Vị Giám chức Nigeria: ‘Thị kiến về Chúa Giêsu đã cho tôi hy vọng về sự chấm dứt của Boko Haram’

Đức Giám mục Oliver Dashe Doeme Địa phận Maiduguri, Nigeria

Đức Giám mục Oliver Dashe Doeme Địa phận Maiduguri, Nigeria

WASHINGTON, D.C. – Một thị kiến về Chúa Giêsu đã giúp Đức Giám mục Oliver Dashe Doeme Địa phận Maiduguri, Nigeria, hy vọng về sự chấm dứt cuối cùng của nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram, sau vụ việc bắt cóc 276 nữ sinh ở thị trấn Chibok hẻo lánh vào tháng 4 năm 2014.

“Tôi đã hết sức đau buồn. Tôi bước vào ngôi nhà nguyện của mình, như tôi vẫn thường làm, để lần chuỗi Mân Côi”, Đức Cha Doeme chia sẻ tại cuộc hội thảo trực tuyến vào ngày 26 tháng 7 được tài trợ bởi ACN, tổ chức quốc tế và tổ chức từ thiện thuộc Đức Giáo hoàng chuyên trách việc giúp đỡ các cộng đồng đức tin bị đe dọa.

Vị Giám chức nhắc lại rằng Chúa Giêsu đã xuất hiện “như một thị kiến” ở phía bên phải bàn thờ. “Tôi đã đánh rơi chuỗi tràng hạt mà tôi đang cầm”, Đức Cha Doeme nhớ lại.

Thông điệp của Chúa Giêsu, Đức Cha Doeme nói, đó là “‘Boko Haram đã qua đi’. Ngài lặp lại ba lần và biến mất”.

Đức Cha Doeme chia sẻ rằng ngài “hoàn toàn bàng hoàng” bởi trải nghiệm này và đã không nói với bất cứ ai về điều này trong suốt một năm và khi ngài nói với họ, “họ rất vui mừng”.

57 nữ sinh đã trốn thoát khỏi Boko Haram vào ngày xảy ra vụ bắt cóc. Khoảng 100 em hiện vẫn đang mất tích, và một em khác đã được tìm thấy vào tháng 6 năm nay.

“Với Đức Mẹ ở kề bên, chiến thắng thuộc về chúng tôi”, Đức Cha Doeme cho biết thêm.

 Hội thảo trực tuyến có chủ đề: “Boko Haram có bị đánh bại? Cuộc sống dưới cái bóng bất diệt của bạo lực”.

Từ năm 2009 đến 2019, theo thống kê của ACN, Boko Haram đã trục xuất 25 Linh mục khỏi các Giáo xứ của họ, đánh đuổi 45 Nữ tu khỏi các Tu viện, và khiến hơn 100.000 người Công giáo phải di tản khỏi khu vực.

“Họ nhắm mục tiêu vào các nhà thờ của chúng tôi, các Linh mục của chúng tôi, các Nhà xứ của chúng tôi và phá hủy các công trình kiến trúc ở những nơi đó”, Đức Cha Doeme nói.

Giáo phận của vị Giám chức, ở đông bắc Nigeria, là nơi phát xuất của Boko Haram, và từ năm 2009 đến 2018, nhóm khủng bố đã tàn sát 1.500 người trong Giáo phận này.

Nhóm này phần lớn đã bị quân đội Nigeria đánh đuổi khỏi một số tỉnh trong khu vực – với sự hỗ trợ từ Benin, Cameroon, Chad và Niger. Nó hiện vẫn giữ quyền kiểm soát đối với một số ngôi làng và vùng lãnh thổ và tiếp tục phát động các cuộc tấn công liều chết đẫm máu và bắt cóc dân thường, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Đức Cha Doeme đã nói về một kết quả tích cực sau khi Boko Haram bắt cóc hàng loạt trẻ em đang trốn trong một chủng viện Hồi giáo ở bang Niger vào tháng 5 năm 2021.

Một Linh mục chúc lành cho một em bé tại một nhà thờ Công giáo tại Nigeria  (Ảnh: AFP)

Một Linh mục chúc lành cho một em bé tại một nhà thờ Công giáo tại Nigeria (Ảnh: AFP)

Vì Giáo phận đã được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức trinh Nữ Maria, nên “những điều kỳ diệu đã và đang xảy ra. Họ đã tìm kiếm để tàn sát con cái của chúng ta. Nhưng họ đã chẳng tìm được ai cả”.

“Tôi là bằng chứng sống động về sự chở che hộ phù của Thiên Chúa đối với chúng tôi”, vị Giám chức cho biết thêm. “Vì vậy, chúng tôi giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác”.

Giáo phận ước tính có khoảng 163.700 giáo dân.

“Như lịch sử cho thấy, bất cứ khi nào có sự đàn áp bắt bớ, Giáo hội trở nên sống động hơn… và tràn đầy sức sống hơn. Người dân của chúng tôi đã trở nên kiên định trong đức tin”, Đức Cha Doeme nói.

Những năm cao điểm xảy ra các vụ tấn công của lực lượng Boko Haram là năm 2014 và 2015, với hơn 350 vụ tấn công trên khắp Nigeria. Con số năm ngoái đã giảm xuống còn khoảng 70 vụ.

Theo báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trích dẫn trong bản tóm tắt năm 2021 về tự do tôn giáo trên toàn cầu, năm ngoái, Nigeria có 1.112 người thiệt mạng vì bạo lực giữa các nhóm sắc tộc, những người chăn nuôi gia súc và nông dân.

Báo cáo cho biết các nhóm – bao gồm Boko Haram và Nhà nước Hồi giáo Tây Phi – đã tấn công các trung tâm dân cư và các mục tiêu tôn giáo, bao gồm các nhà thờ Kitô giáo và các đền thờ Hồi giáo, đồng thời duy trì khả năng tập hợp lực lượng ở các vùng nông thôn và tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự và quân sự trên khắp khu vực đông bắc của Nigeria.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết rằng Ngoại trưởng Antony Blinken “xác định rằng Nigeria không đáp ứng các tiêu chí để được chỉ định là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì tham gia hoặc dung túng cho các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tự do tôn giáo hoặc là quốc gia trong Danh sách theo dõi đặc biệt vì tham gia vào hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến tự do tôn giáo theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 khi những chỉ định như vậy được công bố vào ngày 15 tháng 11 năm 2021”.

Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) được thành lập vào năm 1947 ban đầu nhằm mục đích hỗ trợ các cộng đồng phải di tản sau Thế chiến thứ hai. Tổ chức này phục vụ hơn 145 quốc gia.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube