Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Lebanon quy tụ xung quanh Đức Phanxicô để cầu nguyện cho đất nước

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (1)

Hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo Kitô giáo Lebanon đã quy tụ xung quanh Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican tham dự Ngày Suy tư và Cầu nguyện cho Lebanon.

Khoảng 10 nhà lãnh đạo cấp cao của các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo khác nhau của Lebanon, cùng với các phái đoàn của họ, đã đến Vatican để tham dự ngày cầu nguyện và suy tư cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, về tình hình hiện tại của quốc gia Trung Đông đang gặp khó khăn và tương lai của nó, và đồng thời cầu xin món quà hòa bình và sự ổn định. Sáng kiến này không nhằm mục đích tìm kiếm một giải pháp chính trị mà là cầu nguyện và nhận ra những dấu chỉ của thời đại, đồng thời đáp lại tiếng kêu của người dân và làm giảm bớt sự đau khổ của họ.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (6)

Những nỗi thống khổ của Lebanon

Đất nước đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất thế giới trong thời hiện đại, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội. Cuộc khủng hoảng, bắt đầu vào cuối năm 2019, bắt nguồn từ nhiều thập kỷ tham nhũng và quản lý yếu kém bởi một tầng lớp chính trị thời hậu nội chiến, vốn đã tích lũy nợ nần và hầu như chẳng làm gì để khuyến khích các ngành công nghiệp địa phương, buộc đất nước phải phụ thuộc vào nhập khẩu đối với hầu hết mọi thứ.

Một loạt các cuộc biểu tình lớn nổ ra trên toàn quốc vào năm 2019 phản đối nền kinh tế trì trệ, tình trạng thất nghiệp, tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực công, luật pháp dường như che chắn giai cấp thống trị khỏi trách nhiệm giải trình và việc chính phủ không cung cấp các dịch vụ cơ bản như điện, nước và vệ sinh. Đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, với việc Thủ tướng Saad Hariri từ chức sau yêu cầu của những người biểu tình về một chính phủ bao gồm các chuyên gia độc lập.

Để thêm vào những nỗi thống khổ của nó, một vụ nổ lớn đã xảy ra vào ngày 4 tháng 8 năm 2020 tại một cơ sở lưu trữ phân bón ở cảng Beirut đã xé nát thành phố và khơi lại vết thương cũ của đất nước. Vụ nổ khiến ít nhất 190 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, gây thiệt hại tài sản hơn 10 tỷ USD và khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa.

Ông Hariri đã được chỉ định làm Thủ tướng vào tháng 10 năm 2020 nhưng ông đã bất đồng ý kiến với Tổng thống Michel Aoun về các vị trí trong nội các và đã thất bại trong việc thành lập chính phủ cho đến nay.

Trong khi đó, Lebanon tiếp tục chìm ngập trong cuộc khủng hoảng. Hiện nay, đồng bảng Lebanon đã mất hơn 90% giá trị so với đô la Mỹ kể từ năm 2019 và tình trạng lạm phát tăng vọt, xóa sạch tiền lương của người dân và khiến giá lương thực tăng gấp ba lần. Với việc đồng bảng Lebanon mất 95% sức mua, một nửa dân số được cho là đang sống dưới mức nghèo khổ. Các biện pháp hạn chế chặt chẽ cũng đã được áp dụng đối với các tài khoản ngân hàng, khiến người dân không thể rút tiền tiết kiệm hoặc chuyển tiền ra nước ngoài.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính của Lebanon có khả năng xếp hạng trong top 10, có thể là top 3, các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên toàn cầu kể từ giữa thế kỷ XIX. Trước những thách thức to lớn, việc liên tục không thực hiện chính sách và thiếu vắng một chính phủ hoạt động đầy đủ đe dọa các điều kiện kinh tế xã hội vốn đã rất tồi tệ và một nền hòa bình xã hội mong manh, không có bước ngoặt rõ ràng.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (5)

Hồi sinh niềm hy vọng và hòa bình

Ngày 1 tháng 7 là Ngày Suy tư và Cầu nguyện cho Lebanon, do Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi, nhằm giúp hồi sinh niềm hy vọng và hòa bình trong nước.

Theo Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ các Giáo hội Đông Phương của Vatican, người đã tổ chức sáng kiến này, mục đích của sự kiện này là “cùng bước đi bên nhau”. Các nhà lãnh đạo Giáo hội sẽ tự vấn, suy tư và cùng nhau cầu nguyện. Họ đã mang đến Rome tiếng kêu khóc của dân tộc của họ. Chủ đề của sự kiện là: “Thiên Chúa có kế hoạch về hòa bình. Hãy cùng nhau vì Lebanon”.

Tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô

Bắt đầu Ngày Suy tư và Cầu nguyện cho Lebanon, các nhà lãnh đạo Giáo hội Kitô giáo của quốc gia đã tập trung vào buổi sáng tại Casa Santa Marta bên trong Thành phố Vatican, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cư ngụ. Đức Thánh Cha chào hỏi từng người trong số họ cùng với các thành viên trong phái đoàn, sau đó ngài đi bộ đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô gần đó cùng với các nhà lãnh đạo Giáo hội đang đứng bên cạnh ngài.

Ở bên trong, đứng trước Bàn thờ Tuyên xưng đức tin ngay phía trên phần mộ của Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đọc kinh Lạy Cha, và những người khác cùng tham gia bằng tiếng Ả Rập. Sau khoảnh khắc thinh lặng cầu nguyện, Đức Thánh Cha đi xuống các bậc thang dẫn đến phần mộ của Thánh Phêrô bên trong hầm mộ bên dưới Bàn thờ Tuyên xưng đức tin, nơi ngài đặt một ngọn nến đã được thắp sáng. Những người khác theo sau Đức Thánh Cha đặt nến của họ, với tất cả 10 ngọn nến. Sau một lúc thinh lặng cầu nguyện, Đức Thánh Cha Phanxicô dẫn họ ra khỏi Vương Cung Thánh Đường qua khu hầm mộ.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (3) cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Hôm qua ngày 1 tháng 7, các nhà lãnh đạo Kitô đã tổ chức cuộc họp đầu tiên trong số 3 cuộc họp kín trong ngày tại Điện Clementine thuộc Điện Tông Tòa. Ngày này sẽ kết thúc với buổi cầu nguyện đại kết và bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô vào lúc 6 giờ chiều.

Lebanon, một quốc gia Địa Trung Hải với 5 triệu người, có tỷ lệ các Kitô hữu lớn nhất tại Trung Đông và là quốc gia Ả Rập duy nhất có nguyên thủ quốc gia là một Kitô hữu, Tổng thống Aoun. Các Kitô hữu chiếm một phần ba dân số.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (4)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi tất cả mọi người bất kể nam nữ, những người có tinh thần thiện chí tham gia Ngày Suy tư và Cầu nguyện cho Lebanon trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật ngày 30 tháng 5, đồng thời giải thích mục đích của sự kiện này đó là “cùng nhau cầu nguyện cho món quà hòa bình và sự ổn định”. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả mọi người cầu nguyện để Lebanon có thể có được “một tương lai yên ổn hơn”.

 Dưới đây là danh sách các thành viên của Hội đồng Đại kết của các Giáo hội Đông phương Liban, những người đang tham gia Ngày Suy tư và Cầu nguyện cho Lebanon:

1. Đức Hồng y Béchara Boutros, Thượng phụ nghi lễ Maronite Tòa Thượng phụ Antioch và Toàn bộ Đông phương

2. Đức Thượng phụ Youhanna X, Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Tòa Thượng phụ Antiochia

3. Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem II, Thượng phụ Chính thống Syria Tòa Thượng phụ Antioch và Toàn bộ Đông phương

4. Đức Thượng phụ Youssef Absi, Tòa Thượng phụ Antiochia thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp-Melkites

5. Đức Thượng phụ Aram I thuộc Giáo hội Armenia ở Cicilia

6. Đức Thượng phụ Ignatius Youssef III thuộc Giáo hội Công giáo Syro của Antioch

7. Mục sư Joseph Kassab, Chủ tịch Hội đồng tối cao của các cộng đồng Tin lành tại Syria và Lebanon

8. Đức Giám mục Michel Kassarji Địa phận Beirut thuộc Giáo hội Chaldean

9. Đức Giám mục César Essayan, Đại diện Tông Tòa Beirut thuộc Giáo hội Latinh

10.Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương

11. Đức Tổng Giám mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa Thánh tại Lebanon

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube