Các tín hữu Công giáo ở Mỹ Latinh thể hiện tinh thần liên đới với các nạn nhân động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Bức ảnh không ghi ngày tháng này của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho thấy đống đổ nát của một tòa nhà bị sập, Diyarbakır, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: VOA)

Bức ảnh không ghi ngày tháng này của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho thấy đống đổ nát của một tòa nhà bị sập, Diyarbakır, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: VOA)

SÃO PAULO – Các nhà lãnh đạo Giáo hội trên khắp Châu Mỹ Latinh đang kêu gọi sự liên đới với những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất chết chóc xảy ra ở miền nam và miền trung Thổ Nhĩ Kỳ cũng như miền bắc và miền tây Syria vào thứ Ba, ngày 6 tháng 2, gây ra sự thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản.

Hơn 28.000 người đã được báo cáo là đã chết. Con số thiệt hại vẫn đang tăng lên, 5 ngày sau trận động đất ban đầu, sau đó là một cơn dư chấn mạnh và hàng trăm cơn chấn động nhỏ hơn. Hôm thứ Sáu tuần trước, Liên Hợp Quốc cho biết hơn 5 triệu người có thể trở thành người vô gia cư. Các nỗ lực ứng phó khẩn cấp đang diễn ra, với những câu chuyện về những khám phá khủng khiếp và những cuộc giải cứu kỳ diệu tiếp tục diễn ra.

Ủy ban Đại kết và Đối thoại Liên tôn của Hội đồng Giám mục Argentina đã ban hành một lá thư vào ngày 8 tháng 2, kêu gọi tinh thần liên đới với những người đau khổ.

Gửi tới các tổ chức tôn giáo bao gồm hầu hết các nhóm người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong nước, chẳng hạn như Giáo hội Chính thống Antioch của Syria và Trung tâm Hồi giáo của Cộng hòa Argentina, thông điệp cũng mời gọi người dân Argentina quyên góp giúp đỡ các nạn nhân, khuyến khích thậm chí những khoản đóng góp nhỏ, vốn “sẽ cung cấp hỗ trợ bổ sung và sẽ đáp ứng một số nhu cầu” đang nổi lên.

Tin tức về sự đau khổ đã gây chấn động ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh, đặc biệt là ở những nơi như Brazil, Argentina và Mexico, nơi có các cộng đồng người Ả Rập đông đảo được thành lập đặc biệt bởi những người gốc Syria và Lebanon.

“Trong những cộng đồng như vậy, có những người có gia đình và bạn bè ở Syria và thậm chí ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy có một cảm giác chung về sự gần gũi với các quốc gia đó”, Carlos White, người đứng đầu Ủy ban của các Giám mục Argentina, cho biết.

“Hội đồng Giám mục cho biết rằng số tiền thu được trong các Thánh lễ vào cuối tuần qua sẽ được chuyển đến người dân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ”, ông White nói. “Các tín hữu Công giáo cũng đang giúp công khai các chiến dịch quyên góp được tổ chức bởi các thực thể khác, chẳng hạn như Trung tâm Hồi giáo”, ông White cho biết thêm.

Người dân Argentina đang phải đối mặt với hoàn cảnh kinh tế đầy thách thức, với tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng lạm phát cao. Tuy nhiên, ông White cho biết, nhiều người từ các vùng khác nhau của đất nước đã liên lạc với Giáo hội và các tổ chức dân sự và quyên góp.

“Chúa Giêsu từng ca ngợi một góa phụ đã cho đi một đồng xu nhỏ, đồng thời giải thích rằng bà đã cho đi tất cả những gì mình có. Đó là điều tương tự trong một chiến dịch như thế. Quan trọng không phải quyên góp bao nhiêu mà quan trọng là ý hướng của mỗi người”, ông White nói.

Alberto Arciniega, người đứng đầu tổ chức Caritas Mexico, đã mô tả một động lực xã hội tương tự giữa những người đồng hương của ông.

Tổ chức Caritas Mexico phụ trách chiến dịch quyên góp cho các nạn nhân của trận động đất vốn sẽ diễn ra trong một tháng. Một thông điệp của Hội đồng Giám mục kêu gọi tất cả 96 Giáo phận trong cả nước quyên góp và gửi số tiền quyên góp được cho Caritas, tổ chức này sẽ chuyển tiền cho đối tác quốc tế.

“Chúng tôi cũng phải chịu đựng những trận động đất ở Mexico, và chúng tôi đã có 2 trận động đất lớn vào năm 1985 và 2017. Vì vậy, mọi người rất đồng cảm với các nạn nhân và có khuynh hướng đóng góp”, ông Arciniega nói.

“Người dân Mexico – và người dân Mỹ Latinh nói chung – hết sức ủng hộ việc quyên góp. Nói chung, mọi người cho đi những gì họ có chứ không phải những gì còn lại”, ông Arciniega phát biểu với Crux.

Ông Arciniega đã nhắc lại một chiến dịch gần đây để giúp đỡ người dân Ukraine. “Mọi người sẵn sàng và hợp tác theo cách thức họ có thể. Có thể chúng tôi không nói về những đóng góp to lớn, nhưng rất nhiều người dân Mexico đã đóng góp và cho thấy họ ở đây để giúp đỡ”, ông Arciniega nói.

Ở một số quốc gia Mỹ Latinh, có các cộng đồng Công giáo Hy Lạp nghi lễ Maronite và Melkite đáng kể, hiện đang tham gia vào các chiến dịch quyên góp và nỗ lực nâng cao nhận thức về thảm kịch ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó là trường hợp của Colombia, nơi có cộng đồng người Ả Rập ước tính khoảng 3,2 triệu người. Theo Đức Cha Fadi Abou Chebel, Tổng Giám mục Tông Tòa Công giáo nghi lễ Maronite của Colombia, Hội đồng Giám mục gần đây đã thảo luận về sự cần thiết phải thiết lập một chiến dịch liên đới.

Ngay sau trận động đất, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Bogota đã phát động một đợt quyên góp. Đại sứ quán đã phối hợp các hành động cùng với các tổ chức dân sự Colombia. Theo các nhà tổ chức, mọi người từ khắp nơi trên toàn quốc đã cùng hợp tác với nhau.

“Tôi hy vọng rằng chiến dịch của Giáo hội sẽ được thúc đẩy bởi Caritas Colombia”, Đức Tổng Giám mục Chebel nói.

Tại Brazil, nơi có ít nhất 10 triệu người gốc Ả Rập sinh sống, Giáo hội đã hỗ trợ các chiến dịch do các tổ chức khác thúc đẩy. Đó là trường hợp của tổ chức Caritas của Tổng Giáo phận São Paulo, đang ủng hộ một sáng kiến do Viện Đối thoại Liên văn hóa khởi xướng, một tổ chức được thành lập ở São Paulo bởi những người Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong.

“Khi chúng ta đang đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo xuất hiện ở một xã hội rất xa xôi, thật khó để biết làm thế nào để các khoản đóng góp đến đúng người. Vì viện này được thành lập bởi những người có quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi biết rằng tiền quyên góp sẽ được chuyển đến đó”, Cha Marcelo Marostica, người đứng đầu tổ chức Caritas São Paulo, cho biết.

Các tổ chức Hồi giáo và các tổ chức dân sự cũng đang thúc đẩy các chiến dịch quyên góp ở các khu vực khác nhau của Brazil.

Ông White, đến từ Argentina, chỉ ra rằng những chiến dịch như vậy không chỉ thúc đẩy sự liên đới với các nạn nhân của trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn tạo mối liên hệ với các truyền thống tôn giáo khác nhau, vốn hiện đang hoạt động với cùng một mục tiêu nhân đạo.

“Tôi đã liên lạc với các thành viên của các Giáo hội Chính thống và với các tín đồ Hồi giáo. Nỗ lực đó có một ý nghĩa lớn hơn so với đặc thù tôn giáo của mỗi người. Chúng ta phải nỗ lực làm việc vì các nạn nhân”, ông White nói.

Arciniega, thuộc tổ chức Caritas Mexico, cho biết rằng các chiến dịch quyên góp hiện tại sẽ phải được kéo dài trong một thời gian dài, vì rất nhiều người ở cả Syria lẫn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần nhiều sự giúp đỡ để xây dựng lại các khu vực bị ảnh hưởng.

“Hầu hết mọi người đều xúc động trước những hình ảnh về hoạt động cứu hộ và quyết định quyên góp ngay lập tức. Nhưng giai đoạn tái thiết tạo ra ít sự đồng cảm hơn và đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn. Điều hết sức quan trọng là mọi người tiếp tục ủng hộ họ”, ông Arciniega nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube