Các nhà thờ tại Bangladesh nỗ lực phục vụ khi đại dịch Covid-19 hoành hành

Các nhà thờ ở Bangladesh đã phải đóng cửa trong một thời gian dài do tình hình Covid-19 ngày càng xấu đi. (Ảnh: Stephan Uttom / UCA News)

Các nhà thờ ở Bangladesh đã phải đóng cửa trong một thời gian dài do tình hình Covid-19 ngày càng xấu đi (Ảnh: Stephan Uttom/ UCA News)

Khi đại dịch lây lan và gây ra nhiều khó khăn về mặt kinh tế, các nhà thờ không có thu nhập để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề.

Các nhà thờ ở Bangladesh đang phải vật lộn để cung cấp cho các tín hữu sự chăm sóc về tinh thần và mục vụ cũng như hỗ trợ các cộng đồng bị gạt ra bên lề trong bối cảnh các khoản quyên góp sụt giảm trong tình hình Covid-19 ngày càng trở nên tồi tệ.

Làn sóng đại dịch chết chóc thứ ba đã tấn công quốc gia này vào tháng 6 khi biến thể Delta dễ lây lan hơn gây ra sự gia tăng đột biến về số ca lây nhiễm và tử vong tại nước này.

Nước này đã ghi nhận tổng số 11.651 trường hợp hàng ngày cao nhất vào ngày 8 tháng 7, một ngày sau khi số người chết hàng ngày lần đầu tiên vượt qua con số 200 kể từ khi Bangladesh ghi nhận ba trường hợp đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái.

Dữ liệu cho thấy virus đã lây lan đến các vùng trung tâm nông thôn khi các huyện gần biên giới Ấn Độ ghi nhận nhiều ca lây nhiễm vi-rút và tử vong hơn trong bối cảnh thiếu giường bệnh, oxy và nhân viên y tế một cách trầm trọng.

Đợt bùng phát mới của dịch bệnh đã buộc chính phủ phải thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt từ ngày 1-14 tháng 7.

Khulna, một quận và thành phố lớn ở miền nam Bangladesh, đã trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến thể Delta. Địa phương này đã ghi nhận 71 trường hợp tử vong và khoảng 1.700 trường hợp lây nhiễm mới vào ngày 9 tháng 7.

Cha Bablu Lawrence Sarker, Thư ký của Ủy ban Y tế của Giáo phận Khulna, cho biết tình hình “cực kỳ khủng khiếp” và nhiều gia đình Kitô hữu đã bị nhiễm bệnh.

Vị Linh mục cho biết các dịch vụ tâm linh và mục vụ đã bị đình chỉ trong một thời gian dài và người ta lo ngại rằng số lượng những người tham dự nhà thờ có thể giảm đáng kể ngay cả khi mọi thứ trở lại bình thường.

“Chúng tôi khuyến cáo mọi người nên ở nhà và cầu nguyện kể từ đó. Nhiều người không có đủ thức ăn ba bữa một ngày và các nhóm nhà thờ đang cố gắng giúp đỡ họ nhiều nhất có thể”, Cha Sarker phát biểu với UCA News.

Các thanh thiếu niên Công giáo đang giúp mọi người đăng ký tiêm vắc-xin và đến các trung tâm tiêm chủng.

Không giống như làn sóng đầu tiên của đại dịch, các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp từ các nhóm Công giáo, ngoại trừ Tổ chức Caritas, đều đã giảm, các nguồn tin địa phương cho biết.

Hubert Sony Ratna, một nhân viên phát triển Công giáo ở Khulna, cho biết anh đã tham gia cùng với các thành viên của đơn vị địa phương của Phong trào Sinh viên Công giáo Bangladesh vào năm ngoái để giúp đỡ hàng trăm người có được những nhu cầu thiết yếu hàng ngày bao gồm gạo, đậu lăng và dầu. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy đã bị đình trệ trong năm nay vì thiếu các khoản đóng góp.

Manik Willver D’Costa, Điều phối viên mục vụ của Tổng Giáo phận Chittagong ở đông nam Bangladesh, lưu ý rằng hầu hết mọi người đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, dẫn đến việc quyên góp cho nhà thờ giảm một cách đáng kể.

“Cuộc khủng hoảng kinh tế của chúng tôi đang trở nên tồi tệ hơn do các biện pháp giãn cách xã hội. Các Kitô hữu không bố thí vì họ không thể tham dự Thánh lễ. Do đó, không có thu nhập”, ông D’Costa phát biểu với UCA News.

Tổng Giáo phận Chittagong đang tiến hành tất cả các hoạt động bao gồm cả Thánh lễ trực tuyến và ngày càng có nhiều lo ngại rằng số người tham dự Thánh lễ và các buổi cử hành phụng vụ khác sẽ thấp hơn nhiều khi trạng thái bình thường trở lại như trước, ông D’Costa cho biết thêm.

Tại Giáo phận Dinajpur, các nhà thờ chỉ cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân và thực hiện Nghi thức tiễn biệt, và tất cả các buổi cử hành phụng vụ khác vẫn bị đình chỉ, Đức Giám mục Sebastian Tudu cho biết.

Vị Giám chức cho biết 4 Linh mục đã được đưa vào bệnh viện sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19 và một người đang trong tình trạng nguy kịch.

“Giống như các Giáo phận khác, chúng tôi cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi các nhà thờ tiếp tục đóng cửa và mọi hoạt động bị đình chỉ trong khi đại dịch đang bùng phát”, Đức Giám mục Tudu phát biểu với UCA News.

Bangladesh đã ghi nhận tổng cộng 989.219 trường hợp nhiễm Covid-19 và 15.692 trường hợp tử vong.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube