Các Giám mục Hoa Kỳ bày tỏ tinh thần liên đới với Giáo hội và nhân dân Cuba

Người Cuba di cư ở Miami, Florida, Hoa Kỳ, biểu tình ủng hộ các cuộc biểu tình trên khắp Cuba.

Những người Cuba di cư ở Miami, Florida, Hoa Kỳ, biểu tình ủng hộ các cuộc biểu tình trên khắp Cuba.

Sau một số cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất mà Cuba từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ, các Giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân và các Giám mục của quốc gia Caribe, những người đã kêu gọi một giải pháp có triển vọng thông qua việc lắng nghe lẫn nhau.

Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ đã bày tỏ tinh thần liên đới của mình với Giáo hội và người dân Cuba, sau một số cuộc biểu tình đường phố lớn nhất mà quốc gia Caribe từng chứng kiến nhằm chống lại chính phủ. Kể từ ngày 11 tháng 7, người dân đã bày tỏ sự thất vọng của họ trước cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế vốn đã chứng kiến tình trạng thiếu hụt các loại hàng hóa cơ bản, thuốc men, tình trạng mất điện và việc xử lý kém cỏi đối với đại dịch Covid-19.

Tinh thần liên đới

“Khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra ở Cuba và cộng đồng người hải ngoại ở Hoa Kỳ, chúng tôi muốn bày tỏ tinh thần liên đới của chúng tôi, cũng như các anh em Giám mục của chúng tôi ở Hoa Kỳ, với các anh em Giám mục trong Hội đồng Giám mục Cuba, và với tất cả mọi người có tinh thần thiện chí ở Cuba”, theo nội dung tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB), được công bố vào cuối ngày thứ Hai.

Các cuộc biểu tình được coi là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ cuộc nổi dậy ở Maleconazo vào năm 1994, cũng đã trút sự giận dữ phản đối chống lại việc hạn chế quyền tự do dân sự. Lực lượng an ninh đã phản ứng bằng việc đàn áp mạnh mẽ những người biểu tình, bắt giữ nhiều nhà hoạt động.

Giải pháp thông qua việc lắng nghe lẫn nhau

Tuyên bố của các Giám mục Hoa Kỳ, được đồng ký bởi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ,  Đức Tổng Giám mục José H. Gomez Địa phận Los Angeles, và Đức Giám mục David J. Malloy Địa phận Rockford, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Công lý và Hòa bình Quốc tế, đã ủng hộ các Giám mục Cuba trong tuyên bố của họ vào ngày 12 tháng 7 cho biết:

‘Một giải pháp có triển vọng sẽ không đạt được bằng sự áp đặt, cũng không phải bằng việc kêu gọi sự đối đầu, mà thông qua việc lắng nghe lẫn nhau, nơi tìm kiếm các thỏa thuận chung và thực hiện các bước cụ thể và rõ ràng vốn đóng góp, với sự đóng góp của tất cả mọi người dân Cuba, không có ngoại lệ, cho việc xây dựng Tổ quốc”.

Sự hòa giải Mỹ-Cuba

Theo tinh thần này, các Giám mục Hoa Kỳ thúc giục Hoa Kỳ “tìm kiếm hòa bình xuất phát từ tinh thần hòa giải và hòa hợp giữa các quốc gia của chúng ta”. Đức Tổng Giám mục Gomez và Đức Giám mục Malloy viết: “Trong nhiều thập kỷ, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, cùng với Tòa Thánh và các Giám mục Cuba, đã kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ về văn hóa và thương mại giữa Hoa Kỳ và Cuba như một phương tiện để hỗ trợ hòn đảo này đạt được sự thịnh vượng hơn cũng như sự chuyển đổi xã hội”.

Tuyên bố kết luận bằng cách cầu xin Đức Mẹ Bác Ái, Đấng bảo trợ của Cuba, “hãy đoái thương nhìn đến đoàn con cái của Mẹ ở Cuba, để cùng với nhau”, Cuba và Hoa Kỳ “có thể phát triển trong tình hữu nghị vì lợi ích của công lý và hòa bình”.

Các cuộc biểu tình

Khi hàng nghìn người dân Cuba ở Havana và 14 thành phố khác của Cuba xuống đường kể từ ngày 11 tháng 7, các cuộc biểu tình đường phố mang tính liên đới tương tự đã được tổ chức ở một số quốc gia, phần lớn do cộng đồng người Cuba lãnh đạo như ở Mỹ, Chile, Tây Ban Nha, Argentina và Brazil .

Tại Cuba, ít nhất một trường hợp tử vong đã được xác nhận sau khi cảnh sát bắn một người biểu tình. Chính phủ cũng đã hạn chế các dịch vụ internet và điện thoại. Chính phủ Cuba đã đáp trả bằng cách bắt giữ người dân, bao gồm cả các giáo sĩ, không chỉ trên đường phố mà còn tại tư gia của họ. Chính phủ Cộng sản đã đổ lỗi cho các cuộc biểu tình chủ yếu là do “những kẻ phản cách mạng” được Mỹ tài trợ, lợi dụng sự khó khăn về kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình và đối thoại tại quốc gia Caribe, đồng thời bày tỏ sự gần gũi của ngài với người dân. Đức Thánh Cha cầu nguyện để Cuba có thể tạo ra một xã hội công bằng và huynh đệ thông qua hòa bình, đối thoại và liên đới.

Lệnh cấm vận của Hoa Kỳ

Các Giám mục Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi nới lỏng lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba, đồng thời khuyến khích chính sách hòa giải bắt đầu từ năm 2014 của Tổng thống Barack Obama, tuy nhiên chính sách này đã bị lật đổ bởi người kế nhiệm Donald Trump, người đã coi Cuba là “nhà nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố”, chỉ vài ngày trước khi rời nhiệm sở.

Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình rằng ông sẽ giảm bớt một số lệnh trừng phạt đối với Cuba do Trump thắt chặt. Mỹ dự kiến sẽ sớm công bố các bước ban đầu xem xét lại chính sách Cuba của mình và để đối phó với việc Havana đàn áp các cuộc biểu tình.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch ở Cuba

Chính phủ Cộng sản đã thành công trong việc kiểm soát các ca lây nhiễm Covid-19 vào năm ngoái bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, cách ly những người bị nhiễm bệnh và đóng cửa ngành du lịch của họ bất chấp những hậu quả tàn khốc về kinh tế.

Nhưng trong những tuần lễ gần đây, mọi thứ ở quốc gia Caribe với 11 triệu dân này đã vượt quá tầm kiểm soát, phần lớn là do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan hơn của vi rút. Cuba đã báo cáo gần 4.000 trường hợp được xác nhận trên một triệu cư dân trong tuần trước, nhiều hơn 9 lần so với mức trung bình của thế giới và nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Mỹ về quy mô của nó.

Ba tuần lễ đầu tiên của tháng 7 đã chiếm khoảng 100.000 trong tổng số gần 300.000 ca nhiễm vi rút được ghi nhận cho đến nay ở Cuba. Giám đốc quốc gia về dịch tễ học cho biết hôm thứ Ba rằng 717 người đã tử vong trong tháng này ở Cuba, một tỷ lệ lớn trong tổng số 2.019 người của quốc gia. Điều này đã kéo lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của đất nước đến mức giới hạn và là một trong những lý do gây ra các cuộc biểu tình.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube