Đức Tổng Giám mục Pezzi: ‘Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kazakhstan quan trọng đối với các tín hữu Công giáo Nga’

Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow

Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow

Đức Tổng Giám mục Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow cho biết một cuộc hành hương đặc biệt do Tổng Giáo phận của ngài tổ chức trước chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Nur-Sultan sẽ thể hiện tình cảm và lòng trung thành của các tín hữu Công giáo Nga đối với Đức Thánh Cha.

Tổng Giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Moscow sẽ tổ chức một cuộc hành hương đặc biệt nhân chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kazakhstan, diễn ra từ ngày 13-15 tháng 9.

Chứng nhân của sự hiệp nhất

Theo khẩu hiệu “Chúng tôi là những chứng nhân của sự hiệp nhất”, cuộc hành hương sẽ bắt đầu tại thủ đô của Nga vào ngày 12 tháng 9, dừng lại ở thành phố Omsk của Siberia, trước khi đến Karaganda, ở Kazakhstan, vào ngày hôm sau, ngày 13 tháng 9.

Từ đó – theo chương trình được công bố trên trang web của Tổng giáo phận – những người hành hương sẽ đến Karlag, một trong những trại cải tạo lớn nhất của Liên Xô, nơi mà, từ năm 1930 đến năm 1960, hàng chục nghìn tù nhân đã mất mạng. Đó cũng là nơi nhiều Kitô hữu, bao gồm các tín hữu Nga, chịu phúc tử đạo.

Vào ngày 14 tháng 9, nhóm sẽ di chuyển đến thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan để tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự trong “khuôn viên hội chợ triển lãm thế giới”. Hành trình trở về Moscow sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 9.

Các tín hữu Công giáo Nga yêu mến Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow, cho biết cuộc hành hương có ý nghĩa to lớn.

“Cuộc hành trình của Đức Thánh Cha Phanxicô rất quan trọng đối với các tín hữu Công giáo Nga. Trước hết, vì chúng tôi không biết liệu Đức Thánh Cha có thể và và khi nào ngài đến gặp gỡ chúng tôi, và Kazakhstan là quốc gia gần nhất với Nga. Do đó, đây quả là một cơ hội tuyệt vời”.

Theo Đức Tổng Giám mục Pezzi, cuộc hành hương tạo cơ hội cho các tín hữu Công giáo ở Nga bày tỏ lòng trung thành và tình cảm của họ đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “bằng cách gặp gỡ riêng ngài, vì họ yêu mến Đức Thánh Cha”.

Khi mời gọi các tín hữu Công giáo Nga tham gia cuộc hành hương, trang web của Tổng Giáo phận nhắc lại lời của Đức Giám mục José Luis Mumbiela Sierra của Giáo phận Chúa Ba Ngôi ở Almaty, Kazakhstan, chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Á (CEVAC).

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Vatican News về chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giám mục Mumbiela Sierra nhận xét rằng: “Chúng ta không phải là những người hành hương tìm kiếm một sự hiệp nhất không thể đạt được mà là những chứng nhân của một sự hiệp nhất đã được thể hiện trong tâm hồn chúng ta, bởi vì một Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn của chúng ta và sai chúng ta đi để tất cả những người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Ngài có thể tận hưởng sự sống và tình yêu của Ngài”.

Hiệp nhất trong sự đa dạng

Sự hiệp nhất trong sự đa dạng và tình huynh đệ nhân loại sẽ là sợi chỉ vàng xuyên suốt cuộc hành trình chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kazakhstan, một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo, kể từ khi giành độc lập khỏi Liên bang Xô viết cách đây hơn ba thập kỷ, đã trở thành một hình mẫu của sự chung sống hòa bình giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau.

Những khía cạnh này đã được nhiều lần nhấn mạnh bởi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Quốc gia Trung Á vào năm 2001, người vào dịp đó đã mô tả Kazakhstan là “vùng đất của sự gặp gỡ, của sự giao lưu và sự mới mẻ; một vùng đất khơi dậy trong mọi người niềm khao khát khám phá mới và giúp họ có thể trải nghiệm sự khác biệt không phải như là một mối đe dọa mà là một sự làm phong phú lẫn nhau”.

Đại hội các nhà Lãnh đạo thế giới và các Tôn giáo truyền thống lần VII

Cùng một mong muốn thúc đẩy các giá trị của sự chung sống và đối thoại giữa các dân tộc và tín ngưỡng, trái ngược với những nỗ lực lợi dụng tôn giáo vì các mục đích chính trị, đã truyền cảm hứng cho “Đại hội các nhà Lãnh đạo thế giới và các Tôn giáo truyền thống lần VII”.

Sự kiện lần đầu tiên được phát động vào năm 2003 tại Astana (nay là Nur-Sultan) bởi cựu Tổng thống Nazarbayev theo “Tinh thần Assisi”, các cuộc họp liên tôn được triệu tập lần đầu tiên vào năm 1986 bởi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có bài phát biểu tại phiên bản thứ bảy của Đại hội, diễn ra trong năm nay từ ngày 14-15 tháng 9 với chủ đề “Vai trò của các nhà Lãnh đạo thế giới và các Đức tin truyền thống trong Sự phát triển tinh thần-xã hội của Nhân loại hậu Đại dịch”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube