Chuyến viếng thăm Iraq là cơ hội để Đức Phanxicô xây dựng mối quan hệ với các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite

Những người đưa tang khiêng quan tài của một chiến binh thuộc Lực lượng Huy động Nhân dân(PMF) của Hồi giáo dòng Shiite , người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở phía đông Tikrit, trong một lễ tang tại một nghĩa trang ở Najaf, Iraq, ngày 24 tháng 1 năm 2021. (Nguồn: Alaa al-Marjani / Reuters)

Những người đưa tang khiêng quan tài của một chiến binh thuộc Lực lượng Huy động Nhân dân(PMF) của Hồi giáo dòng Shiite, người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở phía đông Tikrit, trong một tang lễ tại một nghĩa trang ở Najaf, Iraq, ngày 24 tháng 1 năm 2021 (Ảnh: Alaa al-Marjani / Reuters)

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nỗ lực của mình nhằm khuyến khích và trực tiếp tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn, chuyến viếng thăm Iraq dự kiến vào tháng 3 sắp tới sẽ là cơ hội để mở rộng vòng tay với cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite.

Ở Iraq – giống như Iran, Bahrain và Azerbaijan – hơn 60% các tín đồ Hồi giáo đều thuộc dòng Shiite. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite chỉ là một nhóm thiểu số, chỉ chiếm chưa đến 15% cộng đồng Hồi giáo. Hầu hết các tín đồ Hồi giáo đều thuộc dòng Sunni.

Mặc dù hai cộng đồng đã có những tranh chấp nghiêm trọng, thậm chí là bạo lực, “sự khác biệt giữa Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shiite không quá quan trọng hoặc rõ ràng, bởi vì cả hai đều thờ cùng một Thượng đế, và Muhammad là vị tiên tri của họ và là người đã lãnh nhận Kinh Qur’an”, một tài liệu thiêng liêng, Shahrzad Houshmand Zadeh, một nhà thần học Hồi giáo dòng Shiite giảng dạy tại Đại học Giáo hoàng Grêgoriô ở Rome, cho biết.

Thường được gọi là hệ phái hoặc trường phái tư tưởng hoặc thậm chí là giáo phái, cộng đồng Sunni và Shiite đã sớm bị chia rẽ trong lịch sử Hồi giáo trong một cuộc tranh chấp về việc ai là người kế vị hợp pháp tiên tri Muhammad trong việc lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo. Đối với các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite, lựa chọn rõ ràng là Ali, con rể của tiên tri Muhammad, người mà họ tin rằng đã được tiên tri Muhammad chỉ định. Thay vào đó, các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni quyết định bầu một ‘Khaliph’ và chọn Abu Bakr là người đầu tiên; nhưng nhiều năm sau, họ chọn Ali là vị Khaliph thứ tư, vì vậy cả hai đều công nhận ông là một nhân vật quan trọng trong Hồi giáo sơ khai.

Ali được chôn cất tại thành phố Najaf của Iraq, và lăng mộ của ông trở thành một địa điểm hành hương. Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đến thăm thành phố này vào ngày 6 tháng 3 để có cuộc gặp với Đại giáo sĩ Ayatollah Ali al-Sistani, một trong những nhân vật có thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo dòng Shiite.

Sau cuộc gặp gỡ vào tháng 2 năm 2019 của ông với Sheikh Ahmad el-Tayeb, Đại Imam của Đại học Hồi giáo Al-Azhar, người có thẩm quyền được nhiều người Hồi giáo dòng Sunni trên thế giới công nhận, cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đại giáo sĩ Ayatollah al-Sistani sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận đó đến tất cả các tín đồ Hồi giáo, thần học gia Houshmand nói.

Mặc dù không có tài liệu chung nào được mong đợi từ cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đại giáo sĩ Ayatollah al-Sistani – không giống như tài liệu về “Tinh thần Huynh đệ Nhân loại được ký với Sheikh Ahmad el-Tayeb – “Tôi chắc chắn sẽ có một sự hiểu biết về mặt tinh thần tuyệt vời, thậm chí có thể lớn hơn” giữa hai nhà lãnh đạo, thần học gia Houshmand cho biết.

“Tôi không biết Ngài có ý hướng đó hay không, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang tạo ra sự hòa hợp hơn giữa các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni và Shiite”, thần học gia Houshmand nói. “Những cuộc gặp gỡ như vậy, vốn mang tính chất đầy can đảm, đổi mới và cấp bách, chính là nguồn hy vọng cho nhân loại”.

Theo cách thức tương tự như những điều đã xảy ra sau khi sự chia rẽ phát triển trong Kitô giáo, một khi cộng đồng Sunni và Shiite tách biệt khỏi nhau, sự khác biệt bắt đầu phát triển trong các lĩnh vực cầu nguyện và lòng sùng kính, thần học và luật học mặc dù họ tiếp tục chia sẻ các nguyên lý cốt lõi của đức tin. Và cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện, ăn chay, bố thí, hành hương đến thánh địa Mecca và làm chứng cho đức tin.

Một trong những điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shiite, thần học gia Houshmand cho biết, đó là sự sùng kính của Hồi giáo dòng Shiite đối với các vị thánh, đặc biệt là đối với Ali và các Imam thời kỳ đầu. Cũng giống như người Công giáo tôn kính các vị Thánh, nhưng không tôn thờ họ, các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite khẳng định sự độc nhất của Muhammad với tư cách là một nhà tiên tri, nhưng tin rằng sự thánh thiện tiếp tục tồn tại trên thế giới trong đời sống của các vị thánh và tin rằng họ có thể làm trung gian giữa Thượng đế và con người trên trần gian.

Và cũng giống như các tín hữu Công giáo, thần học gia Houshmand nói, các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite đã phát triển các thực hành mang tính chất sùng mộ, bao gồm các cuộc rước tôn giáo, vốn không phải là một đặc điểm của cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni.

Minh Tuệ (theo Crux)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube