"Phụng vụ Zapping" - Một nhận định về “Thánh Lễ Online”

Spanish-bishop-hits-out-at-bombardment-of-faithful-with-coronavirus-livestreamed-Masses

Kể từ Chúa Nhật 29.3.2020 vừa qua, để thực thi “chủ trương phòng dịch chống dịch” quyết liệt của chính phủ Việt Nam thông qua Chỉ thị số 15/CT-TTg[1] có hiệu lực từ 00 giờ ngày 28.3.2020, các nhà thờ Công Giáo khắp nơi trên toàn quốc đồng loạt tạm đình chỉ các cử hành Phụng vụ tập trung. Trong khi đó, hầu hết các Toà Giám Mục, Tổng Giám Mục, đều có những thông báo chính thức của các vị Giám Mục chủ chăn với nội dung vừa đánh giá tính nghiêm trọng của hiện tình dịch bệnh Covid-19, vừa đề xuất các thái độ tinh thần và định hướng mục vụ thích hợp để Dân Chúa cùng nỗ lực thực hành sống đạo trong hoàn cảnh đặc biệt nầy.

Trước hết, đây không phải là chuyện chỉ có nơi Giáo Hội tại Việt Nam; thật ra, nhiều nơi khác như các Giáo Hội tại Hàn Quốc, Italia, Vatican, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ…đã triển khai “biện pháp mục vụ cực chẳng đã” nhưng tối cần thiết nầy để ứng phó với tình hình nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Vì là Mùa Chay và nhất là đang bước vào Tuần Chịu Nạn để chuẩn bị cho những ngày trọng đại Tuần Thánh, các vị chủ chăn của các giáo phận và Tổng giáo phận tại Việt Nam, qua các thư thông báo gởi đến cộng đoàn Dân Chúa đều nhấn mạnh ý nghĩa “chay tịnh, nguyện cầu, bác ái”, là những chủ điểm sống của Mùa Chay Công Giáo. Các vị không quên lưu ý cộng đoàn biết phân định và nhận ra dấu chỉ của các hệ luỵ từ sự kiện Covid-19: “Có thể đây là biến cố Chúa muốn dùng để thanh tẩy chúng ta. Chính trong nguy cơ của dịch bệnh, Chúa muốn ban cho chúng ta thời cơ để suy nghĩ lại và biết quí trọng những gì mà trước đây có thể chúng ta đã coi thường: đó là việc tham dự thánh lễ hằng ngày cùng với cộng đoàn giáo xứ, cũng như việc mọi người trong gia đình ngồi lại với nhau để chia sẻ tâm tình và cầu nguyện chung.” [2]

Dĩ nhiên, các vị chủ chăn của chúng ta cũng đã lường trước những thái độ và tâm tình  hụt hẫng, xuyến xao không ít trước những đổi thay nhịp sống Phụng vụ, của bà con giáo dân, vốn là những Kitô hữu luôn gắn chặt đời sống đức tin với nhà thờ, với Thánh lễ, với cuộc tập họp cộng đoàn, nhất là vào ngày Chúa Nhật. Vì thế, các ngài đã ân cần lưu ý cách thức và tinh thần tham dự Thánh lễ trong trường hợp đặc biệt nầy, chủ yếu là hiệp thông tâm tình, hướng về Thánh lễ đang cử hành; nếu có thể, cùng hiệp thông qua các Thánh lễ trực truyến với thái độ phụng vụ xứng hợp: “Tuy nhiên, vì thánh lễ mỗi ngày là đỉnh cao và nguồn mạch ân sủng của đời sống Kitô hữu, nên vào các giờ lễ như thường lệ các cha vẫn cử hành thánh lễ riêng với tư cách là hiện thân của Đức Kitô và nhân danh Hội Thánh, có thể với sự tham dự của một ít giáo dân phục vụ thánh lễ. Các tín hữu không hiện diện vẫn có thể hiệp thông thánh lễ bằng tâm trí, nếu có thể theo dõi chương trình phát hình trực tuyến hoặc phát lại trên mạng của giáo xứ hay Giáo phận thì càng tốt.”[3]

Và các ngài cũng tiên liệu các đáp ứng thiêng liêng khác như “các linh mục phải dâng lễ riêng hằng ngày”, “nhà thờ phải mở cửa thường xuyên để giáo dân đến cầu nguyện”…: “Tuy không có các sinh hoạt tôn giáo tập trung, nhưng việc cầu nguyện trong tình hình dịch bệnh hiện nay là rất cần thiết, vì vậy các nhà thờ vẫn mở cửa để các tín hữu có thể đến chầu Thánh Thể và cầu nguyện riêng, đồng thời khuyến khích các gia đình nên tổ chức những buổi đọc kinh cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa tại nhà.”[4]

Quả thật, nếu mọi tín hữu và các cộng đoàn đều bình tỉnh, trầm lắng và khiêm tốn thực thi các định hướng mục vụ tối hảo trên thì không có gì để luận bàn. Tuy nhiên, ở đâu và thời nào cũng đều có những “trục trặc” (thái quá hoặc bất cập) ngoài dự đoán cũng như thiện ý ban đầu.

Ở đây muốn lưu ý một chút về cách “vận dụng phương tiện truyền thông” để đáp ứng các yêu cầu phụng vụ trong thời đại dịch khi thiếu vắng các cuộc tập họp bình thường, nhất là việc “lạm phát” các chương trình “Thánh lễ trực tuyến”.

Trong những ngày nầy, trên các trang mạng của các giáo phận, các đường link và giới thiệu, hướng dẫn trên facebook, các cuộc trao đổi qua các tin nhắn của điện thoại thông minh… đâu đâu cũng nổi cộm các từ “Thánh lễ trực tuyến”, “Thánh lễ online”….Đến đổi, người ta có cảm giác rằng: đức tin Công Giáo hiện nay chỉ còn có mỗi chuyện “Thánh lễ trực tuyến”.

Thật sự điều nầy cũng đã từng được một vị chủ chăn trong Hội Thánh, Đức cha Antonio Gómez Cantero, Giám Mục Giáo phận Teruel – Albarracín Tây Ban Nha, đã cảnh báo thẳng thừng: “Tất cả các cuộc oanh tạc này đặt ra nhiều câu hỏi cho tôi. Phải chăng chúng ta đang đối xử với các tín hữu như thể họ không biết cầu nguyện và nên phụ thuộc vào hàng giáo sĩ để có thể cầu nguyện?…Với những gì chúng ta đã làm cho đến nay, có phải chúng ta đang coi anh chị em tín hữu chỉ là khán giả?…Bạn có thể thấy rằng rất nhiều Thánh Lễ trên màn hình đang giữ mọi người trong vai trò thụ động của khán giả. Hay là chúng ta muốn biện minh cho chức tư tế của mình? Có phải các dịch vụ tôn giáo đã có trên đài truyền hình và đài phát thanh là không đủ?…Điều gì quan trọng hơn, một khoảng thời gian cầu nguyện và Lectio Divina với Lời Chúa, hay việc nhìn vào một màn trình diễn trên màn hình máy tính?”.[5]

Để chứng thực “tính khán giả” khi tham dự “Thánh lễ qua màn hình”, chúng ta thử đọc vài ghi nhận sau đây về các tin nhắn liên quan tới chủ đề nầy:

 DỰ LỄ TRỰC TUYẾN

Nhiều chuyện vui trong Chúa nhật đầu tiên xem truyền hình Thánh lễ trực tuyến Chúa nhật V Mùa Chay Năm A

– Kẹt mạng Cha ơi…

– Cho nghe nhạc chờ… quá giờ. Ai nói lễ trực tiếp mà không có “đi lễ trễ”…!?

– Cha ơi, điện thoại của Cha chỏng lên trời, toàn thấy cái đầu Cha ơi…

– Mất âm thanh rồi Cha ơi… Ồn quá Cha ơi…

– Đang “live” có người gọi điện… Cha ra: Alo đang truyền hình trực tiếp nhá!

– Cha ơi! Con đi mấy lễ mà toàn được nửa lễ – nửa lễ bên này, bị sự cố, rồi nhảy qua lễ khác… Đổi hẳn qua Giáo phận khác, được nửa lễ… lại sự cố kỹ thuật ?!?! Khóc ròng ròng…

– Khi xem lễ trực tuyến Giáo phận khác – Cha ơi, giọng thưa không quen, kinh đọc lạ quá à!

– Đã lên mạng lại còn “bịt khẩu trang” không nghe được Cha ơi… comment cháy máy…

– Mẹ nói con gái, mày bảo thằng chồng mày, đưa cái điện thoại ra đây, điện thoại của nó rõ và tiếng to… ha ha ha. Chứ điện thoại nokia 3110 thì mất lễ chắc… ha ha ha

– Giáo dân thời Internet này rủ nhau đi lễ cũng lạ: bằng tag không à. Rồi… kẹt mạng bên này, rủ nhau qua KÊNH khác… ha ha ha. Giờ không phải di chuyển qua nhà thờ khác – mà rủ nhau qua KÊNH khác… ha ha ha

– Đang xem lễ, bạn inbox = “đã có mặt” nhá… ha ha ha

– Đang xem lễ trên điện thoại – tiếp thị nhà đất, bất động sản gọi tới… Đứng hình…

Fb: Trần Ngọc Hướng

Chúng ta không thể phủ nhận những “lợi ích tích cực” việc vận dụng các phương tiện truyền thông vào việc sống đức tin; tuy nhiên, chúng ta không thể để đời sống đức tin bị khống chế hay nô lệ cho một thứ não trạng hay văn hoá mà ngày hôm nay người ta gọi chung là “văn hoá zapping”, đã từng được Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý trong tông huấn Christus Vivit: “Tôi nhắc lại rằng tất cả mọi người, nhưng “nhất là người trẻ, thường xuyên phải tiếp xúc với thứ văn hoá zapping (Chú thích của người dịch: “zapping” là động tác dùng bộ điều khiển từ xa để bấm chuyển kênh truyền hình liên tục mà không chú tâm). Chúng ta có thể vừa lướt xem hai hoặc ba màn hình, đồng thời lại vừa tương tác với các khung cảnh ảo khác. Nếu không biết khôn ngoan phân định, chúng ta có thể dễ dàng trở thành những con rối phó mặc cho những trào lưu chóng qua”. Và “điều này càng quan trọng hơn khi có điều gì đó mới mẻ xuất hiện trong đời sống chúng ta, bấy giờ chúng ta phải phân định xem liệu đó có phải là rượu mới do Thiên Chúa đem đến hay chỉ là một ảo ảnh lừa dối bởi tinh thần thế gian hoặc tinh thần của ma quỷ”.[6]

Riêng với các linh mục và những người đang trực tiếp hướng dẫn cộng doàn Dân Chúa trong mùa đại dịch Covid-19, cũng là Mùa Chay-Tuần Thánh-Phục sinh, một thời gian Phụng vụ rất quan trọng trong nhịp sống đức tin, cũng rất cần tham khảo các ý kiến sau của vị chủ chăn Tây Ban Nha đã nêu trên: “Thời gian ân sủng này cũng dành cho chúng ta, các linh mục và phó tế, để chúng ta dừng lại một chút, suy tư và tái cấu trúc cuộc sống mục vụ của chúng ta, để chúng ta có thể cầu nguyện nhiều hơn, có thể giảm bớt lối sống duy hoạt động, có thể đọc cuốn sách mà chúng ta vẫn còn để lại trên kệ chưa kịp đọc…

Hãy cử hành Thánh Thể trong cô tịch yên bình và vắng vẻ; hãy suy niệm và chữa lành các vết thương mà chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ. Nói tóm lại, hãy tìm kiếm những điều cốt yếu trong thừa tác vụ của chúng ta…Có vẻ như một số người trong chúng ta [các linh mục] sợ sự cô tịch, điều mà chúng ta có thể không nhìn thấy hoặc nghe thấy, và chúng ta quên rằng một trong những nhiệm vụ của chúng ta là cầu nguyện cho những người khác….

Chúng ta cũng phải tìm hiểu xem trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông này, có bao nhiêu thứ chỉ là sự hiển thị của một mong muốn khó cưỡng là biến mình thành nhân vật chính…Hãy ngừng oanh tạc những con người tốt lành bằng hàng đống những loại suy niệm, hình ảnh, video và lời cầu nguyện, có vẻ giống như quảng cáo hơn là tôn giáo…Ở đây, chúng ta cũng là những người chuộng tiêu dùng: chúng ta chỉ trích rất nhiều, nhưng chúng ta cũng quảng bá cho chủ nghĩa tiêu thụ …    

Trên thế giới có rất nhiều người tin, cả phụ nữ lẫn đàn ông, đã chỉ thỉnh thoảng mới được tham dự một cuộc cử hành Bí tích Thánh Thể khi một nhà truyền giáo đi qua (đôi khi vài tháng mới có một lần), nhưng những người đó vẫn sống đức tin của họ với sự chính trực tuyệt vời!…Tuy nhiên, chúng ta là những tay nhà giàu, những người tiêu dùng tôn giáo, với quyền không mất lễ, ngay cả vì nó được truyền hình trực tiếp…     

Hãy nhanh chóng tránh xa những âm thanh và hình ảnh trong Mùa Chay rất thật và rất sa mạc này….Hãy trở về với nội tâm và giữ thinh lặng, đó là nơi Chúa nói với chúng ta….Hãy sống sự nghèo khó với một cường độ thật mạnh. Vì cuối cùng, cả một loạt các thông điệp giống như cơn mưa rơi xuống mà không làm ướt mặt đất thì cũng không mang lại hoa trái gì”.[7]

“Cơn mưa rơi xuống mà không làm ướt mặt đất thì cũng không mang lại hoa trái gì” mà Đức Giám Mục Antonio Gomez Cantero nói đó phải chăng là những cử hành “phụng vụ zapping”, mà nếu không tỉnh táo phân định, Giáo Hội Việt Nam có thể đang bị cám dỗ thực hiện cách ngon ơ như một thứ “bánh mì” có sẵn trong tầm tay.

Trương Đình Hiền

[1] BÁO ĐIỆN TỬ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM. Thủ tướng chỉ thị quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19. Link: http://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Thu-tuong-chi-thi-quyet-liet-thuc-hien-dot-cao-diem-phong-chong-dich-COVID19/391129.vgp

[2] THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GỞI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA GIÁO PHẬN QUI NHƠN. V/v Tạm dừng cử hành các thánh lễ tập trung và hướng dẫn sinh hoạt mục vụ trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Nguồn: Trang mạng Giáo phận Qui Nhơn: https://gpquinhon.org/q/van-thu-giam-muc/thong-bao-tam-dung-cac-cu-hanh-thanh-le-tap-trung-2949.html

[3] Ibid.

[4] Ibid.

[5] ANTONIO GÓMEZ CANTERO. Nguyên tác trên trang web của các Giám mục Tây Ban Nha Ecclesia: La inusitada efervescencia, por Antonio Gómez Cantero, 16 marzo, 2020. Bạch Quỳnh chuyển ý: Một Đức Giám mục nặng lời phê phán các vụ “oanh tạc” tín hữu bằng các Thánh lễ trực tuyến. Nguồn: https://dcctvn.org/coronavirus-mot-duc-giam-muc-nang-loi-phe-phan-cac-vu-oanh-tac-tin-huu-bang-cac-thanh-le-truc tuyen/?fbclid=IwAR2CcFecDWIHqdcjkYq894QZK_i7Rg6iYGx8UMlPqNlAkS1J5ehq860caSY

[6] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn CHÚA KITÔ ĐANG SỐNG (CHRISTUS VIVIT), Bản dịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. NXB. Tôn Giáo 2019. Số 279, tr. 178-179.

[7] ANTONIO GÓMEZ CANTERO. Nguyên tác trên trang web của các Giám mục Tây Ban Nha Ecclesia: La inusitada efervescencia, por Antonio Gómez Cantero, 16 marzo, 2020 (Tài liệu đã dẫn nơi Ghi chú 5).

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube