Nhóm Liên đới mục vụ đại kết: ‘Sri Lanka cần sự hỗ trợ quốc tế ngay lập tức’

Nhóm liên đới đại kết gặp gỡ các nhà lãnh đạo liên tôn ở Sri Lanka (Ảnh: CCA)

Nhóm liên đới đại kết gặp gỡ các nhà lãnh đạo liên tôn ở Sri Lanka (Ảnh: CCA)

Một nhóm liên đới mục vụ đại kết đã đến thăm Sri Lanka từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 8, do Hội nghị Kitô giáo Châu Á (CCA) tổ chức, đã bày tỏ sự báo động về cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc tại quốc gia này.

Các thành viên nhận thấy rằng cần phải có sự can thiệp quốc tế ngay lập tức để giúp đỡ quốc gia đang tê liệt khi tình trạng hỗn loạn chính trị và biến động xã hội chưa từng có tiếp tục tại quốc đảo này.

Sự suy sụp kinh tế và tình hình tồi tệ đang diễn ra trong nước — chủ yếu là do tình trạng lạm phát cao, giá hàng hóa thiết yếu tăng, nạn đói và suy dinh dưỡng ngày càng gia tăng, thiếu nhiên liệu, khan hiếm thuốc men, khủng hoảng về luật pháp và trật tự, bạo lực gia tăng, các vụ bắt bớ và giam giữ các nhà hoạt động xã hội và nhân quyền — đang khiến đất nước trở thành một ngọn núi lửa xã hội (social volcano).

Sự hỗn loạn kinh tế kéo theo sự bùng nổ của tình trạng bất ổn chính trị cũng như sự tức giận và đau khổ của người dân từ mọi tầng lớp xã hội, như đã được thể hiện trong cuộc tranh đấu của họ, ngày nay được gọi là Aragalaya, từ tiếng Sinhalese có nghĩa là “đấu tranh”.

Aragalaya đang được sử dụng rộng rãi để mô tả cuộc tụ tập hàng ngày của mọi người tại công viên Galle Face, Colombo và nó bắt đầu với yêu cầu chính phủ tham nhũng dưới sự lãnh đạo của gia đình Rajapaksa cầm quyền phải từ chức và nhường chỗ cho một sự cầm quyền mới.

Phong trào của người dân và cuộc tụ họp thường xuyên của họ đánh dấu 100 ngày vào ngày 17 tháng 7, ban đầu buộc Thủ tướng Mahinda Rajapaksa phải từ chức vào ngày 9 tháng 5 và sau đó khiến anh trai của ông, Gotabaya Rajapaksa, phải bỏ trốn khỏi đất nước vào ngày 15 tháng 7. Tổng thống Sri Lanka đã bị đánh đuổi khỏi văn phòng của mình bởi những người biểu tình, những người sau đó đã chiếm dinh thự Tổng thống. Sau đó, tân Tổng thống đã được Quốc hội bầu ra.

Lạm phát của nước này đạt mức cao kỷ lục gần 55% trong khi lạm phát lương thực tăng lên 81%. Tình trạng quản lý yếu kém và các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như nợ nần chồng chất càng thêm sâu sắc bởi các chính sách nông nghiệp vội vàng và kém cỏi của chính phủ, bao gồm cả việc cấm phân bón.

Một nhóm liên đới mục vụ đại kết gồm bốn thành viên, do Tổng thư ký CCA, Tiến sĩ Mathews George Chunakara, dẫn đầu, đã gặp gỡ các nhà lãnh Giáo hội và đạo đại kết ở Sri Lanka, các thành viên quốc hội, lãnh đạo đảng chính trị đối lập, lãnh đạo phong trào xã hội dân sự, các công đoàn viên, các cựu thành viên nội các, đại diện của các công nhân đồn điền, các nhóm liên tôn, và lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo thiểu số, cũng như đại diện của phong trào Aragalaya, những người đã đi đầu trong cuộc đấu tranh của nhân dân.

Các thành viên khác của nhóm liên đới bao gồm bà Petra Oon, một luật sư (Malaysia), Tiến sĩ Angelito Meneses, Giáo sư về Phát triển Xã hội (Philippines), và Linh mục Jung Eun Moon (Hàn Quốc).

Trong suốt chuyến viếng thăm kéo dài 5 ngày, nhóm đã tham gia các chuyến thăm và họp chuyên sâu và tìm hiểu về các cuộc khủng hoảng đang diễn ra và việc người dân Sri Lanka sau đó bị tước đoạt các tiện nghi cơ bản và phẩm giá.

Nhóm liên đới của CCA đã tóm tắt cảm xúc của những người họ gặp trong các chuyến viếng thăm và gặp gỡ và kết luận rằng Sri Lanka hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất. Tình hình đã có những ảnh hưởng sâu sắc và vang dội đến cuộc sống hàng ngày của người dân Sri Lanka. Cuộc khủng hoảng này cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề nhân quyền.

Trên thực tế, Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Nước này đã vỡ nợ 51 tỷ USD vào tháng 5 năm nay, và do thiếu hụt ngoại hối, đang phải vật lộn để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, chẳng hạn như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men. Hàng dặm người xếp hang chờ đổ xăng kéo dài dọc các con phố, và tình trạng lạm phát lương thực cao ngất trời đã đẩy người dân vào cảnh nghèo đói và suy dinh dưỡng.

Liên hợp quốc ước tính gần 5,7 triệu người, một nửa trong số đó là trẻ em, cần viện trợ nhân đạo. UNICEF cho biết gần một trong hai trẻ em ở Sri Lanka cần một số hình thức hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm các dịch vụ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nước uống sạch, giáo dục và sức khỏe tâm thần.

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo giáo hội Sri Lanka khi kết thúc chuyến thăm, Tổng Thư ký CCA cho biết: “Chuyến thăm của nhóm mục vụ là sự thể hiện tinh thần liên đới của các Giáo hội châu Á với người dân và các Giáo hội cũng như tổ chức đại kết ở Sri Lanka, những người quan tâm sâu sắc đến tình hình ngày càng tồi tệ; thông điệp mà nhóm thực hiện cũng sẽ được chia sẻ trên các nền tảng đại kết quốc tế rộng lớn hơn, và đặc biệt là trong Đại hội đồng của Hội đồngcác  Giáo hội Thế giới (WCC) sẽ được tổ chức tại Karlsruhe, Đức vào cuối tháng này”.

“Sri Lanka, từng được coi là một câu chuyện thành công với trình độ học vấn và mức sống cao, ngày nay đã trở thành một quốc gia của một số lượng lớn những người nghèo khổ đang đấu tranh để sống có phẩm giá và vượt qua khủng hoảng kinh tế và sự bất ổn chính trị. Hiện vẫn chưa rõ mức độ mà cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội và chính trị đã tác động đến người dân Sri Lanka thế nào. Sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka cần sự chú ý toàn cầu ngay lập tức và các quốc gia giàu có phải đến để giải cứu những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Sri Lanka nhằm tránh một thảm kịch nhân loại khác”, Tiến sĩ Chunakara cho biết thêm.

Minh Tuệ (theo RVA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube