Chẳng ai được cứu một mình

88.Fonte_FocolariVeneto-631x420

Một cụm từ phát xuất từ tiêu đề của một cuốn tiểu thuyết (tác giả Margaret Mazzantini), kể về sự gần gũi thân thuộc của tình yêu tan vỡ và mở ra tương lai một cách đầy hy vọng, thành khẩu hiệu đối nghịch với “đại dịch” hiện tại được nhiều người sử dụng rộng rãi trong phương tiện truyền thông. Một cụm từ vừa được dùng để tạo ra sự khích lệ vừa được dùng để khuyến khích những thái độ xã hội. Khi được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố, từ quan điểm tôn giáo, nó thậm chí còn mang nhiều âm điệu quan trọng hơn. Theo Đức Thánh Cha, trong bối cảnh mang tính lịch sử này, “chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và chao đảo mất phương hướng”. Tình hình hiện nay đã bộc lộ một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có, vốn lại tiếp tục thêm vào một cách ít nhiều rõ ràng nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ và toàn cầu khác, đang đe dọa nhân loại chúng ta hàng ngày. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng từ cuộc khủng hoảng này, “không ai có thể tự cứu mình một mình” [1]. Không dễ gì quên đi hình ảnh một vị Giáo hoàng đứng giữa Quảng trường Thánh Phêrô đầy vắng vẻ, dưới cơn mưa nhẹ và bức tranh toàn cảnh phản ánh bầu khí toàn cầu mà phần lớn nhân loại đang trải qua sự bành trướng của bóng tối vẫn tiếp tục đeo bám chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng câu hỏi không gì hơn là điều gì đã xảy ra hoặc làm thế nào cụm từ này được đặt ra. Điều quan trọng hơn là mức độ phản ánh hiện thực và mức độ mà qua đó có thể vượt qua sự định hướng.

Có thể nói rằng Huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô đặt nền tảng cho sự hòa nhập [2]. Do đó, Ngài đặt nỗ lực mục vụ của mình vào việc vượt qua mọi khuôn mẫu mà theo nguyên tắc hoặc do đó loại trừ, gạt ra bên lề, loại bỏ hoặc coi thường [3]. Để đạt được điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng nhắc lại, theo nhiều cách, tầm quan trọng của tính trung tâm của sự hiệp thông giữa con người và Kitô giáo, của tính liên hệ, của tình huynh đệ phổ quát, cởi mở và tương trợ. Với tư cách là một tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu từ xác tín sâu sắc rằng “Niềm vui Tin Mừng được dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai” (Evangelii Gaudium, số 23).

Có thể nói, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những cử chỉ, mang tính nhân bản, mục vụ, và truyền giáo một cách sâu xa, để nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của đường hướng chung này của sự kiện toàn, của ơn cứu độ trong và của lịch sử [4]. Vì vậy, chẳng hạn, trong những ngày này (04.02.2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia Ngày Quốc tế về Tình huynh đệ nhân loại đầu tiên, do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập (21.12.2020). Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia trực tuyến cùng với Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb của Đại học Hồi giáo Al-Azhar. Đây là ngày kỷ niệm việc ký kết “Văn kiện về Tinh thần Huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình Thế giới và Cùng nhau Chung sống” (năm 2019). Các tôn giáo và dân tộc mở ra một tương lai nhân văn hơn, từ nhiều góc độ khác nhau tìm kiếm những con đường khả thi để không ai bị bỏ rơi, sáng kiến ra những giải pháp thay thế mà trong đó không ai tìm cách tự cứu lấy mình trong sự cô lập, và tệ hơn, phải trả giá bằng cái giá của người khác hoặc loại bỏ người khác, đặc biệt là khi nói đến những người “thiệt thòi” nhất.

Tất cả những cử chỉ này là một lời hiệu triệu đối với toàn thể thế giới bao gồm các mối tương quan xã hội, chính trị và kinh tế, bởi vì sự trì trệ của các mô hình thực dụng, cá nhân chủ nghĩa và kỹ trị là rất mạnh mẽ và đã len lỏi, theo nhiều cách thức, vào phần lớn cách sống của chúng ta. Nhiệm vụ lớn lao cần phải thực hiện đó là thức tỉnh và hình thành lương tâm để tạo ra các hệ thống cuộc sống và mô hình hệ thống toàn diện và nhân bản hơn. Ở đây, Thần học luân lý có một nguồn cảm hứng tuyệt vời để cân nhắc lại và tái khởi động sứ mạng tiên tri và khôn ngoan của nó. Năm nay, được dành riêng cho việc đào sâu Tông Huấn Amoris Laetitia về hôn nhân và gia đình, có thể là một cơ hội tuyệt vời. Sứ mạng cao cả đó là dấn thân vào thực tại căn bản này của đời sống Giáo hội và xã hội, tìm cách thực hiện những bước cụ thể, vượt qua tư tưởng khép kín và tính nhỏ nhen, cho phép tình yêu thương dẫn dắt chúng ta đi theo những đường hướng hội nhập thực sự [5].

Lm. Antonio Gerardo Fidalgo, C.Ss.R.

(Nguồn: Trang Blog Học viện Alphonsian, bản gốc bằng tiếng Tây Ban Nha)

*****

1] Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định và công bố, trong sự liên tục với Công đồng Vatican II, chân lý nguyên thủy vĩ đại rằng sự cứu rỗi này, mà Thiên Chúa mang lại và Giáo hội vui mừng công bố, được dành cho tất cả mọi người, và Thiên Chúa đã sáng kiến ra một cách để kết hợp với mọi con người trong mọi thời đại. Người đã quyết định kêu gọi họ trong tư cách một dân tộc chứ không phải từng cá nhân riêng lẻ. Không ai được cứu rỗi một mình hay nhờ cố gắng riêng của mình. Thiên Chúa thu hút chúng ta bằng cách lưu ý tới các mối quan hệ nhân vị đan xen với nhau và phức tạp trong đời sống của một cộng đồng con người (Evangelii Gaudium, số 113); Không ai có thể tự cứu được mình với tư cách là một cá thể biệt lập, nhưng Thiên Chúa lôi kéo chúng ta, trong khi Ngài lưu ý đến toàn bộ sự đan kết nơi các mối tương giao giữa con người với nhau, mà sự đan kết đó chính là bản chất cố hữu của cộng đồng nhân loại: Thiên Chúa muốn bước vào trong một sự năng động mang tính xã hội, trong sự năng động của một dân tộc (Gaudete et Exsultate, số 6; số 90). Quả là một bi kịch toàn thế giới như cơn đại dịch Covid-19 đã tức thời khơi lại cảm thức rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, tất cả ở trên cùng một con thuyền, trong đó những vấn đề của một người là những vấn đề của tất cả. Một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng với nhau (Fratelli Tutti, số 32).

2] “Trong thời đại này của chúng ta, tôi ao ước rằng bằng cách nhìn nhận phẩm giá của mọi con người, chúng ta có thể góp phần phục sinh một cảm hứng phổ quát về tình huynh đệ. Tình huynh đệ giữa mọi người, nam cũng như nữ. Ở đây chúng ta có một bí quyết tuyệt diệu giúp chúng ta biết cách ước mơ và biến đời sống mình thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Không ai có thể một mình đối mặt với đời sống… Chúng ta cần một cộng đoàn nâng đỡ và trợ giúp mình, trong đó chúng ta có thể giúp nhau hướng nhìn về phía trước. Thật quan trọng biết bao việc biết cùng mơ ước với nhau… Tự sức mình, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy những ảo ảnh, là những cái không có ở đó. Mặt khác, các giấc mơ được kiến tạo cùng với nhau. Vì thế, chúng ta hãy mơ, trong tư cách là một gia đình nhân loại duy nhất, như những bạn đồng hành chia sẻ cùng một cốt nhục, như những đứa con của cùng mẹ trái đất là ngôi nhà chung của mình, mỗi người chúng ta đóng góp bằng sự phong phú của những niềm tin tưởng và xác tín của mình, mỗi chúng ta với tiếng nói của mình, tất cả đều là anh chị em” (Fratelli Tutti, số 8).

3] “Khi trái tim đích thực mở ra cho cả cộng đoàn toàn cầu, sẽ không có gì và cũng không có ai bị loại ra khỏi tình huynh đệ… […] Mọi thứ độc ác đối với bất cứ thụ tạo nào “đều nghịch lại với phẩm giá con người. Chúng ta đừng cho rằng chúng ta yêu nhiều, nếu chúng ta vì lợi ích của chúng ta đã loại một phần nào thực tại […] Tất cả đều liên kết với nhau, và tất cả mọi người đều là anh em, chị em với nhau trong một cuộc hành trình tuyệt diệu, được tình yêu của Thiên Chúa nối kết vào nhau, tình yêu mà Thiên Chúa đem đến cho từng thụ tạo và nối kết chúng ta trong một tình yêu dịu dàng với ‘anh mặt trời’, ‘chị mặt trăng’, ‘chị sông suối’ và ‘mẹ trái đất’” (Laudato Si’, số 92).

4] “Con người được tạo dựng theo cách mà họ không thể sống, phát triển, và tìm thấy viên mãn trừ phi trở thành ‘món quà chân thành trao cho người khác’. Con người cũng không thể hiểu biết đầy đủ chính mình nếu không gặp gỡ những người khác: ‘Tôi liên hệ tốt đẹp với chính mình chỉ trong mức độ tôi liên hệ với người khác’. Điều này giải thích lý do tại sao không ai có thể kinh nghiệm vẻ đẹp thực sự của đời sống nếu không liên hệ với người khác, nếu không có những khuôn mặt thực sự để yêu thương. Đây là một phần của mầu nhiệm hiện sinh đích thực của con người. Sự sống tồn tại ở nơi có sự gắn kết, hiệp thông, và tình huynh đệ; và sự sống mạnh hơn sự chết khi nó được xây dựng trên những tương quan thực sự và những ràng buộc về lòng trung tín. Trái lại, không có sự sống khi chúng ta tự nhận mình đầy đủ nơi chính mình, và sống như những ốc đảo: với những thái độ này, sự chết sẽ thống trị” (Fratelli Tutti, số 87, cf. nn. 94-95; 121; 137).

5] “Đây là vấn đề của việc phải vươn tay ra với mọi người, phải giúp mỗi người tìm được cách riêng của họ để tham dự vào cộng đồng Giáo Hội và nhờ thế cảm thấy mình là đối tượng của Lòng thương xót không cần công trạng, vô điều kiện và nhưng không. Không ai có thể bị kết án mãi mãi vì điều này không phải là luận lý học của Tin Mừng! Ở đây, tôi không chỉ nói tới người ly dị và tái hôn, mà là mọi người, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ rơi vào” (Amoris Laetitia, số 297; cf. nn. 321; 323).

Minh Tuệ (theo Scala News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube