Các Giám mục Canada phản đối luật trợ tử cho những người khuyết tật và mắc bệnh tâm thần

Các giám mục Canada đã tố cáo việc mở rộng hỗ trợ tự tử cho những người không cận kề cái chết

Các Giám mục Canada phản đối việc mở rộng trợ tử cho những người không cận kề cái chết

Các Giám mục Công giáo Canada cho biết những áp lực có thể có của luật hỗ trợ tử mới của nước này đối với những người Canada mắc bệnh tâm thần hoặc khuyết tật “tất cả đều quá thực tế, nguy hiểm và có khả năng hủy hoại”.

Trong một tuyên bố vào ngày 8 tháng 4, Hội đồng Giám mục Công giáo Canada (CCCB) đã lên án việc mở rộng “hỗ trợ y tế cận tử” – hay còn gọi là MAiD – cho những người không cận kề cái chết. Các Giám mục kêu gọi những người có đức tin cầu nguyện và vận động các quan chức dân cử về vấn đề này.

Tuyên bố, do Đức Tổng Giám mục Richard Gagnon, Chủ tịch CCCB ký, cho biết: “Lập trường của chúng tôi hết sức rõ ràng. An tử và trợ tử cấu thành tội cố ý giết người vi phạm các điều răn của Thiên Chúa; chúng làm xói mòn phẩm giá chung của chúng ta bằng cách không nhìn nhận, không đón nhận và đồng hành cùng với những người đang đau khổ và sắp qua đời. Hơn nữa, chúng làm suy yếu nhiệm vụ cơ bản mà chúng ta cần phải có trong việc chăm sóc cho những thành viên yếu thế nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.

Thượng viện Canada đã thông qua Dự luật C-7 vào ngày 17 tháng 3, vài ngày sau khi nó được Hạ viện thông qua. Luật mới mở rộng khả năng tiếp cận việc trợ tử cho những người mà cái chết của họ không “có thể lường trước một cách hợp lý”, bao gồm cả những người mắc bệnh tâm thần, mặc dù điều khoản đó sẽ không được ghi trong luật trong hai năm để cho phép xem xét nhằm thiết lập các giao thức và biện pháp bảo vệ. Luật mới cũng cho phép mọi người đưa ra yêu cầu trước về vấn đề an tử nếu họ sợ mất khả năng đưa ra quyết định đó sau này trong cuộc sống.

Trong tuyên bố, được đưa ra “trong mùa Phục sinh này khi chúng ta kỷ niệm sự Phục sinh của Chúa Kitô và sự sống mới mà chúng ta có được trong Người”, các Giám mục khẳng định sự ủng hộ của họ đối với các tổ chức phản đối an tử, cũng như đối với gia đình, bạn bè, các nhân viên chăm sóc y tế, và các tình nguyện chăm sóc những người bệnh tật và những người đang hấp hối.

Các Giám mục cho biết họ “kiên quyết phản đối” việc cho phép vấn đề trợ tử trong các cơ sở Công giáo và đồng thời kêu gọi quyền lương tâm cho các nhân viên chăm sóc y tế không muốn tham gia vào hành vi an tử.

Để phản ứng với luật mới, các Giám mục kêu gọi việc tiếp cận nhanh chóng với các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, hỗ trợ xã hội và ngăn chặn tự tử cho những người mắc bệnh mãn tính hoặc thoái hóa, sống một mình hoặc sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn.

“Chăm sóc giảm nhẹ, chứ không phải hành động an tử hay trợ tử, là phản ứng bác ái và hỗ trợ đối với sự đau khổ và cái chết”, các Giám mục nói.

Đức Tổng Giám mục J. Michael Miller Địa phận Vancouver nói: “Tôi hoàn toàn tán thành tuyên bố từ CCCB. Hơn nữa, tôi tin rằng cách duy nhất hiện nay để giảm thiểu sự tổn hại đối với phẩm giá con người do một luật vô luân gây ra đó là nỗ lực làm việc để đảm bảo rằng việc chăm sóc giảm nhẹ có giá cả phải chăng và có thể tiếp cận được với mọi người dân Canada”.

Các nhóm bảo vệ quyền cho những người khuyết tật và các nhà lãnh đạo bản địa ở Canada cũng đã lên tiếng phản đối việc mở rộng hành vi trợ tử.

Trong một lá thư vào hồi tháng Hai, 15 nhà lãnh đạo bản địa và nhân viên chăm sóc y tế tuyên bố: “Dự luật C-7 đi ngược lại nhiều giá trị văn hóa, hệ thống tín ngưỡng và những Giáo huấn thiêng liêng của chúng ta”.

Họ cho biết người dân bản địa “dễ bị phân biệt đối xử và bị ép buộc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe” và xứng đáng được bảo vệ khỏi việc “tư vấn không được yêu cầu” liên quan đến trợ tử. “Quan điểm rằng MAiD là một cứu cánh phù hợp với phẩm giá cho những người bị bệnh nan y hoặc những người khuyết tật không nên bị ép buộc đối với người dân của chúng ta”.

Canada đã sửa đổi lệnh cấm hình sự đối với việc hỗ trợ hoặc tiếp tay cho một người thực hiện hành vi tự sát vào năm 2016, tạo ra một sự miễn trừ đối với “tội giết người nghiêm trọng” để các bác sĩ có thể thực hiện việc tiêm thuốc độc mà không phải đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube