Đại hội Gia đình Thế giới: Suy tư về sự đau khổ, sự mất mát, sự tha thứ và sự thánh thiện

Hai vợ chồng Daniel và Leila Abdallah tại Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10 năm 2022

Hai vợ chồng Daniel và Leila Abdallah tại Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10 năm 2022

Daniel và LeilaAbdallah là cha mẹ của bảy người con mà cuộc sống của họ đã bị đảo lộn cách đây 2 năm trước bởi cái chết của ba đứa con của họ dưới tay của một người lái xe say rượu. Cặp vợ chồng đã kể câu chuyện của họ tại Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10 (WMOF), suy tư về việc đức tin của họ đã dẫn họ đến sự tha thứ như thế nào.

Daniel và Leila Abdallah đã chia sẻ câu chuyện cá nhân của họ với anh chị em Công giáo đến từ khắp nơi trên thế giới đang tụ họp tại Rôma tham dự Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10 (từ ngày 22 – 26 tháng 6) để khuyến khích họ “bám vào Chúa Kitô, đón nhận sự đau khổ và phó dâng mọi sự trên thập giá” thậm chí ngay cả khi cuộc sống khó khăn.

Cặp vợ chồng Kitô hữu nghi lễ Maronite – cha mẹ của 7 đứa con – đã có bài thuyết trình vào ngày thứ tư của sự kiện kéo dài 5 ngày “về những con đường nên thánh”, kể lại thảm kịch mà họ đã trải qua vào ngày 1 tháng 2 năm 2020 khi một người lái xe say rượu và bị ảnh hưởng bởi ma túy cướp đi mạng sống của 3 người con của họ: hai đứa con gái Sienna và Angelina, cậu con trai Anthony, và đưa cháu gái Veronique Sakr.

Đó là câu chuyện của nỗi đau, của sự hoài nghi, của một gia đình tan vỡ và một cộng đồng trong cảnh tang tóc, nhưng đó cũng là một câu chuyện về tình yêu, sự tha thứ và chữa lành, khi đôi vợ chồng này tiếp tục dấn bước trên con đường nên thánh.

Lựa chọn sự tha thứ

Trong bài phát biểu, chị Leila đã kể về sự lựa chọn của mình để tha thứ cho người lái xe đã gây ra cho chị và gia đình chị rất nhiều sự đau đớn. Khi được giới truyền thông hỏi về cảm xúc của mình, chị Leila chia sẻ: “Tôi không thù ghét anh ta; từ trong thâm tâm tôi nghĩ mình đã tha thứ cho anh ấy, nhưng tôi muốn tòa án phải công bằng”. Chị Leila lưu ý rằng chị không biết tác động của những lời này nhưng chị tin rằng “Chúa Thánh Thần đã đánh động môi miệng tôi để nói lời tha thứ”.

Về phần mình, Daniel cho biết anh nhận ra rằng bất kỳ phản ứng nào của anh cũng có thể xác định anh và gia đình sẽ “ở đâu” trong suốt quãng đời còn lại.

“Tôi đã chọn cách tha thứ cho bản thân khi nhủ lòng mình rằng các con tôi đang ra ngoài dạo chơi”, anh Daniel nói. “Tôi đã chọn cách tha thứ cho kẻ thủ phạm vâng phục thánh ý Cha trên trời. Nếu các con tôi hiện diện ở đây hôm nay, chúng sẽ nói: ‘Bố ơi, hãy tha thứ cho ông ấy'”.

“Tha thứ là cho người được tha thứ nhiều hơn là được tha thứ. Khi bạn tha thứ cho người khác, bạn bắt đầu chữa lành”.

Từ sự đau khổ đến sự tha thứ

Cặp vợ chồng đến từ Úc đã trò chuyện với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn bên lề WMOF, chia sẻ lời chứng về tình yêu thương bất chấp việc đã mất đi ba đứa con của họ.

Anh Daniel nhấn mạnh rằng chiều sâu của sự tha thứ mà họ có được với tư cách là một cặp vợ chồng cũng đã dạy họ rất nhiều về nhau và về cách thức họ nhìn nhau. Anh cũng cho biết thêm rằng bất chấp những tranh cãi thường xuyên, họ đã học được cách quay trở lại nơi có thể tha thứ bởi vì “đôi khi có những điều không đáng để níu kéo”.

Vợ anh, Leila, chia sẻ quan điểm của anh, lưu ý rằng một số cặp vợ chồng ly hôn vì họ không biết cách tha thứ cho nhau.

“Điều quan trọng là phải xả bỏ cơn giận của bạn. Tha thứ vô điều kiện. Hãy yêu thương vô điều kiện để bạn có được sự đồng cảm và lòng trắc ẩn trong cuộc hôn nhân của mình”.

Giữ vững đức tin

Bài thuyết trình của cặp vợ chồng tại WMOF cũng đề cập đến đức tin của họ mà họ phải dựa vào khi cố gắng hàn gắn và tha thứ.

Khi được hỏi về việc họ đã phát triển đức tin này như thế nào, Leila kể lại rằng chị đã lớn lên trong đức tin của mình từ thời thơ ấu: tham dự Thánh lễ, đi xưng tội và lần hạt Mân Côi. Leila cho biết rằng chị vẫn tiếp tục với những thực hành này ngay cả sau khi kết hôn và cô ấy đã truyền lại tất cả những thói quen tốt lành đó cho các con của mình, dạy chúng cũng thực hành sự tha thứ.

Đức tin của chồng của chị nảy sinh muộn hơn một chút, sau khi kết hôn và có con. Anh Daniel lưu ý rằng anh đã có được rất nhiều cảm hứng từ “Kinh Lạy Cha”, đặc biệt khi chúng ta nói: “xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Thông điệp cho những người khác đang đau buồn

Đối với những người khác đang vật lộn với sự đau buồn và mất mát, Daniel và Leila mời gọ họ đừng từ bỏ hy vọng và dâng những đau khổ của họ cho Đức Kitô trên thập giá, bởi vì chúng ta sẽ cảm nghiệm được tất cả những sự đau khổ của Chúa Giêsu cũng như vinh quang của Chúa Giêsu.

“Thông điệp của tôi là ai cũng có một cây Thánh giá phải tự mình vác lấy”, chị Leila nói. “Chúng ta không thể lựa chọn điều gì sẽ xảy ra với mình trong cuộc sống, nhưng chúng ta có thể chọn cách ứng phó. Hãy đáp lại bằng một nụ cười! Hãy phó dâng mọi sự cho Chúa Giêsu! Hãy tin tưởng vào thánh ý của Thiên Chúa”.

Cặp vợ chồng Daniel và Leila thậm chí đã tìm ra cách để biến nỗi đau của mình thành việc giúp đỡ người khác. Họ đã thiết lập nền tảng “i4give.com” cung cấp cho mọi người công cụ để học cách tha thứ cũng như những lợi ích của việc tha thứ.

“Thế giới của chúng ta đang khao khát sự tha thứ”, Daniel nói, “và khi chúng ta nói về điều đó, mọi người vừa đói vừa khát điều đó để hiểu rằng tôi cần trang bị những công cụ nào để có được sự tha thứ”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube