Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2022: ĐTC Phanxicô kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục chứ không phải vũ khí

oc7df14x

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi việc đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục và ít đầu tư vào vũ khí hơn trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2022, được công bố hôm thứ Ba.

Trong Sứ điệp được công bố vào ngày 21 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thế giới đã chứng kiến “sự cắt giảm đáng kể” trong việc tài trợ cho lĩnh vực giáo dục trong những năm gần đây, trong khi việc chi tiêu quân sự tăng vọt vượt quá mức so với thời Chiến tranh Lạnh.

“Do đó, đã đến lúc các chính phủ cần phải triển khai các chính sách kinh tế nhằm đảo ngược tỷ lệ ngân quỹ công được chi cho lĩnh vực giáo dục và vũ khí”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Sứ điệp, được ký ngày 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Ngày Thế giới Hòa bình – do Thánh Phaolô VI thiết lập vào năm 1968 – được cử hành hàng năm vào ngày 1 tháng Giêng, Lễ trọng Kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã đưa ra một Sứ điệp nhân dịp này, được gửi tới các Bộ trưởng ngoại giao trên khắp thế giới.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hòa bình năm 2022 lần thứ 55, có chủ đề: “Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và lao động: các công cụ nhằm xây dựng nền hòa bình lâu dài”.

Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch ra ba “con đường để xây dựng một nền hòa bình lâu dài”: thúc đẩy việc đối thoại giữa các thế hệ, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và cải thiện các điều kiện lao động.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi một liên minh mới giữa người trẻ và những người cao niên để giải quyết các vấn đề về sự cô lập và thái độ chỉ quan tâm đến mình đang tăng cao bởi đại dịch coronavirus.

“Mặc dù sự phát triển công nghệ và kinh tế có xu hướng tạo ra sự chia rẽ giữa các thế hệ, nhưng các cuộc khủng hoảng hiện tại của chúng ta cho thấy nhu cầu cấp thiết về một mối quan hệ đối tác giữa các thế hệ”, Đức Thánh Cha viết.

“Người trẻ cần trí tuệ và kinh nghiệm của những người cao tuổi, trong khi những người lớn tuổi cần sự hỗ trợ, tình cảm, sự sáng tạo và tinh thần năng động của người trẻ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng một cuộc đối thoại mới giữa các thế hệ có thể trở thành “động lực thúc đẩy một nền chính trị lành mạnh”.

Đức Thánh Cha Phanxicô than phiền về xu hướng coi giáo dục và đào tạo là những hành động phung phí thay vì là một sự đầu tư. Đức Thánh Cha cho biết rằng chúng nên được coi như là “những phương tiện chính để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người”, bởi vì chúng giúp hình thành những con người tự do và có tinh thần trách nhiệm.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng việc đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục phải đi kèm với việc thúc đẩy “nền văn hóa quan tâm chăm sóc”, vốn có thể trở thành “ngôn ngữ chung giúp phá bỏ các rào cản và xây dựng những cầu nối”.

Việc hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục giúp những người trẻ tuổi có được vị trí xứng đáng trong thị trường lao động, Đức Thánh Cha Phanxicô viết, và xây dựng “một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn” thông qua công việc của họ.

Nhưng Đức Thánh Cha lưu ý rằng COVID-19 đã khiến những người trẻ tuổi khó tìm được công ăn việc làm ổn định hơn.

“Hàng triệu hoạt động kinh tế và sản xuất đã thất bại; những công nhân lao động ngắn hạn ngày càng dễ bị tổn thương; nhiều người trong số những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu có hồ sơ công khai và chính trị thậm chí còn thấp hơn; và trong nhiều trường hợp, việc dạy học từ xa đã dẫn đến một lỗ hổng trong học tập và chậm hoàn thành chương trình học”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Hơn nữa, những người trẻ tuổi tham gia thị trường việc làm và những người trưởng thành thất nghiệp gần đây hiện đang đối mặt với những triển vọng ảm đạm”.

Trong khi đó, những người lao động nhập cư đã phải tiếp xúc “với nhiều hình thức nô lệ khác nhau và không có hệ thống phúc lợi nào để bảo vệ họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng chỉ có một phần ba người lao động ngày nay “được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội, hoặc chỉ được hưởng lợi từ hệ thống đó theo những cách hạn chế”, trong khi bạo lực và tội phạm có tổ chức đang gia tăng ở nhiều nơi.

“Câu trả lời duy nhất cho vấn đề này đó là mở rộng các cơ hội việc làm phù hợp với phẩm giá”, Đức Thánh Cha nói. “Trên thực tế, lao động là nền tảng để xây dựng sự công bằng và tinh thần liên đới trong mọi cộng đồng”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Việc thúc đẩy, trên khắp thế giới của chúng ta, các điều kiện làm xứng hợp với phẩm giá, hướng tới công ích và bảo vệ công trình sáng tạo là điều cấp bách hơn bao giờ hết”.

“Sự tự do của các sáng kiến kinh doanh cần được đảm bảo và hỗ trợ; đồng thời, phải nỗ lực để khuyến khích ý thức trách nhiệm xã hội được đổi mới, để lợi nhuận không phải là tiêu chí chỉ đạo duy nhất”.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích tất cả mọi người lao động và doanh nhân Công giáo nỗ lực phấn đấu cho “sự cân bằng công bằng giữa tự do kinh tế và công bằng xã hội”, dựa trên “những hướng dẫn chắc chắn” được tìm thấy trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội.

Kết luận Sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha viết: “Đối với các nhà lãnh đạo chính phủ và tất cả những người chịu trách nhiệm chính trị và xã hội, các Linh mục và nhân viên mục vụ, và cho tất cả mọi người nam cũng như nữ có tinh thần thiện chí, tôi đưa ra lời kêu gọi này: chúng ta hãy cùng nhau bước đi với lòng can đảm và sự sáng tạo trên con đường của sự đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và lao động”.

“Chớ gì ngày càng có nhiều người nam nữ nỗ lực phấn đấu hàng ngày, với sự khiêm tốn thầm lặng và lòng dũng cảm, trở thành những nghệ nhân kiến tạo hòa bình. Và chớ gì họ luôn được truyền cảm hứng và được trợ lực bởi muôn ơn lành của Chúa Tể Hòa bình!”.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 21 tháng 12 tại Vatican trình bày văn bản Sứ điệp của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Peter Turkson cho biết rằng Sứ điệp năm 2022 nhấn mạnh sự xác quyết của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng tất cả mọi cá nhân đều có thể đóng góp vào việc xây dựng hòa bình.

“Điều này có nghĩa là tất cả mọi người đều có vai trò nền tảng trong một dự án sáng tạo tuyệt vời duy nhất để viết nên một trang lịch sử mới”, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện cho biết. “Một trang tràn đầy niềm hy vọng, hòa bình, và hòa giải”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube