Các vụ bê bối vắc-xin làm gia tăng sự căng thẳng chính trị tại Mỹ Latinh

Các nhân viên y tế chờ đợi để được tiêm một liều vắc-xin COVID-19 của Sinopharm ở Lima, Peru, ngày 9 tháng 2 năm 2021. Các giám mục của Peru phẫn nộ vì vắc-xin đang được cung cấp cho khách VIP thay vì những công nhân thiết yếu; một trong những người được chủng ngừa là sứ thần của Giáo hoàng. (Nguồn: CNS photo / Sebastian Castaneda, Reuters)

Các nhân viên y tế chờ đợi để được tiêm vắc-xin COVID-19 của Sinopharm ở Lima, Peru, ngày 9 tháng 2 năm 2021. Các Giám mục Peru trở nên hết sức phẫn nộ khi vắc-xin hiện đang được cung cấp cho các đối tượng VIP thay vì đội ngũ nhân viên y tế thiết yếu; một trong những người được tiêm vắc-xin là Sứ thần của Đức Giáo hoàng tại nước này (Ảnh: CNS/ Sebastian Castaneda, Reuters)

ROME – Khi tình trạng bạo lực, vấn nạn tham nhũng và các vụ bê bối liên quan đến vắc xin tiếp tục gây rúng động Mỹ Latinh, các Giám mục Công giáo đang kêu gọi tất cả mọi người tránh bị “cám dỗ bởi sự thù hận”, nhằm thúc giục hòa bình và tránh chính trị hóa đại dịch COVID-19.

Paraguay, lời kêu gọi hòa bình

Hôm Chúa nhật ngày 21/2 vừa qua, Đức Giám mục Ricardo Valenzuela đã dâng hiến người dân Paraguay cho Đấng bảo trợ quốc gia của họ, Đức Mẹ Caacupé, và đồng thời kêu cầu Thánh Mẫu của Thiên Chúa giúp đất nước vượt qua điều mà ngài xác định là một thời kỳ đầy những lo ngại và căng thẳng về chính trị, kinh tế và trật tự xã hội.

Đức Giám mục Địa phận Caacupe cũng phát hành một bức thư mục vụ, trong đó ngài đề cập đến làn sóng bạo lực cực đoan đang ảnh hưởng đến đất nước, cũng như vấn nạn tham nhũng trong giai cấp thống trị của Paraguay.

Tình trạng bạo lực đáng kể trong vài tháng qua, Đức Giám mục Valenzuela nói, là “sự phản ánh của một xã hội bại hoại”.

Ngoài ra, Đức Giám mục Valenzuela lưu ý rằng tất cả mọi người dân trong nước đều cảm nhận được “sự tham nhũng sâu sắc trong các lĩnh vực quan trọng”, đồng thời đề cập cụ thể đến lực lượng cảnh sát quốc gia.

Sau khi ngày càng có nhiều vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức nhà nước, vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này đã thông báo rằng những thay đổi sẽ được thực hiện để cố gắng “cải thiện kết quả”, đồng thời thừa nhận rằng đã có nhiều trường hợp tống tiền các sĩ quan cảnh sát.

Bất kể những thách thức mà đất nước phải đối mặt, Đức Cha Valenzuela cho biết, “quả tim của người dân Paraguay vẫn luôn quảng đại, chúng ta đã nhận thấy điều này trước đây và trong những sự kiện gần đây”, bao gồm trong một loạt các trận bão và lũ lụt vốn đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác nhau trong nước: “Tinh thần liên đới nơi đây quả thực hết sức tuyệt vời!”.

 Vì lý do này, Đức Cha Valenzuela kêu gọi các tín hữu làm cho quả tim đó trở nên “lớn hơn” bằng cách tổ chức một mạng lưới mạnh mẽ và chặt chẽ bao gồm tất cả các phong trào giáo dân, các nhóm và hiệp hội của Giáo hội, vốn sẽ trở thành công cụ thúc đẩy các sáng kiến mang lại hy vọng.

“Cánh cửa vắc xin” ở Argentina và Peru

Các vụ bê bối tiếp tục gia tăng do điều mà Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina đã gọi là hành động”chính trị hóa” vắc xin COVID-19. Cả ở Argentina và Peru, người ta tiết lộ rằng hàng trăm người có quan hệ với những người nắm giữ quyền lực đã “chen ngang hàng” và đồng thời yêu cầu đặc quyền để được tiêm ngừa.

Ở Peru, có một danh sách gần 500 người đã được tiêm vắc-xin trước thời hạn, và trước cả đội ngũ các nhân viên y tế thiết yếu, bao gồm cả Đại diện Giáo hoàng tại nước này, Đức Tổng Giám mục Nicola Girasoli. Vụ bê bối đã gây chấn động đất nước và dẫn đến việc từ chức của hơn 100 quan chức nhà nước.

Vụ bê bối tiến triển nhanh chóng bắt đầu vào đầu tháng Hai khi cựu Tổng thống Martín Vizcarra thừa nhận rằng ông, vợ và anh trai của ông đã được tiêm vắc xin Sinopharm của Trung Quốc vào tháng 10.

Những liều vắc-xin họ nhận được là một phần của lô 3.200 liều vắc-xin do Sinopharm gửi để bổ sung cho một thử nghiệm lâm sàng mà công ty này đang tiến hành ở Peru với gần 12.000 tình nguyện viên. Chính phủ Peru, hiện do Tổng thống lâm thời Francisco Sagasti đứng đầu, đã ký một thỏa thuận vào tháng Giêng để có được 38 triệu liều vắc-xin của Sinopharm. Một triệu liều đã được chuyển đến nước này vào giữa tháng Hai.

Nhưng cựu tổng thống của đất nước này và gia đình của ông không phải là những người duy nhất được hưởng lợi từ những liều vắc-xin bổ sung, và đây là điều đã dẫn đến sự náo động ở một quốc gia vốn đã chứng kiến hơn 45.000 người chết vì COVID-19. Cho đến nay, Đức Tổng Giám mục Girasoli là quan chức cấp cao duy nhất của Giáo hội dính líu đến vụ bê bối, và chính các Giám mục địa phương cũng không muốn trao cho vị Giám chức này tấm vé thông hành vì đã nhận là “nhà tư vấn về các vấn đề đạo đức” cho một trong những trường đại học đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.

Ở Argentina, một vụ bê bối tương tự đã hạ bệ Bộ trưởng Y tế, Gines Gonzalez Garcia. Bộ trưởng Y tế nước này đã hoàn toàn hiểu sai về cuộc khủng hoảng coronavirus vào tháng 2 năm 2020 khi nói rằng đó chỉ là “một căn bệnh cúm” vốn sẽ không bao giờ chạm đến được đất nước này và sẽ là một “sự thất bại” nếu quốc gia này có tới 10.000 ca tử vong. Cho đến nay, hơn 51.000 người đã tử vong vì COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Gonzalez Garcia đã thành lập một trung tâm tiêm chủng “VIP” trong Bộ Y tế Quốc gia, và mọi chuyện đã bị phơi bày trước ánh sáng khi một nhà báo thân chính phủ, Horacio Verbitsky, thừa nhận trên sóng rằng ông ta đã gọi cho “người bạn cũ của mình” là bộ trưởng và yêu cầu được tiêm vắc xin. Vị chính trị gia đã tiến hành thêm nhà báo này vào danh sách tiêm vác-xin, và cử người này đến bộ để được tiêm vắc-xin, nơi ít nhất hàng chục người, nhưng có lẽ nhiều hơn, được tiêm vắc-xin trước khi đến lượt họ.

Đức Tổng Giám mục Oscar Ojea đã phát hành một thông điệp video vào cuối tuần trước, giống như mọi tuần, và lần này vị Giám chức chọn tập trung vào những vụ bê bối vắc xin: “Tôi nghĩ về những cám dỗ mà người Argentina chúng ta đang gặp phải vào lúc này. “Chúng ta phải đối mặt với một sự cám dỗ đáng kể để tự hủy hoại bản thân và tẩy chay những gì có thể khiến chúng ta trở nên tốt hơn”.

Và kế đến, Đức Tổng Giám mục Oscar Ojea bày tỏ sự thất vọng của mình trước sự tiết lộ về chủ nghĩa thiên vị trong việc áp dụng vắc-xin COVID-19 và đồng thời nhắc lại những ưu tiên cần phải được được áp dụng.

“Hiện tại chúng ta đang bối rối trước việc chính trị hóa vắc xin”, Đức Tổng giám mục San Isidro cho biết. “Một loại vắc-xin, như Đức Thánh Cha đã nhiều lần ngỏ lời với chúng ta, phải có phạm vi phổ quát, không ai bị bỏ sót và những người có trách nhiệm chăm sóc thiết yếu xứng đáng được tiếp nhận nó trước tiên”.

 “Với loại vắc-xin này, chúng ta phải có một sự tinh tế tuyệt vời”, Đức Tổng Giám mục Oscar Ojea nói, “bởi vì nó liên quan đến sự sống và cái chết. Khi chúng ta đối mặt với khả năng duy trì sự sống, điều đó không thể bị chính trị hóa. Vắc xin phải vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Vị Giám chức, được nhiều người coi là hết sức thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô, đã mời gọi người dân Argentina cầu xin Thiên Chúa để “đừng đầu hàng trước cám dỗ và sự rạn nứt của sự chia rẽ”.

Nicaragua, “bị cám dỗ bởi sự hận thù”

Hôm Chúa nhật, Đức Giám mục Rolando Alvarez, trong số các Giám mục trẻ tuổi nhất và mới nhất ở Nicaragua, cho biết rằng đất nước đang chìm ngập trong một cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và nhân đạo nghiêm trọng.

Trích dẫn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, được đọc trong các nhà thờ trên khắp thế giới vào cuối tuần qua, tường thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu đi vào sa mạc trong 40 ngày và chịu ma quỷ cám dỗ, vị Giám chức lập luận rằng Nicaragua đang trải qua sa mạc của chính mình và “bị cám dỗ bởi sự hận thù”.

“Nicaragua đang trải qua sa mạc của chính mình: Sa mạc của thử thách, của cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra”, Đức Giám mục Alvarez chia sẻ trong bài giảng tại Nhà thờ Chính tòa San Pedro ở Matagalpa, phía bắc Managua, thủ đô của đất nước này.

Đất nước này hiện vẫn đang quay cuồng với một cuộc nổi loạn của quần chúng vào năm 2018 với một loạt các thay đổi gây tranh cãi về vấn đề an sinh xã hội do Tổng thống Daniel Ortega công bố. Quyết định sau đó đã bị tổng thống hủy bỏ, nhưng thiệt hại đã được thực hiện. Hơn 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát và quân đội, và hơn 30.000 người đã phải chạy trốn sang các quốc gia láng giềng.

Chính phủ đã phân loại các cuộc biểu tình là “một cuộc đảo chính có chủ đích”, và chính phủ đã gán cho các Giám mục Công giáo là “những người tổ chức đảo chính”.

Nicaragua cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng về y tế do đại dịch COVID-19. Chính phủ đã phủ nhận dịch bệnh tồn tại trong nước và không đưa ra bất kỳ biện pháp nào để ngăn chặn sự lây lan của vi rút.

“Đã xảy ra tình trạng nghèo đói, đau khổ, đói khát, cô đơn, đôi khi thất bại, những người vô gia cư, những phụ nữ bị xúc phạm, những trẻ em bị bỏ rơi”, Đức Giám mục Alvarez nói. “Sa mạc là một nơi của sự thử thách, ở đó chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, nơi chúng ta đặt trọn niềm tin tưởng phó thác và hy vọng”.

Đối với vị Giám chức, Nicaragua cũng đang bị “cám dỗ bởi sự hận thù, sự vô vọng và sự sợ hãi”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “chúng ta không được nhượng bộ điều đó” bởi vì “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

 “Nicaragua đang bị cám dỗ bởi sự tham vọng, quyền hành, các lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân, bởi những ý tưởng xa lạ với phong cách riêng của chúng ta, bởi sự điếc lác hoặc vô cảm với thực tế mà người dân đang phải trải qua”, Đức Giám mục Alvarez nói, đồng thời cũng cũng cho biết thêm rằng đất nước cũng bị cám dỗ bởi “các nhóm phe cánh và đôi khi có cả những âm mưu”.

Đất nước đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quốc gia, dự kiến vào ngày 7 tháng 11. Trong thông điệp Mùa Chay được công bố vào tuần trước, các Giám mục đã kêu gọi một cuộc cải cách bầu cử vốn sẽ đảm bảo các cuộc bầu cử tự do và minh bạch.

Khi trình bày sứ điệp Mùa Chay, Đức Ông Carlos Avilés, người chỉ đạo Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tổng Giáo phận Managua, cho biết rằng những cải cách là hết sức cần thiết để tránh gian lận bầu cử.

“Lời kêu gọi nhằm mục đích hướng tới hòa bình, bất bạo động và vì mọi thứ góp phần vào thiện ích chung, trong trường hợp này là cải cách bầu cử, để các cuộc bầu cử có thể trở nên thực sự đáng tin cậy và minh bạch, nếu không, chúng ta đang quay trở lại một vụ gian lận khác”, Đức Ông Avilés nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube