'Lười biếng, nhạt nhẽo, buồn tẻ': Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích cách biến sự phiền muộn trở nên tốt đẹp

”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 26 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 26 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích về việc những khoảng thời gian suy sụp tinh thần – được Thánh Inhaxiô Loyola mô tả là cảm giác bồn chồn bất an, cám dỗ, buồn bã – cũng có thể giúp đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn.

“Chẳng ai muốn cảm thấy cô độc, trống vắng, buồn bã. Tất cả chúng ta đều muốn có một cuộc sống luôn vui tươi, hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, điều này, ngoài việc không thể – bởi vì nó không thể – cũng sẽ không tốt cho chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 26 tháng 10.

Trên thực tế, Đức Thánh Cha cho biết thêm, cảm giác buồn bã hoặc ăn năn hối hận có thể là động lực khiến anh chị em quay lưng lại với cuộc sống phó mặc trụy lạc.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục các bài giảng của mình về sự phân định bằng việc suy ngẫm về sự sầu khổ thiêng liêng trong buổi tiếp kiếng chung hàng tuần với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trích dẫn các bài linh thao của Thánh Inhaxiô Loyola, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng sự sầu khổ thiêng liêng đã được định nghĩa là “đêm tối của tâm hồn, sự xáo trộn nội tâm, sự thúc đẩy hướng đến những thứ thấp hèn và trần tục, sự bồn chồn bởi những kích động và cám dỗ khác nhau, cứ thế tâm hồn hướng đến sự mất tin tưởng, không hy vọng, không yêu thương; tâm hồn cảm thấy mình hoàn toàn lười biếng, tẻ nhạt, buồn bã và như thể bị chia cách với Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa của mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết một điều cần biết về sự sầu khổ thiêng liêng đó là nó là một lời mời gọi tự nhìn lại bản thân mình.

“Điều quan trọng là phải học cách giải nghĩa nỗi buồn”, Đức Thánh Cha nói. “Tất cả chúng ta đều biết nỗi buồn là gì – tất cả mọi người. Nhưng chúng ta có biết cách giải nghĩa nó không? Chúng ta có biết nó có ý nghĩa như thế nào đối với mình hay không?”.

“Trong thời đại của chúng ta, nỗi buồn hầu như bị coi là tiêu cực, như một căn bệnh phải né tránh bằng mọi giá. Nhưng nó có thể là một hồi chuông cảnh báo không thể thiếu cho cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những viến tượng phong phú và sinh động hơn mà sự nhất thời chóng qua và triết lý trốn tránh ngăn cản chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.

cq5dam.web.800.800 (3)

cq5dam.web.800.800 (2)

cq5dam.web.800.800 (1)

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến định nghĩa của Thánh Tôma Aquinô về nỗi buồn trong Summa Theologica (Tổng luận thần học) là “nỗi đau của tâm hồn: giống như dây thần kinh của thân thể, nó hướng sự chú ý của chúng ta đến một mối nguy hiểm có thể xảy ra, hoặc một lợi ích không được chú ý” (x. Summa Theologica I-II, q. 36, a.1)

Đức Thánh Cha so sánh cảm giác này với chiếc đèn đỏ giao thông cảnh báo chúng ta dừng lại.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng chúng ta cũng nên ý thức về việc ma quỷ có thể nỗ lực lợi dụng cảm giác buồn bã hoặc phiền muộn để cám dỗ chúng ta tránh xa ý định thực hành các nhân đức.

“Mặt khác, đối với những người có mong muốn làm điều lành thánh, nỗi buồn là một trở ngại mà kẻ cám dỗ nỗ lực khiến chúng ta nản lòng”, Đức Thánh Cha giải thích.

“Hãy nghĩ đến công việc, học tập, cầu nguyện, một cam kết được thực hiện: nếu chúng ta bỏ rơi chúng ngay khi chúng ta cảm thấy chán nản hoặc buồn bã, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được bất cứ điều gì”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục.

“Đây cũng là một kinh nghiệm chung cho đời sống thiêng liêng: con đường dẫn đến sự tốt lành thánh thiện, Tin Mừng nhắc nhở chúng ta, luôn nhỏ hẹp và lên dốc, nó đòi hỏi cần phải nỗ lực chiến đấu, vượt thắng chính mình”.

Đức Thánh Cha đã mô tả một kinh nghiệm phổ biến: “Tôi bắt đầu cầu nguyện, hoặc dấn thân cho một công việc tốt đẹp, và kỳ lạ thay, ngay sau đó tôi nghĩ đến những điều cần phải làm gấp”.

“Điều quan trọng là đối với những người muốn phụng sự Thiên Chúa, đừng để mình bị lạc lối bởi sự sầu khổ phiền muộn”, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo, đồng thời khuyến khích mọi người trước tiên nên tạm dừng và xem xét trạng thái tâm trí của họ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định hệ trọng nào.

“Một quy tắc khôn ngoan nói rằng không nên thay đổi khi bạn đang ở trong tình trạng phiền muộn”, Đức Thánh Cha nói, mà không có sự trợ giúp của một vị linh hướng tốt lành.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách diễn giải những lời khích lệ của Thánh Phaolô trong 1 Cr 10:13 rằng: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng”.

Và nếu hôm nay chúng ta không thành công, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta hãy vươn lên và nỗ lực hơn nữa ngay sau đó.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube