'Chúng ta hãy thoát ra khỏi cơn ác mộng hạt nhân': ĐTC Phanxicô dẫn đầu Lời kêu gọi Hòa bình tại Đấu trường La Mã

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự  hội nghị thượng đỉnh liên tôn kéo dài ba ngày do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức cùng với các nhà lãnh đạo Kitô giáo (Ảnh: NCR/ Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn kéo dài ba ngày do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức cùng với các nhà lãnh đạo Kitô giáo (Ảnh: NCR/ Truyền thông Vatican)

Buổi cầu nguyện cho hòa bình là một phần của hội nghị thượng đỉnh liên tôn kéo dài ba ngày do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức. Phong trào Công giáo đã tổ chức Hội nghị quốc tế về chủ đề Hòa bình hàng năm kể từ năm 1986.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến bóng ma của chiến tranh hạt nhân trong Lời kêu gọi Hòa bình liên tôn tại Đấu trường La Mã hôm thứ Ba.

Phát biểu từ chiếc xe lăn trên sân khấu bên cạnh các nhà lãnh đạo Chính thống giáo Đông phương, Chính thống giáo Cổ Đông phương, Giáo hội Assyria Đông phương, các đại diện của Tin lành, Hồi giáo, Do Thái, Phật giáo và Ấn Độ giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng ngài đang đưa ra lời kêu gọi hòa bình vào thời điểm khi nó đã “bị vi phạm nghiêm trọng, bị tấn công và bị chà đạp… ở Châu Âu”.

“Ngày nay, trên thực tế, điều mà chúng ta sợ hãi và hy vọng không bao giờ nghe thấy nữa đang bị đe dọa hoàn toàn: việc sử dụng vũ khí nguyên tử, ngay cả sau sựu kiện Hiroshima và Nagasaki vẫn tiếp tục được sản xuất và thử nghiệm một cách sai lầm”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu hôm 25 tháng 10.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh việc Thánh Gioan XXIII thúc giục tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ hãy cứu thế giới khỏi nỗi kinh hoàng của chiến tranh vào năm 1962, vào thời điểm “khi cuộc đối đầu quân sự và thảm sát hạt nhân dường như sắp xảy ra”, và đồng thời cho biết rằng ngài muốn đích thân đưa ra lời kêu gọi này 60 năm sau.

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự hội nghị quốc tế “Tiếng kêu cầu hòa bình” (Il Grids della speed) vì hòa bình do Cộng đồng Sant'Egidio tổ chức cùng với các nhà lãnh đạo Kitô giáo trước Đấu trường La Mã, thứ Ba, ngày 25 tháng 10 năm 2022 (Ảnh : Andrew Medichini / AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự hội nghị quốc tế “Tiếng kêu cầu hòa bình” (Il Grids della speed) vì hòa bình do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức cùng với các nhà lãnh đạo Kitô giáo trước Đấu trường La Mã, thứ Ba, ngày 25 tháng 10 năm 2022 (Ảnh : Andrew Medichini / AP)

Ngay sau bài phát biểu của Đức Thánh Cha, một người tị nạn Syria đã đọc lớn “Lời kêu gọi Hòa bình” do các nhà lãnh đạo tôn giáo có mặt đồng ký.

“Nhân loại phải chấm dứt chiến tranh nếu không đó sẽ là cuộc chiến hủy diệt nhân loại”, lời kêu gọi nêu rõ.

“Do đó, chúng ta hãy thoát khỏi cơn ác mộng hạt nhân. Chúng ta hãy ngay lập tức mở lại một cuộc đối thoại nghiêm túc về việc không phổ biến hạt nhân và dỡ bỏ vũ khí nguyên tử”, theo nội dung lời kêu gọi.

Buổi cầu nguyện cho hòa bình là một phần của hội nghị thượng đỉnh liên tôn kéo dài ba ngày về chủ đề: “Tiếng kêu cầu hòa bình”, do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức. Phong trào Công giáo đã tổ chức hội nghị quốc tế về chủ đề hòa bình hàng năm kể từ năm 1986, khi Thánh Gioan Phaolô II triệu tập Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình đầu tiên tại Assisi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu trong ngày khai mạc cuộc họp của Sant’Egidio, kêu gọi Ukraine đặt ra các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai.

Đêm cuối cùng của sự kiện bắt đầu bằng buổi cầu nguyện đại kết cho hòa bình cùng với các nhà lãnh đạo Kitô giáo bên trong Đấu trường La Mã.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo tham dự sự kiện này bao gồm Đức Tổng Giám mục Chính thống Hy Lạp Emmanuel của Chalcedon; Đức Tổng Giám mục Chính thống Coptic Dionysius Jean Kawak; Đức Thượng phụ Catholicos-Thượng phụ Awa III của Giáo hội Assyria Đông phương; Đức Tổng Giám mục Lutheran Tapio Luoma của Turku; và Jong Chun Park, Chủ tịch Hội đồng Giám lý Thế giới.

Đại diện các tôn giáo thế giới tham dự buổi lễ kêu gọi hòa bình có Giáo sĩ Riccardo Di Segni, Giáo sĩ trưởng của Rôma; Thượng tọa Shoten Minegishi, một nhà sư thuộc phái thiền phái Soto đến từ Nhật Bản; Sayyed Abu al-Qasim al-Dibaji của Tổ chức Luật học Liên Hồi giáo Thế giới; và Edith Bruck, một nhà văn người Do Thái gốc Hungary và là nạn nhân sống sót sau thảm họa Holocaust.

Swami Sarv Asthananda, người đứng đầu Trung tâm Thiền Ramakrishna Vedanta Ấn giáo ở Vương quốc Anh, và Jaswant Singh, đại diện của Sikh giáo, cũng đã tham dự sự kiện.

“Các tín đồ chúng ta phải nỗ lực làm việc vì hòa bình bằng mọi cách có thể. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp xóa tan sự nghi ngờ nơi mọi con tim và đồng thời kêu gọi tinh thần hòa giải giữa các dân tộc”, theo nội dung lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo tôn giáo.

“Thật không may, ngay cả trong chính bản thân chúng ta, đôi khi chúng ta cũng tự chia rẽ bằng cách lạm dụng Danh Thánh của Thiên Chúa: Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ, với sự khiêm nhường và sự hổ thẹn. Các tôn giáo đang và phải tiếp tục là một nguồn lực tuyệt vời cho hòa bình. Hòa bình là điều lành thánh; chiến tranh không bao giờ có thể như vậy”.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube