Các Kitô hữu thuộc giáo hội Coptic là ai?

hình coptic

Một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại một nhà thờ Chính thống giáo Coptic ở Ai Cập đã cướp đi sinh mạng của 41 người vào hôm Chúa nhật vừa qua- một bi kịch tàn khốc đối với một cộng đoàn Kitô hữu đã từ lâu chịu đựng những sự ngược đãi và bắt bớ.

Coptic có nghĩa là người Ai-cập (Egyptian) và đại đa số Kitô hữu hiện đang sống ở Ai-cập tự nhận họ là tín hữu thuộc giáo hội Coptic.

Mặc dù không có bằng chứng về hành vi phá hoại trong vụ hỏa hoạn bất ngờ này, với một sự cố điện cho được cho là nguyên nhân gây ra vụ cháy, nhóm thiểu số Kitô hữu tại Ai Cập từ lâu đã bị coi là những công dân hạng hai trong một quốc gia đa số theo đạo Hồi. Trong những năm gần đây đã xảy ra liên tiếp một số vụ khủng bố lớn nhắm vào cộng đoàn giáo hội Coptic.

Đây là những gì bạn cần biết:

Giáo hội Coptic nghĩa là gì?

Sau Công đồng Chalcedon năm 451, Giáo hội Chính thống Coptic không công nhận giáo hoàng Công giáo và thay vào đó họ có giáo hoàng của riêng mình, vị này là giám mục của Alexandria và tuyên bố quyề kế vị tông đồ từ Thánh Mác-cô.

Hình thức thờ phượng cao nhất trong giáo hội này có dạng tương tự như Thánh lễ Công giáo, được biết đến với tên gọi Divine Liturgy- Phụng vụ thánh.

Không nên nhầm lẫn Giáo hội Chính thống giáo Coptic, một giáo hội Chính thống Phương Đông, với Giáo hội Công giáo Coptic, là một giáo hội địa phương theo nghi thức phương Đông nhưng hiệp thông hoàn toàn với Rôma. Hầu hết tín hữu tại Ai Cập với khoảng 10% tổng dân số là thành viên của giáo hội Chính thống giáo Coptic, ngoài ra có một số người Công giáo theo nghi thức Maronite và Latinh.

Tại sao họ bị bức hại?

Các Kitô hữu Coptic là mục tiêu thường xuyên của chủ nghĩa khủng bố ở Ai Cập, đặc biệt là kể từ khi Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy.

Vào tháng 2 năm 2015, Nhà nước Hồi giáo đã phát hành một video trực tuyến cho thấy các chiến binh đeo mặt nạ chặt đầu 21 người đàn ông khi họ quỳ trên một bãi biển ở Libya mặc áo liền quần màu cam kiểu nhà tù. Chính phủ Ai Cập và Giáo hội Chính thống Coptic sau đó đã xác nhận tính xác thực của đoạn video và những người này hiện được tôn kính như những vị thánh tử đạo của giáo hội Coptic.

29 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại Nhà thờ Chính thống giáo St. Mark’s Coptic ở Cairo vào tháng 12 năm 2016. Nhà nước Hồi giáo đã xác nhận chịu trách nhiệm vụ đánh bom và tung ra một đoạn video đe dọa nhắm vào các Kitô hữu ở Ai Cập. Và vào Chúa nhật Lễ Lá năm 2017, hai vụ đánh bom liều chết của Nhà nước Hồi giáo tại các nhà thờ Coptic ở Ai Cập đã cướp đi sinh mạng của 47 người.

Vào tháng 11 năm 2018, các chiến binh Hồi giáo đã phục kích một chiếc xe buýt chở những người hành hương đến một tu viện trong sa mạc ở phía nam Cairo, khiến 7 người thiệt mạng và 19 người bị thương.

Trong đại dịch, phụ nữ và các trẻ em gái thuộc giáo hội Coptic đã bị bắt cóc và buộc phải cải đạo sang Hồi giáo, và một số cộng đoàn đã bị cướp bóc, chiếm đoạt tài sản.

Liệu tình hình tương lai sẽ trở nên tốt hơn?

Chính phủ Ai Cập hiện tại dưới thời Tổng thống el-Sissi đã lên án các vụ tấn công và trong quá khứ đã cam kết bảo vệ các nhóm thiểu số Kitô giáo trong nước, nhưng người theo đạo vẫn bị thiệt hại nhiều nhất ở các vùng nông thôn bên ngoài thủ đô Cairo, nơi chính phủ quốc gia ít giám sát hơn. Điều này đôi khi xảy ra dưới hình thức các quy định của chính phủ nhắm vào những người theo đạo. Ví dụ, luật pháp Ai Cập trong nhiều thập kỷ vẫn giữ các quy tắc nghiêm ngặt từ thời Ottoman về việc xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ. Mặc dù nhiều hạn chế cũ đã được bãi bỏ vào năm 2016, các nhà bình luận vẫn nói rằng hầu hết các đơn xin xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ đều bị từ chối, đặc biệt là các yêu cầu từ các vùng nghèo, nông thôn hoặc các khu vực mà người theo đạo Thiên chúa là thiểu số.

Trong một báo cáo ngày 24 tháng 6 năm 2021 cho tổ chức từ thiện Công giáo Aid to the Church in Need Hoa Kỳ, Đức Giám mục Kyrillos William Samaan của giáo phận Coptic tại Assiut nói rằng các Kitô hữu vẫn còn ít đại diện trong nhiều lĩnh vực và bị gạt sang một bên trong các vị trí hành chính.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube