đã tổ chức một cuộc tuần hành nhân ngày lễ này, họ hô vang: “Các anh hùng liệt sĩ không bao giờ chết. Chúng tôi sẽ rửa chân bằng máu của những con khuyển binh”, đề cập đến Tatmadaw, lực lượng vũ trang quân sự của Myanmar.

Kể từ khi cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 bắt đầu, lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 914 người. Khoảng 6.770 người đã bị bắt giữ, 5.277 người bị giam giữ hoặc bị kết án, và khoảng 1.963 người khác hiện đang bị lực lượng an ninh truy nã, theo nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Hôm thứ Sáu tuần trước, ủy ban quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng họ đã nhận được “thông tin đáng tin cậy” rằng 75 trẻ em đã bị giết và khoảng 1.000 trẻ em đã bị bắt giữ kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu.

Ngoài những người chết và bị bắt giữ, nhiều người vẫn phải di tản trong bối cảnh của cuộc giao tranh giữa Tatmadaw và các nhóm nổi dậy ở các bang phía đông và phía tây của đất nước, với nhiều người phải ẩn náu trong các khu rừng rậm, nơi việc viện trợ nhân đạo khó tiếp cận và trong một số trường hợp, bị quân đội phong tỏa.

Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng y Bo cho biết Myanmar “gần đây đã chứng kiến quá nhiều nước mắt” và đồng thời kêu gọi tất cả các bên “Xin hãy chấm dứt tất cả mọi cuộc xung đột”.

“Cuộc chiến duy nhất mà chúng ta cần tiến hành đó là cuộc chiến chống lại thứ virus vô hình chết chóc, được chứng minh là bất khả chiến bại ngay cả với các siêu cường quốc trên thế giới”, Đức Hồng y Bo nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Giờ đây chúng ta có đủ khả năng chống lại chiến tranh, xung đột và việc di tản không? Đã đến lúc phải tăng cường một đội quân tình nguyện, được trang bị bộ dụng cụ y tế để tiếp cận với những người dân đang chịu nhiều đau khổ của chúng ta”.

Ghi nhận cách việc các công dân đoàn kết với nhau để chống lại hai làn sóng coronavirus đầu tiên của đất nước, Đức Hồng y Bo cho biết “chủ nghĩa anh hùng” của các tình nguyện viên và các nhân viên tuyến đầu đã “khiến chúng ta cảm động rơi nước mắt”, Đức Hồng y Bo nói, “Đã đến lúc chúng ta cùng nhau kỷ niệm sự đoàn kết trong tinh thần phục vụ. Chúng ta có khả năng một lần nữa cùng nhau làm điều đó”.

Đức Hồng y Bo yêu cầu các nhà chức trách quốc gia ở Myanmar tạo điều kiện đảm bảo an ninh cho các nhân viên y tế và thanh thiếu niên “tham gia chống lại mối đe dọa hiện hữu đối với chúng ta với tư cách là một quốc gia”.

“Đoàn kết thì sống; chia rẽ thì chết. Lịch sử sẽ là sự phán xét khắc nghiệt nhất nếu chúng ta không thi thố lòng nhân ái”, Đức Hồng y Bo nói, và đồng thời kêu gọi mọi người hãy xích lại gần nhau hơn.

“Chúng ta đã đối mặt với nhiều thách thức với tư cách là một dân tộc và với tư cách là một quốc gia. Chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt với thử thách này. Chớ gì đây sẽ là lời kêu gọi tất cả chúng ta tạo dựng tinh thần đoàn kết vốn cuối cùng sẽ mở ra hòa bình và hòa giải”, Đức Hồng y Bo nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Chúng ta có thể cùng nhau đánh bại kẻ thù này”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube