Các Giáo hội tưởng nhớ Đức Bênêđictô XVI như một người dấn thân cho Phong trào Đại kết

Mọi người xếp hàng tại Quảng trường Thánh Phêrô để tỏ lòng thành kính lần cuối với Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Mọi người xếp hàng tại Quảng trường Thánh Phêrô để tỏ lòng thành kính lần cuối với Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Các Giáo hội Kitô giáo trên khắp thế giới bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trước cái chết của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI và tưởng nhớ ngài như một thần học gia lỗi lạc cam kết đối với đối thoại đại kết và một con người hết sức nhân văn.

Khi hàng ngàn người bắt đầu đổ về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican để bày tỏ lòng thành kính lần cuối đối với Đức Bênêđictô XVI, những lời bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức cố Giáo hoàng tiếp tục đổ về từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các Giáo hội Kitô giáo khác, các vị Nguyên thủ quốc gia và chính phủ, cũng như từ các nhà lãnh đạo đức tin của các tôn giáo khác.

Sau thông báo về việc Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI qua đời vào ngày 31 tháng 12, quyền Tổng thư ký của Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC), Linh mục Ioan Sauca, đã bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất” đến tất cả các Giáo hội thành viên, nhấn mạnh sự đóng góp đáng kể của ngài cho cuộc đối thoại đại kết.

Lưu ý rằng Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ một quốc gia, Đức, với sự cân bằng gần như ngang nhau giữa các tín hữu Tin lành và Công giáo, và là một trong những trung tâm của cuộc Cải cách thế kỷ 16, Linh mục Sauca cũng nhận xét rằng Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng Công giáo đầu tiên thuộc về một ủy ban của WCC, với tư cách là một trong những thành viên Công giáo của ‘Ủy ban Đức tin và Trật tự’.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI vẫy tay với những người hành hương khi kết thúc Thánh lễ giáo hoàng tại cánh đồng Islinger ở Regensburg, miền nam nước Đức, vào ngày 12 tháng 9 năm 2006 (Ảnh: AP/Markus Schreiber)

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI vẫy tay chào những người hành hương khi kết thúc Thánh lễ tại cánh đồng Islinger ở Regensburg, miền nam nước Đức, vào ngày 12 tháng 9 năm 2006 (Ảnh: AP/Markus Schreiber)

Linh mục Sauca (WCC): một người can đảm dấn thân cho sự hiệp nhất của Giáo hội

“Đức Bênêđictô XVI đã thể hiện lòng can đảm trong vai trò lãnh đạo, các bài viết và các tuyên bố của mình”, Linh mục Sauca nói, đồng thời nhận xét rằng: “Trong một phong trào đại kết duy nhất, ngài liên tục khẳng định rằng không thể đảo ngược sự tham gia sâu sắc của Giáo hội Công giáo La Mã trong phong trào đại kết, đặc biệt là trong việc đáp ứng những vấn đề thách đố đối với Giáo hội trên thế giới”.

Những tình cảm đau buồn này được lặp lại bởi người điều hành Ủy ban Trung ương WCC, Đức Giám mục Heinrich Bedford-Strohm, người đã nhấn mạnh: “Tôi chia sẻ lời chia buồn chân thành về cái chết của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI với Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể Giáo hội của ngài. Vị Giám mục Lutheran người Đức cho biết ngài vẫn nhớ rất rõ những lời của Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói trong Thánh lễ mừng nhân sinh nhật lần thứ 85 của ngài vào ngày 16 tháng 4 năm 2012 tại Nhà nguyện Pauline của Vatican, nơi ngài đã tham dự cùng với một phái đoàn Bavaria”. Vào dịp đó, Đức Bênêđíctô XVI đã phát biểu: “Giờ đây tôi đang đối mặt với chương cuối cùng của cuộc đời mình và tôi không biết điều gì đang chờ đợi mình. Tuy nhiên, tôi nhận thức rằng ánh sáng của Thiên Chúa tồn tại, rằng Ngài đã Phục sinh, ánh sáng của Ngài mạnh mẽ hơn bất kỳ bóng tối nào, rằng lòng nhân lành của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn bất kỳ sự dữ nào trên thế giới này. Tôi chắc chắn rằng giờ đây Đức Bênêđíctô XVI đã trải nghiệm được chân lý của những lời được nói ra khi đó”, Đức Giám mục Bedford-Strohm nhận xét.

Giáo hội Lutheran: một thần học gia đã để lại ấn tượng cho tất cả mọi Kitô hữu

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Giáo hội Tin lành Đức (EKD), Mục sư Annette Kurschus, đã nhấn mạnh sự nhạy bén thần học của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, cũng như sự đóng góp của ngài cho cuộc đối thoại đại kết. “Đức Joseph Ratzinger đã cung cấp những đóng góp thần học với cái nhìn sâu sắc và sự tổng hợp tri thức vốn đã gây ấn tượng với Kitô giáo nói chung và công chúng vượt xa Giáo hội Công giáo”, thần học gia Lutheran cho biết trong một suy tư được đăng tải trên trang web của EKD. “Đồng thời, chúng đã cung cấp sự hướng dẫn cho nhiều người”.

Mục sư Kurschus đặc biệt nhớ lại những lời của Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến Tông du đến Đức vào năm 2011, trong đó ngài nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng nhất đối với phong trào đại kết là không được quên đi những điểm chung lớn lao đã khiến chúng ta trở thành Kitô hữu ngay từ đầu. Đây là một nhiệm vụ đại kết trọng tâm trong đó chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau: tin tưởng sâu sắc hơn và sống động hơn”. “EKD – Mục sư Kurschus nói – chia sẻ mối bận tâm này”, và “chúng tôi vẫn biết ơn vì sự nhấn mạnh này cho đến ngày nay”. Mục sư Kurschus cũng nhận xét thêm rằng quyết định từ chức vào năm 2013 khiến Đức Bênêđíctô XVI trở nên “con người sâu sắc”.

Đức Thượng phụ Bartholomew: kính trọng, yêu mến và biết ơn

Cam kết của Đức Bênêđictô XVI đối với sự hiệp nhất Kitô giáo và lòng dũng cảm từ chức cũng đã được nhấn mạnh bởi Thượng phụ Đại kết Constantinople, Bartholomew I, người đã bày tỏ “sự kính trọng, sự yêu mến và lòng biết ơn” đối với Đức cố Giáo hoàng.

Trong một buổi cử hành Phụng vụ Thánh được cử hành hôm Chúa nhật tại Phanar vào ngày đầu tiên của năm mới, Người đứng đầu Giáo hội Chính thống Hy Lạp, đã nhắc lại Tuyên bố chung mà họ đã ký vào ngày 30 tháng 11 tại Istanbul, trong chuyến Tông du của ngài đến Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu một bước lịch sử xa hơn tiến về phía trước trong mối quan hệ Công giáo-Chính thống. Lưu ý rằng họ đã làm việc cùng nhau trong suốt Triều đại Giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI, Đức Thượng phụ Bartholomew I một lần nữa nhấn mạnh ngài là một thần học gia lỗi lạc có kiến thức sâu rộng về thần học Chính thống được đánh giá rất cao trong thế giới Chính thống.

Đức Thượng phụ Bartholomew I cũng đã nhấn mạnh thêm “sự dũng cảm và can đảm” của ngài khi từ chức chỉ 8 năm sau khi được bầu làm Giám mục Rôma. “Đức Bênêđictô XVI có thể tiếp tục vì ngài có sức khỏe tốt, nhưng họ quyết định ngài phải từ bỏ nhiệm vụ, và điều đó xảy ra khoảng 500 hay 600 năm sau khi vị Giáo hoàng cuối cùng của Rôma từ chức”. “Cầu mong ký ức về Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ trường tồn”, người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Hy Lạp kết luận

Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople sẽ được đại diện trong Thánh lễ an táng của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 5 tháng 1 bởi Đức Tổng Giám mục Emmanuel của Chalkidon và Đức Tổng Giám mục Polykarpos của Ý.

Thông điệp chia buồn của Đức Thượng phụ Kirill, Tòa Thượng phụ Moscow

 Thượng phụ Chính thống giáo Kirill, Tòa Thượng phụ Moscow, cũng đã gửi lời chia buồn, nhận xét rằng dưới Triều đại Giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI, mối quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo La Mã đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Trong thông điệp của mình, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga đã nhấn mạnh sự đóng góp của Đức Bênêđictô XVI trong việc làm chứng cho Chúa Kitô trong một thế giới tục hóa và bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống. “Có cơ hội gặp riêng Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhiều lần, tôi đã có thể làm chứng về tình yêu sâu sắc của ngài đối với Kitô giáo Đông phương và đặc biệt là sự tôn trọng chân thành của ngài đối với truyền thống Chính thống giáo Nga”, Đức Thượng phụ Kirill nói.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống khác cũng đã chia sẻ lời chia buồn về cái chết của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Trong số đó có Đức Thượng phụ Tawadros II, người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Coptic ở Ai Cập, người đã ca ngợi Đức Bênêđictô XVI là “người kế vị tuyệt vời nhất cho người tiền nhiệm vĩ đại nhất” (Thánh Giáo hội Gioan Phaolô II), người đã dành cả cuộc đời mình để “phục vụ Giáo hội Công giáo La Mã của mình”; và Đức Thượng phụ Rumani Daniel, người đã mô tả Đức Bênêđictô XVI là “một nhân vật đương thời đáng kính và nổi tiếng”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube