Cơ quan giám sát mới của Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại về tự do tôn giáo

Một cây thánh giá trên đỉnh một nhà thờ Công giáo ở Thiên Tân, Trung Quốc, được nhìn thấy in bóng dưới ánh mặt trời. (Nguồn: Kim Kyung-Hoon / Reuters)

Một cây Thánh giá trên đỉnh một Nhà thờ Công giáo ở Thiên Tân, Trung Quốc, in bóng dưới ánh mặt trời (Ảnh: Kim Kyung-Hoon / Reuters)

ROME – Cuối tuần qua, các quy định mới của Trung Quốc đối với các nhân viên tôn giáo đã có hiệu lực, buộc những người giữ bất kỳ vai trò chính thức nào trong một nhóm tôn giáo, trong số những tổ chức khác, phải cam kết trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chống lại sự can thiệp của nước ngoài.

Nhiều nhà quan sát Công giáo đã bày tỏ quan ngại rằng các quy tắc mới không chỉ vi phạm thỏa thuận của Trung Quốc với Vatican về việc bổ nhiệm Giám mục mà còn khiến cho công cuộc hòa giải giữa cái gọi là Giáo hội “hầm trú” và Giáo hội chính thức được chính phủ chấp thuận trở nên khó khăn hơn.

Được công bố lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2020, với phiên bản cuối cùng do Cơ quan Quản lý Nhà nước về Tôn giáo của Trung Quốc (SARA) phát hành vào tháng 2, các biện pháp mới có tiêu đề “Các biện pháp hành chính đối với các nhân viên tôn giáo” đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5.

Ngoài những vấn đề khác, các quy tắc mới cung cấp việc tạo cơ sở dữ liệu quốc gia chứa thông tin về các nhân viên tôn giáo, bao gồm phần thưởng và/ hoặc hình phạt mà họ đã nhận được, cũng như chi tiết về việc chức vụ của họ có bị thu hồi hay không.

Bao gồm 7 chương gồm 52 điều, các quy định mới được áp dụng cho tất cả các nhân viên tôn giáo – Giám mục, Linh mục, các tu sĩ Phật giáo và Đạo giáo, v.v. – và yêu cầu những người nắm giữ bất kỳ chức năng tôn giáo nào phải được đăng ký chính thức với chính phủ.

Các quy định mới cũng phác thảo các quyền và đặc điểm của công việc tôn giáo ở Trung Quốc, và nghĩa vụ của những người nắm giữ vai trò tôn giáo.

Theo các quy định mới, bất kỳ ai thực hiện chức năng tôn giáo ở Trung Quốc hiện đều phải tuân thủ các quy tắc này, trong đó quy định, ngoài những điều khác, họ phải “yêu Tổ quốc, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủng hộ hệ thống xã hội chủ nghĩa,  và tôn trọng Hiến pháp, pháp luật, các quy tắc và quy định”.

Các cán bộ tôn giáo cũng được yêu cầu “thực hành các giá trị nền tảng của chủ nghĩa xã hội, tuân thủ nguyên tắc độc lập, tự quản đối với tôn giáo và tuân thủ chính sách tôn giáo của Trung Quốc, duy trì đoàn kết dân tộc, đoàn kết sắc tộc, hòa hợp tôn giáo và ổn định xã hội”.

Các nghĩa vụ đối với nhân viên tôn giáo theo các quy tắc mới bao gồm phản đối hoặc chống lại “các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chống lại sự xâm nhập của các thế lực nước ngoài lợi dụng tôn giáo”.

Đối với người Công giáo, điều khoản này sẽ cấm các Linh mục đã chính thức đăng ký và được Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) được nhà nước chấp thuận thể hiện bất kỳ hình thức hiệp thông nào với các Giám mục “không chính thức” hoặc được gọi là “hầm trú” và các giáo sĩ được Rome chúc lành nhưng không được nhà nước phê chuẩn.

Ngay cả các Giám mục Công giáo, những người tuân thủ các yêu cầu của chính phủ cũng chỉ có thể thực thi chức vụ của mình sau khi đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, nghĩa là, trong con mắt của những người chỉ trích, chính chính phủ đưa ra quyết định chứ không phải Rome.

Thông báo ban đầu về các quy tắc mới này vào tháng 11 được đưa ra chỉ một tháng sau khi Vatican gia hạn thỏa thuận tạm thời hai năm với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục.

Mặc dù các điều khoản của thỏa thuận đó chưa bao giờ được công khai, nhưng nhiều người tin rằng nó cho phép Trung Quốc nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo trong nước, đưa ra ba ứng cử viên và để Đức Giáo hoàng lựa chọn.

Nhiều nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại rằng các quy định mới của Trung Quốc đối với các nhân viên tôn giáo hạn chế hơn nữa quyền tự do tôn giáo, và do đó mâu thuẫn trực tiếp với thỏa thuận giữa các Giám mục Vatican-Trung Quốc.

Theo hãng thông tấn truyền giáo AsiaNews, bất chấp việc gia hạn thỏa thuận – mà nhiều người tin rằng đó là một khoản thanh toán trước cho các mối quan hệ ngoại giao cuối cùng, và có ý nghĩa đoàn kết các Giáo hội hầm trú và Giáo hội được nhà nước chấp thuận – cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc, cùng với tất cả các cộng đồng tôn giáo, vẫn phải đối mặt với sự can thiệp nhất quán từ các lực lượng nhà nước.

Linh mục Bernardo Cervellera, người đứng đầu AsiaNews và chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, đã viết trong một bài xã luận được xuất bản vào cuối tháng trước rằng ngay cả sau khi thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc được gia hạn, các hành động của nhà nước chống lại các Giám mục không chính thức chẳng hạn như giam giữ, quản thúc tại gia và phạt tiền vẫn tiếp tục diễn ra.

Một trong những vụ việc gần đây nhất được Linh mục Cervellera trích dẫn liên quan đến Đức Giám mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Peter Shao Zhumin) Địa phận Ôn Châu, ở Chiết Giang, người được Rôma công nhận nhưng không được ĐCSTQ công nhận.

Vì các Kitô hữu trong khu vực chỉ chiếm khoảng 10%, một số gia đình đã xây dựng nhà nguyện riêng trong khuôn viên tư gia của họ để có thể cử hành Thánh lễ và các buổi cử hành phụng vụ khác.

Theo Linh mục Cervellera, vào ngày 16 tháng 3, một giáo dân đã hiến ngôi nhà nguyện của mình cho Đức Cha Zhumin và khoảng 20 tín hữu để họ có thể cùng nhau tham dự Thánh lễ. Cảnh sát đã phát hiện và người đàn ông này đã bị phạt 200.000 nhân dân tệ (30.663 USD) vì tham gia vào “hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, cung cấp bữa trưa và phòng nghỉ cho Đức Cha Zhumin, v.v.” mặc dù thực tế là hiến pháp của Trung Quốc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, và người đàn ông này có đầy đủ tất cả mọi giấy phép thích hợp đối với ngôi nhà nguyện của mình.

Vì Đức Cha Zhumin được truyền chức “bởi một tổ chức nước ngoài”, nghĩa là Vatican, báo cáo của cảnh sát cũng cho biết rằng Thánh lễ “đi ngược lại nguyên tắc độc lập, tự chủ và tự quản của Giáo hội ở Trung Quốc”.

Vụ việc làm dấy lên lo ngại giữa những người Công giáo địa phương rằng thậm chí việc cầu nguyện trong các nhóm nhỏ tại tư gia, vốn đã trở thành một thực tế phổ biến trong đại dịch coronavirus, có thể bị coi là bất hợp pháp.

Nó cũng làm dấy lên lo ngại về việc làm thế nào Giáo hội Công giáo có thể tự do hoạt động ở Trung Quốc, bất chấp việc gia hạn thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám mục.

Ngoài vụ việc này, cũng có báo cáo về việc Vatican yêu cầu đặt văn phòng tại Bắc Kinh đã bị từ chối, các trại trẻ mồ côi do các Nữ tu Công giáo điều hành, được nhiều người biết đến với việc cứu những em bé gái không mong muốn đã bị đóng cửa, và cảnh sát đã thực thi nghiêm ngặt hơn luật cấm trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi tham dự các nghi lễ tôn giáo, ngay cả cùng với cha mẹ của họ.

Vẫn còn một năm rưỡi nữa trước khi thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc hết hiệu lực. Cho dù bất kỳ điều khoản nào trong số này sẽ ảnh hưởng đến khả năng gia hạn lần thứ hai của thỏa thuận đó, hoặc liệu Trung Quốc có nới lỏng sự kìm kẹp đối với các cộng đồng tôn giáo trong 18 tháng tới hay không, vẫn còn phải xem xét.

Trong khi đó, cách tiếp cận mềm mỏng của Vatican đối với Trung Quốc cũng có thể có tác động đến quan hệ giữa Vatican và Hoa Kỳ.

Khi thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc được gia hạn vào tháng 10 năm 2020, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai phàn nàn về điều đó, cho rằng cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số tôn giáo, bao gồm cả các Kitô hữu, đã gia tăng kể từ khi thỏa thuận với Bắc Kinh được ký kết, và Rome có nguy cơ đánh mất thẩm quyền luân lý nếu không rút lại thỏa thuận này.

Trong một cuộc phỏng vấn với Crux ngay sau khi những bình luận đó được đưa ra, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục người Anh Paul Gallagher, thừa nhận rằng thỏa thuận không hoàn hảo và Vatican không hài lòng với cách thỏa thuận này được thực hiện, nhưng vị Giám chức nhấn mạnh rằng thà có còn hơn không.

Cho đến nay, chính quyền Biden đã có một cách tiếp cận tương đối cứng rắn đối với chính Trung Quốc, nhưng quan điểm của họ đối với quan hệ Trung Quốc-Vatican là không rõ ràng. Một số chỉ thị có thể sẽ được đưa ra vào cuối mùa xuân này khi Biden dự kiến sẽ tiết lộ sự lựa chọn của mình cho vị trí Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh, người có khả năng sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về thỏa thuận giữa Vatican với Trung Quốc trong quá trình xác nhận.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube