Ban lãnh đạo mới của các Giám mục Venezuela cam kết giúp giải quyết cuộc khủng hoảng của đất nước

Những người ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro cầm cờ Venezuela trong cuộc biểu tình ở Caracas ngày 14 tháng 8 năm 2017. (Nguồn: Ueslei Marcelino / Reuters qua CNS)

Những người ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro cầm cờ Venezuela trong cuộc biểu tình ở Caracas vào ngày 14 tháng 8 năm 2017 (Ảnh: Ueslei Marcelino / Reuters qua CNS)

Vấn đề nghèo đói, dân chủ và di cư là một trong những ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo mới được bầu của Hội đồng Giám mục Venezuela.

Các vị Giám chức, đang nhóm họp từ ngày 7-12 tháng 1, đã chọn không tổ chức họp báo sau cuộc bầu cử của họ do đại dịch COVID-19, nhưng tài khoản YouTube của Hội đồng Giám mục đã chia sẻ một loạt video trong đó tân Chủ tịch, phó Chủ tịch và Thư ký của Hội đồng Giám mục Venezuela chia sẻ quan điểm về nhiệm kỳ ba năm của họ.

Đức Tổng Giám mục Jesús González de Zárate Salas Địa phận Cumaná, tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Venezuela, đã nói về việc “đồng hành cùng với toàn thể dân Chúa trong việc xây dựng các phản ứng mục vụ đối với những thách thức to lớn mà thực tế đang đặt ra cho chúng ta, đặc biệt là trong hoàn cảnh đầy kịch tính và phức tạp mà Venezuela đã phải trải qua trong những thập kỷ qua”.

Đức Tổng Giám mục Jesús González đã liệt kê những thách thức như di cư, nghèo đói và các vấn đề về giao thông vận tải và đồng thời cũng nhắc lại rằng “Giáo hội luôn muốn hiện giữa dân tộc của mình, như một bộ phận của dân tộc, ngày ngày chia sẻ tất cả những thực tại mà dân tộc chúng ta đang trải nghiệm, loan báo Chúa Giêsu Kitô, rao giảng Tin Mừng về Ơn cứu độ”.

Đức Giám mục Raúl Biord Castillo Địa phận La Guaira, tân Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Venezuela, cho biết thách thức của Giáo hội đó là làm thế nào để Giáo hội đáp ứng nhu cầu của người dân. “Nhu cầu đầu tiên”, Đức Giám mục Castillo nói, “đó là Tin Mừng, do đó, phải truyền bá Phúc Âm hóa”. Vị Giám chức cũng cho biết rằng Giáo hội phải “đồng hành với người dân của chúng ta trong những nhu cầu cụ thể của họ, giúp đỡ và đồng hành cùng với các cộng đồng để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ”.

Ngoài ra, Đức Giám mục Castillo cho biết, các Giám mục mong muốn củng cố thể chế và nền dân chủ của đất nước. “Chúng ta không cần những vị cứu thế, những vị cứu tinh hay những lãnh tụ cá nhân mà là sự tôn trọng đối với các thể chế ở mọi cấp độ: Xã hội, gia đình, chính trị, kinh tế và Giáo hội”.

Mặc dù tất cả các vị Giám chức đều tránh nêu tên bất kỳ chính trị gia cụ thể nào, nhưng họ đã đề cập đến một cuộc khủng hoảng “kéo dài hàng thập kỷ”.

Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, đã nắm quyền được 9 năm, sau thập kỷ nắm quyền của ông Hugo Chavez. Trong thời kỳ này, tình trạng nghèo đói ở Venezuela đã gia tăng, ảnh hưởng đến 95% dân số. Ngoài ra, hơn sáu triệu người đã rời bỏ đất nước kể từ khi ông Maduro nhậm chức, khiến nơi đây trở thành cuộc khủng hoảng di cư không liên quan đến chiến tranh tồi tệ nhất trên thế giới.

Đức Giám mục Castillo đã nhấn mạnh thách thức của việc di cư và cách thức “đồng hành với những người đã rời bỏ đất nước, cũng như những người ở lại và nhận thấy mình đang đơn độc”.

Vị Giám chức cũng kêu gọi người dân Venezuela thúc đẩy văn hóa ứng xử niềm nở cũng như một hệ sinh thái toàn vẹn, bằng cách chống lại vấn nạn “khai thác mỏ bất hợp pháp và tham lam” ở vùng Amazon của đất nước.

Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế, nhân đạo và chính trị ở Venezuela ngày càng tồi tệ, các nhóm tội phạm – bao gồm các băng đảng, các nhóm du kích Colombia và các nhóm bán quân sự, được biết đến ở địa phương là ‘colectivos’ – đang cạnh tranh để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá của đất nước. Các nguồn tài nguyên này bao gồm bauxite, coltan, kim cương và vàng. Tình trạng khai thác bất hợp pháp đang gây ra sự thiệt hại không thể phục hồi đối với môi trường, thúc đẩy các vụ vi phạm nhân quyền và tạo ra các mối đe dọa về an ninh đáng kể đối với Venezuela và khu vực.

Đức Giám mục Castillo nhắn nhủ với với các khán thính giả của mình rằng “vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng tính hiệp hành là hướng đi mà Thiên Chúa mong đợi từ Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba”.

Theo vị Giám chức, đó là về việc “khôi phục tiếng tăm về thể chế” của Giáo hội Công giáo.

“Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng Giáo Hội mang tính duy nhất, Công giáo và Tông truyền. Chúng ta có thể thêm vào đó tính hiệp hành. Đó là một yếu tố đã có ngay từ đầu: Các Tông đồ đã cùng nhau quy tụ để chờ đợi Chúa Thánh Thần, gặp gỡ nhau trong một hội đồng để quyết định những vấn đề quan trọng nhất của Giáo hội sơ khai, và trong những thế kỷ đầu tiên, các Giáo hội đã họp trong các hội đồng tỉnh, các hội nghị toàn thể, và các hội đồng đại kết”.

Tính hiệp hành, Đức Giám mục Castillo nói, được đánh dấu bằng việc “cùng nhau bước đi” với tư cách là dân của Thiên Chúa, bao gồm Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ và giáo dân.

Đức Tổng Giám mục Ulises Gutierrez đã bày tỏ một yếu tố hy vọng trong phát biểu của mình.

Vị Giám chức thừa nhận rằng tình hình hiện tại mà Venezuela đang phải trải qua quả là “hết sức khó khăn, hết sức gian truân”, nhưng “công việc của Thiên Chúa đã tuôn đổ phúc lành trên chúng ta”.

“Sau cơn giông bão, vốn kéo dài khá lâu, trời dịu lại. Sau đêm lại đến ngày. Và ngay cả trong bóng đêm, các ngôi sao vẫn tỏa sáng, và những ngôi sao đó là sự hướng dẫn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, mời gọi chúng ta trở thành anh chị em với nhau trong tình huynh đệ”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube