Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ: Đức Thánh Cha Phanxicô muốn các tín hữu 'trở nên ánh sáng của thế giới thời đại ngày hôm nay'

Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Tổng Giám mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Tổng Giám mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ (Ảnh: Vatican News)

Các tín hữu Công giáo phải “trở nên ánh sáng của thế giới thế giới thời đại ngày hôm nay” trong cả Giáo hội lẫn xã hội, Đức Tổng Giám mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, cho biết.

“Đây là điều mà tôi thiết nghĩ Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta trở thành”, Đức Tổng Giám mục Pierre phát biểu với Tennessee Register, tờ báo của Giáo phận Nashville.

Đức Tổng Giám mục Pierre đã đến thăm Giáo phận Nashville để cử hành Thánh lễ vào ngày 25 tháng 7 tại Nhà thờ Chính tòa Nhập thể cho tám Nữ tu khấn trọn với tư cách là thành viên Dòng các Nữ tu Đa Minh thuộc Cộng đoàn Thánh Cécilia.

Đức Tổng Giám mục Pierre đã trả lời một cuộc phỏng vấn về ba trong số những cuộc trò chuyện lớn nhất hiện nay trong Giáo hội: Thượng hội đồng Giám mục thế giới sắp tới về Hiệp hành, Cuộc phục hưng Thánh Thể Quốc gia của Giáo hội Hoa Kỳ và hệ quả của việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đảo ngược phán quyết Roe v. Wade mà vào năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khó khăn vì sự đồng bộ hóa, vì sự phân mảnh của xã hội, vì vậy Giáo hội phải là một Giáo hội trong thế giới ngày nay, chứ không phải trong quá khứ”, Đức Tổng Giám mục Pierre nói. “Nhiều người mơ về quá khứ, nhưng chúng ta không thể tồn tại trong quá khứ. Chúa Giêsu đang nhập thể vào thực tại của con người thời đại ngày hôm nay”.

Mong muốn các tín hữu Công giáo “trở nên ánh sáng của thế giới thời đại ngày hôm nay” của Đức Thánh Cha Phanxicô không có nghĩa là “ngài đang thay đổi Giáo lý đức tin”, Đức Tổng Giám mục Pierre nói. “Câu chuyện cũng giống như việc, một cách chính xác, Tin Mừng là một tin tốt lành, khi ngài bảo chúng ta hãy tái khám phá việc chúng ta là ai và chúng ta đang đi đâu”.

Về Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, các Giáo phận trên toàn thế giới đã tổ chức các buổi lắng nghe với các tín hữu trong nhiều tháng để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng này.

Đức Thánh Cha Phanxicô “muốn đặt Giáo hội vào kiểu não trạng hiệp hành, vốn phải là phong cách của Giáo hội. Chúng ta phải cùng nhau cộng tác làm việc”, Đức Tổng Giám mục Pierre nói.

Hiệp hành “luôn là đường hướng của Giáo hội, vậy tại sao Đức Thánh Cha lại yêu cầu chúng ta làm điều này ngay bây giờ?”, Đức Tổng Giám mục Pierre tiếp tục. “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà … thiếu sự giao tiếp và giáo dục, đặc biệt là trong việc truyền đạt đức tin. … Để giao tiếp, chúng ta cần được kết nối và cùng nhau cộng tác làm việc”.

Trong bài giảng khởi động tiến trình hiệp hành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch ra ba điểm chính yếu của Thượng Hội đồng, điều đầu tiên đó là sự gặp gỡ lẫn nhau.

“Chúng ta phải tổ chức những cuộc gặp gỡ thực sự với nhau. Ngày nay, điều này cần thiết thậm chí ngay cả trong các gia đình”, Đức Tổng Giám mục Pierre nói. “Hiện có một quá trình của chủ nghĩa cá nhân, của sự đồng bộ hóa, của sự cô lập của con người”.

“Cha mẹ không trò chuyện với con cái và con cái không được cha mẹ thông báo hay nói về tương lai của chúng mà là các nguồn khác”.

Điểm quan trọng thứ hai là lắng nghe lẫn nhau sau khi cuộc gặp gỡ đã được thực hiện.

“Tiến trình lắng nghe không chỉ là sự cần thiết cần phải lắng nghe. … Có một chiều kích khác, mà chúng ta đã quên với tư cách là một Giáo hội”, Đức Tổng Giám mục Pierre nói. “Chúng ta cần lắng nghe Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội và đây là một tiến trình cần phải cầu nguyện và cần có sự chú ý”.

Điểm quan trọng thứ ba là “chúng ta lắng nghe lẫn nhau và cùng nhau cố gắng phân định xem cần hướng tới đâu”, Đức Tổng Giám mục Pierre tiếp tục. “Và mục đích là truyền bá Phúc âm hóa. … Vì vậy, chúng ta cần … sự lãnh đạo tài tình. Đây là điều mà tính hiệp hành hướng tới”.

Đức Tổng Giám mục Pierre cho biết Cuộc Phục hưng Thánh Thể Quốc gia của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ – với mục tiêu nhằm giúp các tín hữu Công giáo thực sự hiểu rằng niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự nơi Bí tích Thánh thể chính là trung tâm điểm của đức tin – là một cách thức khác để đạt được sứ mạng trở thành một Giáo hội hiệp hành.

Cuộc Phục hưng Thánh Thể, sẽ lên đến đỉnh điểm trong Đại hội Thánh Thể Quốc gia ở Indianapolis vào năm 2024, là phản ứng của các Giám mục đối với các cuộc thăm dò cho thấy niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự nơi Bí tích Thánh Thể đang suy yếu trong số những người tuyên xưng đức tin Công giáo.

“Các Giám mục là những người Mục tử. Họ có nhiệm vụ dẫn dắt và giúp anh chị em giáo dân được thấm nhuần Tin Mừng. Việc canh tân Thánh Thể không nên bị tách biệt khỏi phần còn lại của tiến trình của Giáo hội”, Đức Tổng Giám mục Pierre nói.

“Truyền giáo là cổ võ, giúp dân chúng có được cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa” .

“Bí tích Thánh thể là gì?”, Sứ thần Tòa Thánh tiếp tục. “Bí tích Thánh Thể là việc Chúa Giêsu tự hiến mình để chúng ta trở nên thân thể của Chúa Kitô và thân thể của Chúa Kitô là chính chúng ta, là Hội Thánh. Để trở nên thân thể của Chúa Kitô … chúng ta cần được nuôi dưỡng bởi Thân thể của Chúa Kitô. Đó là tất cả về Bí tích Thánh Thể”.

Đức Tổng Giám mục Pierre cho biết các Giám mục Hoa Kỳ thực hiện sáng kiến này vì “họ nhận ra rằng có thể chúng ta không hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc trở nên Giáo hội”.

“Giáo hội không có Bí tích Thánh Thể không phải là Giáo hội, và Bí tích Thánh Thể không có Giáo hội thì không phải là Bí tích Thánh Thể”, Đức Tổng Giám mục Pierre giải thích.

Đức Tổng giám mục Pierre cho biết them: “Chúng ta thực sự cần … được đổi mới trong kinh nghiệm mà chúng ta có được mỗi ngày qua phụng vụ, qua việc học hỏi Giáo lý … lắng nghe tiếng Chúa và phân định xem chúng ta là ai” trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và sống trong thế giới với tư cách là những nhân chứng “về sự hiện diện của Thiên Chúa”.

Có lẽ giờ đây, nhân chứng này cần thiết hơn bao giờ hết nơi đất nước này do kết quả của việc tòa án đảo ngược phán quyết Roe v. Wade và sự chia rẽ giữa những người phản đối việc phá thai và những người coi đó là một quyền.

“Không có quyền phá thai”, Đức Tổng Giám mục Pierre nói.

Giáo hội “sẽ không giải quyết tất cả các vấn đề của xã hội”, nhưng Giáo hội là “nhân chứng của vẻ đẹp về thực tại con người, vẻ đẹp của sự sống, sự sống của người mẹ, sự sống của đứa trẻ”, Đức Tổng Giám mục Pierre cho biết thêm. “Chúng ta phải giáo dục người dân và giúp đỡ người dân, bởi vì cuộc sống không phải là dễ dàng, tìm ra các giải pháp”.

“Giáo hội có một cái nhìn toàn cầu về vấn đề. Chúng ta bảo vệ sự sống bởi vì sự sống là điều thánh thiêng. Vậy đó. Nó được chính Thiên Chúa tạo tác nên”, Đức Tổng Giám mục Pierre nói. “Nhưng chúng ta cũng biết rằng sẽ không có sự sống nào xuất hiện nếu không có một người mẹ, nếu không có gia đình, không có tình yêu thương, vì vậy có một vấn đề trong xã hội của chúng ta”.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube